Aa

"Vỡ trận" vì buông lỏng quản lý và "nuông chiều" nhà đầu tư

Thứ Tư, 04/10/2017 - 13:02

Phát triển đô thị hiện nay xảy ra nhiều bất cập từ quy hoạch chung đến cụ thể từng dự án. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, lỗi đến từ cả hai phía là cơ quản lý cấp phép quy hoạch và chủ đầu tư xây dựng.

Sau nhiều năm thực hiện quy hoạch đô thị, các tòa nhà cao tầng với mật độ dày đặc đã và đang mọc lên vội vã giữa lòng Hà Nội được cho là bị làm theo kiểu "băm nát". Đi tìm câu trả lời “ai là thủ phạm?”, trao đổi với Reatimes, các chuyên gia quy hoạch xây dựng cho rằng, cơ quan quản lý quy hoạch đang buông lỏng trách nhiệm. Và việc điều chỉnh ngày càng nhiều các dự án xây dựng theo hướng có lợi cho nhà đầu tư đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng có dấu hiệu "lợi ích nhóm" trong quản lý quy hoạch?

nguyên nhâ

Quy hoạch Hà Nội còn nhiều bất cập và lỗi chính vẫn thuộc về cơ quan quản lý.

Dự báo quy hoạch chưa chính xác

Theo chia sẻ của TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội thì trên thực tế, không có khái niệm “quy hoạch bị băm nát”, nói đúng hơn quy hoạch là bức tranh toàn cảnh, còn phát triển thì lại theo kiểu “xôi đỗ”. Chính vì quản lý đô thị yếu kém mới tạo ra một quy hoạch không đồng bộ.

Ông Nghiêm cho hay: “Hiện nay, chúng ta thiếu đầu mối quản lý cho nên các quy hoạch chồng chéo lên nhau. Quy hoạch quá nhiều dẫn đến các cơ quan quản lý địa phương không biết theo thế nào. Đặc biệt, trong quy hoạch, công tác điều chỉnh chưa xác lập được thời gian. Quy hoạch đặt ra là dài hạn nhưng liên tục có điều chỉnh”.

Đơn cử như ông Ngiêm dẫn chứng, quy hoạch năm 1998 chính phủ duyệt nhưng đến 2008, khi mở rộng địa giới Hà Nội thì Chính chính phủ đã điều chỉnh đến 20 lần, chưa kể đến các điều chỉnh cục bộ của Thành phố. Điều đó cho thấy yếu tố tồn tại trong công tác quy hoạch là dự báo chưa chính xác.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội.

Quy hoạch nhưng chưa gắn với kế hoạch thực hiện dài hạn 5 năm đầu là gì, 10 hay 20 năm sau như thế nào…Mặt khác, mỗi ngành lại có những dự báo riêng về quy hoạch đất đai, quy hoạch văn hóa, trường học… cho nên mới dẫn đến tình trạng lộn xộn quy hoạch như vậy.

Ông Nghiêm cũng cho biết: “Việc xây dựng vượt tầng sai phép hay không phép là một vấn đề bức xúc trong cả quá trình đô thị hóa, không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở cả các nước khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đô thị hóa nhanh thì cũng xảy ra sai phép nhanh. Nhưng mức độ xây dựng trái phép ở Việt Nam mà cụ thể là Hà Nội cần phải quan tâm. Bởi vì, chúng ta chưa có công cụ quản lý chặt chẽ vấn đề này. Đặc biệt, chúng ta thiếu giám sát việc đầu tư xây dựng.

Cụ thể ở đây là thiếu một quy trình quản lý chặt chẽ xây dựng. Chúng ta đặt ra quy trình như làm móng phải có người kiểm tra, xây thô phải có giám sát thường xuyên, tổ chức thi công phải có người kiểm tra. Nhưng thực tế là trong thời gian qua, công tác giám sát của chúng ta không thường xuyên, chỉ khi thởi công, hoàn thiện mới xem tới. Chúng ta chưa đồng bộ quy trình công cụ quản lý, nhưng lỗi lớn nhất là thiếu quản lý và xử lý vi phạm”.

