Aa

Lại nói chuyện hiền tài

Thứ Tư, 21/11/2018 - 06:00

Một chuyên gia giỏi đến đâu chăng nữa cũng thua xa mọi mặt một quan chức, đôi khi tiến thân bằng nịnh nọt, bằng sự trung thành giả vờ, bằng đủ các mánh khóe rẻ tiền... Nếu cứ kiên định ở vị trí chuyên gia, anh ta hầu như cũng là kẻ vô danh, chẳng có bất cứ vai trò gì. Tiếng nói của anh ta chả có mấy ai nghe. Thậm chí nhiều phen, tài đi kèm với tai hoạ...

Ở bất cứ đâu thì một người trẻ tuổi muốn trở thành một trí thức thành đạt đều phải cần đến những nỗ lực phấn đấu rất cao. Thông thường con đường ấy đi qua lộ trình sau: Miệt mài học tập, từng nấc một, từng cấp một. Mỗi nấc, mỗi cấp lại khổ công nạp cho mình những kiến thức chuyên môn càng nhiều càng tốt, càng sâu càng có nhiều cơ hội thành đạt. Những người xuất sắc hơn - và chúng ta đang nói đến đối tượng này - thì tiếp tục học lên nữa để trở thành nhà khoa học, chuyên gia giỏi, bác sỹ giỏi, nhà giáo giỏi, luật sư giỏi... Rồi trong từng lĩnh vực, họ nỗ lực tiếp để trở thành những người hàng đầu. Với họ, tự học là quan trọng nhất. Nó chính là cái nghiệp của họ. Dù ở đâu, họ cũng đều phải khổ công như vậy để được xem là bộ phận trí thức tinh hoa của xã hội. Không phải tất cả đều đến được bờ bến, nhưng cái hành trình đó là bắt buộc. Ở đây chúng ta chỉ tính những người thành đạt. Cuối cùng, họ cũng toại nguyện về mặt học vấn. Nhưng đến đây thì xảy ra những tình trạng sau:

Sau lễ tốt nghiệp tưng bừng, liệu có mấy người tiếp tục kiên trì con đường học vấn để trở thành chuyên gia?

Sau lễ tốt nghiệp tưng bừng như thế này, liệu có mấy người tiếp tục kiên trì con đường học vấn để trở thành chuyên gia?

Tại các quốc gia tiến tiến

Bộ phận tinh hoa này đương nhiên có vai trò to lớn trong sự phát triển, trong việc xã hội đưa ra những quyết định quan trọng. Họ luôn được săn đón, trọng vọng với những ưu đãi vượt trội về vật chất và tinh thần. Ngoài ra, họ còn được tôn lên là những cố vấn hàng đầu, đầy uy quyền trong việc hoạch định những chiến lược lớn về mọi lĩnh vực của quốc gia. Những đóng góp của họ luôn được coi là tài nguyên đặc biệt. Các chính khách khôn ngoan thường xuyên tham vấn họ và ý kiến của họ luôn được tôn trọng, đôi khi nhờ sự tham vấn ấy mà làm thay đổi cả một chính sách lớn nào đó. Bộ phận tinh hoa này cũng đồng thời là nguồn lãnh đạo đất nước, nơi chỉ những người thực sự ưu tú mới có cơ hội

Tại các quốc gia kém phát triển

Vì học vấn không bao giờ được coi trọng đúng mức, nên mọi thứ dành cho đội ngũ tinh hoa này thường là không xứng đáng. Thậm chí danh dự của họ không được coi trọng. Vì thế, thay vì tận tâm tận lực hiến kế, họ quay sang làm việc cho các tập đoàn tư bản nước ngoài. Một bộ phận còn bị cô lập và chỉ tìm thấy đất đứng ở nước ngoài. Đó là lý do vì sao phần lớn số họ đều ẩn dật bất đắc dĩ, thậm chí bỏ đất nước sang lập nghiệp ở quốc gia khác.       

Và ở nước ta...

Chúng ta được xem là dân tộc trọng sự học. Trên thực tế, điều đó không sai. Nhưng suốt nhiều năm qua con đường trở thành nhà chuyên môn lớn ở Việt Nam luôn chỉ là bước khởi đầu cho sự nghiệp một con người, cả về mục đích vật chất lẫn vị thế tinh thần. Một chuyên gia giỏi đến đâu chăng nữa cũng thua xa mọi mặt một quan chức, đôi khi tiến thân bằng nịnh nọt, bằng sự trung thành giả vờ, bằng đủ các mánh khóe rẻ tiền... Nếu cứ kiên định ở vị trí chuyên gia, anh ta hầu như cũng là kẻ vô danh, chẳng có bất cứ vai trò gì. Tiếng nói của anh ta chả có mấy ai nghe. Thậm chí nhiều phen, tài đi kèm với tai hoạ. Thế là vô hình trung, cả từ phía quyền lợi cá nhân, cả từ phía cơ chế xã hội, đều định hướng công dân xuất sắc của mình, hiền tài của đất nước, tới cái đích cuối cùng là một chức vụ nào đó trong bộ máy quyền lực. Vậy là phải có một chức vụ nào đó anh ta mới thực sự yên trí, mới cảm thấy thành đạt.

Nhưng đến đây, thay vì củng cố uy tín của mình bằng kiến thức - một điều mà anh ta có muốn làm cũng không được nữa rồi. Sự vụ hành chính, thù tiếp, họp hành, viết những bản báo cáo nhạt nhẽo, nói những câu sáo mòn... nghĩa là trăm thứ việc vô bổ cuốn anh ta vào. Anh ta sẽ tìm cách leo cao hơn bằng đủ thứ mưu mẹo, thậm chí có thể phải phạm tội, cũng bất chấp. Những gì phải dầy công và trên thực tế rất tốn kém mới có được trở thành thừa, thậm chí thành trò cười cho khá nhiều kẻ dốt nát nhưng khôn lỏi.

Bọn trẻ hóa ra vẫn rất có lý khi hỏi người lớn câu hỏi buốt nhói tâm can bất cứ ai và không dễ trả lời: "Học giỏi để làm gì?", "Thành hiền tài để làm gì?"...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top