Aa

Lại viết tiếp chuyện tùy hứng

Thứ Tư, 17/06/2020 - 13:00

Lời dạy của người xưa sâu xa, thấu tình đạt lý, tưởng đời nay thấm thía cứ thế mà làm, nhưng xem ra càng ngày con cháu càng ma lanh, láu cá...

Cách đây vài năm, tôi cùng một nhóm các nhà văn, nhà sử học về huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, tham gia một cuộc hội thảo về tướng quân Khúc Hạo. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu không có việc tranh cãi xảy ra xung quanh tước hiệu của ông. Người bảo, thời ấy Khúc Hạo được triều đình nhà Đường phong Vương, người khác bảo Khúc Hạo tự xưng làm Đế, người khác nữa nói: Vương, Đế gì, toàn là chuyện không có thật, vì khi ấy ông chỉ là tộc trưởng một tộc nhỏ, làm gì có dân, có lính?

Tranh luận một hồi không ai định đoạt, anh bạn nhà văn của tôi ghé tai bảo nhỏ: "Các bác tốn công, tốn sức tranh cãi làm gì. Chuyện lịch sử của ta, ai nghĩ thế nào là viết thế, nghĩa là cứ tùy thời, tùy lúc, tùy cơ hội, lợi cho quan thì vinh quang phú quý, hại cho quan thì mất ăn mà lại tù ngục, mấy người có chính kiến khách quan gì đâu. 

Ví như chiến thắng 30/4 cách nay đã 45 năm, chuyện ai là người chắp bút thảo lời tuyên bố đầu hàng để Tổng thống Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh hôm đó cũng còn lộn xộn nhiều nghi hoặc, các nhà sử học, báo chí tranh luận không phân thắng bại. Sau này, nếu không có hẳn một cuốn sách của nhà báo Đức - Người trực tiếp chứng kiến tận mắt từ đầu đến cuối sự kiện ấy tại Dinh Độc Lập, cũng chính là người đã cho quân giải phóng mượn máy ghi âm ghi lại lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh rồi phát trên đài phát thanh, thì đến bây giờ câu chuyện vẫn còn tùy tiện, ù xọe, đổi trắng thay đen, không đâu vào đâu.

Lại còn biết bao chuyện trên trời, dưới đất vừa mới xảy ra hôm qua, hôm kia, tưởng ai cũng chứng kiến, ai cũng biết, vậy mà mỗi người nói một phách, mà là nói bằng giấy trắng mực đen hẳn hoi. Đằng này, thời của cụ Khúc Hạo đã xảy ra cách nay cả hơn ngàn năm, chữ viết không có, bia tạc cũng không, người ta chỉ truyền miệng nhau, mà chuyện truyền miệng thì cứ: “Tùy”… Thế nên dân gian mới có câu: “Sử ta là sử nhà... tùy”. Nghĩa là mọi chuyện cứ tùy, không bằng chứng, không căn cứ, không khoa học gì cả… 

Ấy là chuyện lịch sử, chuyện được nói đến tếu táo, vui vui lúc trà dư tửu hậu. Còn các chuyện khác, chuyện liên quan tới sống chết cõi người vậy mà dân ta cũng cứ “tùy” mới... bái phục. Thời nay những chuyện “tùy” ở đâu, lúc nào cũng có. Quan có chuyện tùy của quan, dân có chuyện tùy của dân, thôi thì bất chấp, mọi chuyện cứ “tùy”. 

Người xưa dạy “ăn tùy nơi, chơi tùy lúc”. Hiểu nôm na, mọi sự, từ đi đứng ăn mặc đến cách hành xử trong cuộc đời, trong công việc đều phải đứng đắn, hợp lý, phải trái phân minh, đúng người đúng việc, đúng lúc đúng chỗ, nếu không sẽ trở nên vô lối, loạn xị ngậu. Lời dạy của người xưa sâu xa, thấu tình đạt lý, tưởng đời nay thấm thía cứ thế mà làm, nhưng xem ra càng ngày con cháu càng ma lanh, láu cá; tùy thời mượn gió bẻ măng, mọi chuyện cứ tùy: tùy tiện, tùy việc, tùy lúc mà hành xử sao cho có lợi cho bản thân, được việc cho bản thân; còn cái lợi chung, lợi của người khác thì mặc! 

Có người bảo “người cơ hội tùy thời” là người khôn. Quan niệm thế nào thì hành xử thế ấy. Những người này không mất công, mất sức vào kẻ tiểu nhân hay bậc quân tử, cũng chẳng để thì giờ suy tính trước sau cho một lựa chọn. Cái gì có lợi cứ tùy cơ mà hành sự.

Thời nay, cái sự “tùy” đã ăn sâu vào vào đời sống, vào máu của không ít ông, bà quan to, quan nhỏ. Nghĩa là nó có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ: Xây dựng một dự án hàng tỷ tỷ đồng; mua sắm vật tư tiền bạc bỏ ra không sao kể xiết, nhưng vẫn cứ chỉ là “tùy”. 

Tùy cảm hứng, tùy mối quan hệ, tùy vào việc lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm đến đâu. Lợi ích xã hội chưa cần bàn đến, lợi ích bản thân trước đã. Thiệt hại thì thiệt hại tiền “chùa”, thực chất là tiền thuế của người dân lao động bị các phe nhóm bòn rút, cấu xé, chia chác không thương tiếc… 

Trong việc thăng quan tiến chức lại cũng là “tùy”. Người lên quan, muốn hội nhập đầy đủ vào các nhóm lợi ích phải “tùy” vào việc anh "chạy chọt" thế nào, mức độ phong bao dày mỏng ra sao, có cùng hội cùng thuyền không, có chơi được không. Nghĩa là cứ “tùy” cách hành xử của đối tượng mà xếp việc, mà cất nhắc. Chuyện đạo đức, tài năng, uy tín và mọi tiêu chuẩn khác không là gì so với cái sự “tùy” của thời hiện đại.

Ngay cả việc xét xử nhiều vụ án, xử lý tiêu cực, thì cũng phải “tùy” vào mối quan hệ, “tùy” người, “tùy” việc. Nếu thích, người ta có thể thay đổi. Ví như, người có tâm có tài, có đức độ, có thành tích, công lao. Người không thuộc loại “tùy thời, tùy thế” mà ngay thẳng chính trực. Người không cùng lợi ích, phe nhóm thì sẽ có trăm phương nghìn kế các loại kịch bản để hạ bệ. 

Ngược lại, tội của anh rõ như ban ngày, mọi chuyện ai cũng biết nhưng “tùy thuộc” vào mối quan hệ, cách xử sự của anh, phong bao của anh thì vẫn có cách kéo dài, cho qua, để “chìm xuồng"... Lâu quá không xét xử, dư luận nói mãi cũng chán, không quan tâm nữa, thế là “trôi”. Mọi chuyện lại sạch sẽ tinh tươm như không có chuyện gì. 

Chao ôi, cái sự “tùy” mới đáng sợ làm sao. Đến phải cười ra máu mắt…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top