Ông Nghiêm chỉ ra rằng, trong suốt quá trình xây dựng từ những năm 1986, đặc biệt năm 1994 với quy định của Chính phủ về quản lý đô thị đã đặt ra vấn đề phải đặc biệt chú trọng cấp phép xây dựng. Tương tự, Luật Xây dựng 2003 đến Luật Xây dựng 2015 và những nghị định liên quan cũng quy định, tất cả các công trình đều phải cấp phép xây dựng. Như vậy có thể hiểu rằng, cấp phép xây dựng là công cụ quản lý có hiệu quả nhất.

"Vỡ trận" bởi “kiến trúc xôi đỗ”

Chia sẻ với Reatimes, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Tôi không đồng quan điểm với việc “quy hoạch bị băm nát” là do chủ đầu tư. Thường doanh nghiệp sẽ hướng tới lợi nhuận, nhưng không có quyền quyết định. Doanh nghiệp chỉ có thể được tham dự, cho phép vào đầu tư dự án khi có sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Câu chuyện ùn tắc giao thông, đô thị bị băm nát, chúng ta thường đổ tội cho các chủ đầu tư, quy hoạch. Nhưng thực tế là cách quản lý đô thị đang rất yếu kém, thậm chí bất nhất trong chỉ đạo”.

Ông Tùng cho hay, quy hoạch ở Hà Nội đang bị "vỡ trận" và hoàn toàn bị "vỡ trận", bởi chúng ta đang dựa vào những thực tế ảo mà không dựa vào con số thực. Khi quy hoạch được đưa vào thực hiện, nó như một pháp lệnh buộc các đơn vị liên quan phải thực hiện. Tuy nhiên, ở nước ta, do có những đặc thù nói riêng, việc điều chỉnh quy hoạch được thay đổi 5 năm 1 lần, tương ứng với nhiệm kỳ các cấp.

Và hiện nay, chưa ai có thể trả lời, quy hoạch chung của Thành phố đã sát với thực tế, sát với tư duy, năng lực quản lý của các nhà quản lý tại địa phương trong giai đoạn 10 - 20 năm chưa? Cho nên, quy hoạch đã bộc lộ nhiều hạn chế, do đó việc điều chỉnh là cần thiết, nhưng điều chỉnh thế nào lại là một vấn đề.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Đây là bài toán, chúng ta không quản lý được các khu đô thị theo quy hoạch. Điều chỉnh lại có dấu hiệu lợi ích nhóm. Chúng ta đừng đổ lỗi cho Tập đoàn Mường Thanh xây không phép, vượt tầng... Bởi, đầu tư BĐS không phải là đi buôn ma túy. BĐS ở giữa thanh thiên bạch nhật. Một chung cư cao 40 tầng tại sao lại không phép, sai phép? Trong khi chúng ta có hàng vạn Thanh tra viên xây dựng? Rõ ràng, thực tế đang bộ lộ trong quản lý đô thị có vấn đề, trong bộ máy này đã có những mắt xích có vấn đề.

Hay như tháng 4/2016, Thủ tướng có văn bản quy định quản lý xây dựng khu vực nội đô và vùng phụ cận đã nêu rõ chỗ nào được xây, chỗ nào không được xây. Cụ thể, khu Giảng Võ là 21 tầng, khu Văn Chương là 18 tầng, Thanh Nhàn là 21 tầng... Vậy, cớ gì chúng ta lại đưa ra đề xuất xây nhà cao tầng 40-70 tầng tại khu vực ga Hà Nội?

Điều đó chứng tỏ, luật pháp chúng ta không nghiêm, chúng ta coi những văn bản pháp luật như trò đùa. Chúng ta làm ra hôm nay, nhưng ngày mai chúng ta phủ nhận luôn, cái đó mới là cái nguy hiểm. KTS Phạm Thanh Tùng

Tiếp nữa, diện mạo kiến trúc của đô thị phải theo quy hoạch, nó phải theo cái “gậy” của nhà quy hoạch kiến trúc. Thế nhưng, hiện nay, kiến trúc đô thị của chúng ta theo kiểu “kiến trúc xôi đỗ”, chỗ này một KĐT, chỗ kia một KĐT và không liên kết với nhau. Các khu đô thị chỉ là ốc đảo cô lập để thỏa mãn nhu cầu ở của người dân. Nhưng chính sự phát triển như thế sẽ kéo theo những huệ lụy, áp lực và làm đóng băng thị trường BĐS.

