Aa

Kỳ I: Ông chủ Alphanam – một thời giàu nhất sàn chứng khoán!

Thứ Ba, 31/07/2018 - 12:01

Dù thua lỗ trên sổ sách, song khối tài sản tiềm năng từ hàng chục lô đất vàng trên khắp cả nước mới chính là tương lai của Alphanam?

Ông chủ Alphanam... 

Sinh năm 1965 tại Lào Cai, ông Nguyễn Tuấn Hải từng có 4 năm công tác tại Bộ Tư lệnh Biên Phòng. Sau khi rời quân ngũ năm 1987, ông mở công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, khách sạn. Năm 1995, công ty TNHH Alphanam ra đời, với ngành nghề đầu tiên là sản xuất tủ điện. Khi đó ông Hải giữ chức Giám đốc công ty. Sau đó, doanh nghiệp này đã mở rộng sang nhiều ngành khác, trong đó nổi bật nhất là bất động sản, sản xuất công nghiệp và lương thực, thực phẩm.

Năm 2012, là một năm ghi nhiều dấu ấn đáng nhớ với ông Hải khi ông là một điểm sáng và có mặt trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với khối tài sản lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 43 bậc và gấp 6,4 lần so với năm 2011.

h

Công ty cổ phần Alphanam Công nghiệp được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do ông Nguyễn Tuấn Hải làm Chủ tịch HĐQT

Công ty CP Alphanam tiền thân là Công ty cổ phần Alphanam Công nghiệp được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do ông Nguyễn Tuấn Hải làm Chủ tịch HĐQT. Đến năm 2006, công ty tăng vốn điều lệ lên 88 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tuấn Hải sở hữu hơn 116 triệu cổ phiếu ALP, tương đương 60,39% vốn điều lệ công ty.

Kết quả này có được do giữa năm 2012 ALP phát hành thêm 127,9 triệu cổ phiếu hoán đổi để sáp nhập với Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam với tỉ lệ 1:1. Sau sáp nhập, toàn bộ 78.026.221 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam mà ông Hải nắm giữ được chuyển thành số cổ phiếu của ALP nâng số lượng cổ phiếu ALP mà ông Hải nắm giữ lên thành hơn 116,3 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu ALP thời điểm cuối năm 2012 ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tuấn Hải còn là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Alphanam E&C (AME) tính đến thời điểm tháng 9/2013 sau đó chuyển cho con trai là Nguyễn Nhật Minh. Hiện Alphanam đang sở hữu 5,5% cổ phần và Nguyễn Minh Nhật sở hữu 1,05% cổ phần.

Ông Nguyễn Tuấn Hải còn là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ Phần Đầu Tư và Xuất nhập khẩu Foodinco (Foodinco). Đây là nơi con gái ông là Nguyễn Ngọc Mỹ đang làm tổng giám đốc. Bên cạnh đó, ông Hải còn là Chủ tịch HĐQT các công ty khác như Công ty TNHH Sơn Kansai – Alphanam, Công ty Liên doanh Fuji – Alpha.

f

Năm 1995, công ty TNHH Alphanam ra đời, với ngành nghề đầu tiên là sản xuất tủ điện. Sau đó, doanh nghiệp này đã mở rộng sang nhiều ngành khác, trong đó nổi bật nhất là bất động sản, sản xuất công nghiệp và lương thực, thực phẩm.

... và câu chuyện tự nguyện hủy niêm yết

Trong đại ĐHĐCĐ thường niên năm 2013, ban lãnh đạo đã thông qua cổ đông và quyết định hủy niêm yết tự nguyện đối với cổ phiếu ALP. Việc hủy niêm yết này khá bất ngờ khi mới chỉ trước đó 1 năm, công ty đã thực hiện việc niêm yết đường vòng khi sáp nhập Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam vào Công ty Cổ phần Alphanam rồi lại đổi về tên Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam.

Quyết định này dễ dàng được thông qua khi ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch HĐQT cùng gia đình đang nắm tới 90% cổ phần. Gia đình ông Hải sẽ mua lại cổ phiếu của những cổ đông nhỏ lẻ để đưa công ty thành công ty gia đình.

Sau khi dự định hủy niêm yết được thông báo, cổ phiếu ALP đã có 9 phiên giảm sàn liên tục, ngày 26/4/2013 giá cổ phiếu này chỉ còn 4.700 đồng. Việc này có lợi đối với gia đình ông Hải khi có thể mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ với giá rẻ hơn.

Trước khi bị hủy niêm yết vào ngày 31/12/2014, giá cổ phiếu ALP chỉ 3.400 đồng/cổ phiếu nhưng ông Hải vẫn có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá hơn 395 tỷ đồng. Với số cổ phần này, Chủ tịch và người có liên quan sở hữu tại ALP đã lên tới 98%.

Khi nói về bước ngoặt trong nghiệp kinh doanh của mình, ông Nguyễn Tuấn Hải từng chia sẻ với báo chí rằng việc hủy niêm yết công ty cũng là “bần cùng bất đắc dĩ, không ai muốn niêm yết rồi lại xuống, nhưng về định hướng lâu dài thì việc này có lợi hơn so với ở lại sàn chứng khoán”. Bên cạnh đó là mong muốn biến công ty thành công ty gia đình để bảo mật thông tin, tránh những phiền phức không đáng có.

Bản thân ông Nguyễn Tuấn Hải cũng lui dần về hậu trường và bàn giao sự nghiệp lại cho thế hệ trẻ đó là con gái Nguyễn Ngọc Mỹ (là thành viên HĐQT Alphanam, theo đuổi lĩnh vực bất động sản) và con trai Nguyễn Minh Nhật (hiện đang là thành viên HĐQT Alphanam, phụ trách mảng tài chính và vật liệu xây dựng).Ông từng chia sẻ, sau gần 30 năm kinh doanh, ông dường như đã hoàn thành sứ mệnh làm doanh nhân. Vì vậy, ông muốn tiếp nối truyền thống gia đình là làm giáo viên – điều mà ông Hải ấp ủ lâu nay.

Liệu đây có phải là chiêu “ve sầu thoát xác” của ông Hải cũng như ALP khi đẩy mạnh các hoạt động M&A, chấp nhận thua lỗ trong thời gian dài dẫn đến phải hủy niêm yết. Bởi dù thua lỗ trên sổ sách, song phải chăng khối tài sản tiềm năng từ hàng chục lô đất vàng trên khắp cả nước mới chính là tương lai của Alphanam?

Sau 5 năm, công cuộc chuyển giao thế hệ của ông Hải có được như mong muốn? Hay một lần nữa ông lại “tái xuất” trên thương trường?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top