Aa

Phạt cho tồn tại - sự “lệ thuộc” nhà đầu tư hay "bài thuốc" trị sai phạm?

Thứ Sáu, 06/10/2017 - 06:01

“Quy hoạch Thủ đô đã bị 'băm nát'”, đó là phát biểu của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung trong buổi làm việc với Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đầu năm 2017. Phát biểu của người đứng đầu bộ máy hành chính của Thủ đô đã chỉ ra đúng “căn bệnh” đang tồn tại mà trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng hoàn toàn chính xác và kỳ vọng sẽ được “chữa trị” trong thời gian tới.

Như chúng ta đều thấy, tất cả các đô thị đều phải trải qua những cuộc cách tân liên tục, không ngừng nghỉ. Trong số đó, phần đông các đô thị gặp thất bại, chỉ có một số ít tìm thấy thành công. Tại Hà Nội, thực trạng ngày càng nhiều các công trình xây dựng phá vỡ quy hoạch chung, vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) như: Vượt tầng, xây không phép, sai phép... đã trở thành vấn đề hết sức nhức nhối với người dân, dư luận, cơ quan quản lý Nhà nước.

Thực tế, đã có nhiều công trình lớn vi phạm thay vì bị đập, bị cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu lại được hợp thức hóa các sai phạm và cho tồn tại. Căn nguyên có lẽ là ở Thông tư số 02/2014/TT-BXD, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, do Bộ Xây dựng ban hành ngày 12/2/2014, với nội dung một số công trình xây dựng không phép, sai phép, trong một số trường hợp sẽ vẫn được tồn tại hợp pháp, nếu chủ đầu tư chịu đóng tiền phạt.

Và nếu, “phạt cho tồn tại”, chủ đầu tư phải nộp 40-50% giá trị công trình sai phép và chắc chắn vẫn được lợi. Người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ “người có thẩm quyền ký quyết định “phạt rồi cho tồn tại”, sẽ nhận được quà to (!?).

xử phạt là không tương xứng với hành vi vi phạm về cả lượng và chất.

Việc xử phạt các chủ đầu tư là không tương xứng với hành vi vi phạm về cả lượng và chất.

Sự “lệ thuộc”, bị động, thiếu kiên quyết

Dưới lăng kính pháp lý, Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, các quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch xây dựng hiện nay đã khá đầy đủ: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, các Nghị định hướng dẫn luật, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch. Như vậy, Việt Nam đã có hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ và rất thuận lợi cho hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh quy hoạch đô thị và xây dựng.

Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước trong xử lý vi phạm đối với các nhà đầu tư vi phạm lại chưa đạt kết quả, hay nói cách khác việc xử phạt là không tương xứng với hành vi vi phạm về cả lượng và chất. Thực trạng quy hoạch bị băm nát như hiện nay cũng đủ cơ sở khẳng định là do sự lơ là của các cơ quan quản lý, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, thậm chí cả dấu hiệu “chạy chọt” của chủ đầu tư tới những chủ thể có quyền hạn, chức vụ.

Việc này cơ quan truyền thông đã phản ánh nhiều nhưng tới nay chưa một chủ đầu tư nào phải chịu một trách nhiệm pháp lý đủ sức răn đe, phòng ngừa, có tác dụng cảnh tỉnh cho nhà đầu tư khác.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Cụ thể, đối với việc “xử phạt cho tồn tại”, Luật sư Nguyễn Phú Thắng thẳng thắn cho rằng: “Phạt cho tồn tại” là việc vận dụng pháp luật không phù hợp. Dựa trên hệ thống các quy phạm luật pháp hiện hành, tôi khẳng định không có một điều, khoản, điểm nào trong các Luật, Nghị định, Thông tư... cho phép cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện nội dung trên.

Tinh thần của việc xử phạt vi phạm hành chính trong đó có vi phạm TTXD đó là xử phạt bằng tiền, mức tiền xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm. Biện pháp bổ sung là khắc phục hậu quả, phục hồi nguyên trạng hoặc là phải theo đúng GPXD”.