Lỗ hổng buông lỏng quản lý

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, trong 10 năm vừa qua, kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị Hà Nội đã phát triển một cách vượt bậc. Tuy nhiên, nhìn theo chiều sâu ông Điệp cho rằng trong quy hoạch còn rất nhiều bất cập từ cả chủ quan và khách quan.

Ông Điệp cho hay: “Chủ quan là trên thực tế, BĐS phát triển nhanh hơn cơ chế chính sách. Tốc độ phát triển quá nhanh nên cơ quan quản lý luôn luôn phải đuổi theo và luôn luôn điều chỉnh. Đặc biệt, trong thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS tăng về cả số lượng và quy mô thì mới thỏa mãn yêu cầu phát triển của đất nước. Từ đó dẫn đến một hệ quả là chưa quy hoạch xong trong một thời gian thì nó đã lạc hậu.

Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội.

Điều này cũng cho thấy tầm nhìn của các nhà quản lý, nhà chính sách chưa tới, cho nên dẫn đến hệ quả đường phố chật hẹp, giao thông ách tắc và kết cấu hạ tầng nhiều khi chưa hợp lý, đô thị bị nén dân số…”.

Bên cạnh đó là các cấp chính quyền còn buông lỏng, chưa kiểm tra giám sát, chưa quản lý một cách quyết liệt dẫn đến các nhà đầu tư có thể vượt tầng, vượt căn, sai quy hoạch.

Nhìn về khách quan, câu chuyện sai phạm vượt tầng, hoặc chưa có giấy phép xây dựng thì phải đi vào cụ thể xem các cấp chính quyền có biết không? Biết mà không xử lý thì phải nghiêm khắc chỉ ra cái sai. Còn doanh nghiệp, bản chất lợi nhuận là trên cả nên họ sẵn sàng luồn lách, sẵn sàng lách luật.

Không xử lý được một chủ thể nào phải chịu trách nhiệm

Liên quan tới “căn bệnh” trong quy hoạch của Hà Nội, Reatimes cũng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) để hiểu hơn về những “virus” đang tồn tại trong “cơ thể” quy hoạch Thủ đô.

Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy hoạch được phê duyệt xuất phát từ nhiều phía.

Thứ nhất, là chủ đầu tư các dự án BĐS. Đây là nhóm đối tượng trong mọi hoạt động đều hướng tới lợi nhuận, bằng mọi cách tối đa hóa lợi nhuận trên cùng một diện tích đất.

Thứ hai, là về phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý lĩnh vực xây dựng tại cấp cơ sở có vẻ như không phát huy đúng, đủ quyền hạn của mình trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của chủ đầu tư. Có lẽ vì nể nang, ngại va chạm thậm chí là né tránh việc kiểm tra, xử lý vi phạm, kiến nghị xử lý vi phạm của chủ đầu tư.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Ông Thắng cho hay: “Ở góc độ chính quyền sở tại, tôi cho rằng vẫn thể hiện một thái độ lơ là, không kiên quyết và thậm chí có dấu hiệu sao nhãng, né tránh hành vi vi phạm của chủ đầu tư vì không muốn phiền phức đến cá nhân. Điều này là dễ hiểu khi mà chủ đầu tư thông thường có “mối quan hệ hơn mức bình thường” với người có chức vụ, quyền hạn có thể can thiệp không chính thức vào hoạt động công vụ của người có thẩm quyền xử phạt”.

Thứ ba, việc không xác định và xử lý được một chủ thể nào phải chịu trách nhiệm pháp lý, hoặc hành chính, hoặc hình sự bấy lâu nay trong các công trình vi phạm ở Hà Nội đã dẫn tới việc chủ đầu tư nhờn luật, không sợ bị phạt, bất chấp dư luận để đạt được mục đích sinh lời cao nhất từ các dự án.

 

Còn nữa...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top