Như chúng ta được biết, “GPXD là một chuẩn mực, một quyết định hành chính của các cơ quan cấp phép căn cứ theo các quy định của pháp luật đã ban hành. Tuy nhiên, khi xử lý cơ quan thẩm quyền lại không căn cứ vào giấy phép, quy hoạch của khu đô thị, quy hoạch khu dân cư được phê duyệt mà lại “lệ thuộc” vào hiện trạng vi phạm của các công trình sai phạm để điều chỉnh các chuẩn mực pháp lý hay ban hành quyết định hành chính khác là điều nghịch lý, là sự ngược đời.

Điều này cho thấy, hoạt động cơ quan quản lý nhà Nước đã bị động, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm.

Trước thực trạng “quy hoạch Thủ đô đang bị băm nát”, Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng, để phá dỡ một công trình vi phạm là rất tốn kém cho chủ đầu tư, kéo dài thời gian bàn giao nhà cho khách hàng... có thể tạo nên một hình ảnh phản cảm, không văn minh. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý không cương quyết, không dám chấp nhận sự đau đớn ngắn hạn để đạt được mục tiêu bền vững, lâu dài cho thế hệ sau thì Thủ đô chắc chắn sẽ tụt hậu, sẽ không đạt mục tiêu đô đô thị văn minh, hiện đại như mong đợi.

Tăng xử phát, hết "cửa" vi phạm

Trái lại, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho hay: “Giai đoạn vừa qua, để xử lý các công trình sai phép, chúng ta có quy định phạt cho tồn tại. Tôi cho rằng đây là một thực tế và cần xử phạt như vậy. Để tránh xảy ra tình trạng xây vượt tầng trái phép thì cần có những hình thức xử phạt nặng hơn nữa, đúng với các giá trị mà họ thu được. Hiện nay mức phạt vẫn còn quá thấp so với thực tế lợi nhuận thu từ công trình. Rõ ràng tăng xử phát hơn nữa thì các chủ đầu tư không hề có cơ hội nào vi phạm”.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội.

Bên cạnh đó, ông Điệp vẫn cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải cương quyết ngay từ đầu, tính thời điểm ra luật là phải bắt chặt ngay để tránh sai phạm. Bởi trong thời gian vừa qua, các dự án công trình xây dựng phát triển quá nhanh nên chính cơ quan chính quyền cũng không đủ người để kiểm tra, dẫn đến việc buông lỏng và những hệ quả không mong muốn.

"Hơn nữa, xưa nay chúng ta chỉ xử phạt một phía là các chủ đầu tư còn các cấp chính quyền thì chưa có một chế tài nào để họ làm tốt. Nếu làm được song song cả hai thì sẽ không còn tồn tại lợi ích nhóm. Nên nhớ rằng, chúng ta không kìm hãm phát triển nhưng chúng ta phải quản lý tốt để làm sao đất nước vẫn phải có tốc độ phát triển nhưng dần đi vào ổn định", ông Điệp nhấn mạnh.

Vi phạm ảnh hưởng quy hoạch chung phải xử nghiêm

ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Namông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (Ảnh: VnEconomy).

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: “Tôi không lên án việc xử phạt cho tồn tại, bởi thực tế có những sai phạm cần phải xử lý linh hoạt. Thực tế chúng ta có những quy định hơi cứng nhắc, chưa sát với thực tế. Nhưng, đối với những vi phạm ảnh hưởng quy hoạch chung cần phải xử lý nghiêm”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam trao đổi thêm, để “xử phạt cho tồn tại” không dẫn đến huệ lụy xấu, các nhà quản lý cần phải xây dựng các quy định “sai phạm thế nào thì áp dụng xử phạt cho tồn tại và ngược lại”. Khi có quy định rõ ràng, sẽ tạo ra sự minh bạch và triệt tiêu được cơ hội tham nhũng của các đơn vị quản lý liên quan.

“Thực tế, cơ quan quản lý trong lĩnh vực xây dựng đang thiếu vận dụng quy định trong việc xử lý vi phạm. Có trường hợp vi phạm xử lý khách quan, nhưng vẫn có nhiều trường hợp xử lý chủ quan gây nhức nhối trong dư luận và doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Thành nói.

Còn nữa...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top