Aa

Làm giả dự án, phân lô bán nền đất… người khác sở hữu

Thứ Tư, 10/07/2019 - 14:01

Làm giả dự án, phân lô bán nền đất… người khác sở hữu; Nhận diện những rủi ro lặp lại trong quý III/2019 của thị trường bất động sản;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Làm giả dự án, phân lô bán nền đất… người khác sở hữu

UBND phường Trường Thạnh, Quận 9, TP.HCM vừa phát đi thông báo về một trường hợp lừa đảo, tổ chức phân lô, mua bán đất nền trên phần đất người khác sở hữu.

Theo UBND phường Trường Thạnh, trường hợp lừa đảo phân lô, mua bán đất nền trên giấy là khu đất mặt tiền đường Lu Lô, tổ 1, khu phố Ích Thạnh.

Đây là thửa đất số 559, 560, thuộc tờ bản đồ số 17. Lô đất này thuộc loại đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản.

Bên bán được xác định là Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real, có địa chỉ tại 972 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9. Giám đốc là ông Trần Minh Phụng, sinh năm 1991.

Công ty này đã đứng ra tổ chức thực hiện phân phối, mua bán đất nền dự án với tên gọi “Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1”.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch Hà Nội ra “tối hậu thư” chỉ đạo huyện Hoài Đức báo cáo xử lý sai phạm đất đai

Mới đây, ĐBQH Đào Thanh Hải có văn bản ghi ngày 13/5/2019, chuyển đến UBND TP đơn của công dân Nguyễn Khắc Cường, Mầu Tiến Mùi (cùng một số công dân) ở địa chỉ xóm Vắng, thôn 3, Quế Dương, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội kiến nghị liên quan việc giải quyết trả lại đất di tích lịch sử văn hóa Đền Vật.

Ngày 15/6/2019, Văn phòng UBND TP có văn bản số 2893/UBND-ĐT truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP giao UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo UBND xã Cát Quế kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng theo quy định.

Đồng thời, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương chỉ đạo UBND xã Cát Quế hoàn thiện thủ tục pháp lý để quản lý diện tích đất chuyên dùng theo quy định của Luật Đất đai; quản lý việc cho thuê, sử dụng diện tích đất nông nghiệp công ích đúng mục đích, đảm bảo cảnh quan thiên nhiên, môi trường xung quanh di tích đình Đấu, thôn Quế Dương, xã Cát Quế. Đến nay, UBND huyện Hoài Đức chưa báo cáo kết quả thực hiện văn bản nêu trên.

Người dân xã Cát Quế cho biết, trước đây, khu di tích Đền Vật như một rừng cây, rộng mênh mông hơn 18.000m2, cũng dưới bóng cây này trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, xưởng quân giới của quân đội Việt Nam ngày đêm sửa chữa vũ khí, khí tài góp phần vào chiến thắng của đất nước.

Năm 1997, Bộ Văn hóa & Thông tin xếp hạng Đền Vật là di tích lịch sử quốc gia, với quy hoạch quần thể khu di tích, diện tích 18.095m2, nằm tại thửa 61 trên bản đồ giải thửa của xã.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, diện tích quần thể di tích ngày càng bị “bóp nghẹt”. Chứng kiến cảnh xót xa ấy, hàng trăm hộ dân làng Cát Quế đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền.

Xem chi tiết tại đây

Nhận diện những rủi ro lặp lại trong quý III/2019 của thị trường bất động sản

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, rủi ro của thị trường có thể tóm gọn trong 3 nhóm chính.

Thứ nhất, rủi ro liên quan đến tài chính và tín dụng. Để thực hiện một dự án, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn từ khâu giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, trả lãi vay, trả nợ gốc và các chi phí quản lý doanh nghiệp, quản lý dự án. Đặc biệt trong năm 2019, với lộ trình thắt chặt tín dụng bất động sản dự kiến sắp được áp dụng, tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng khó hơn trước đây có thể tác động không nhỏ đến thị trường này.

Có thể nói, chính sách tiền tệ và tín dụng ảnh hưởng trực tiếp tới bất động sản. Việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn về 40% từ 1/1/2019 không còn là vấn đề mới, nhưng dường như nay mới bắt đầu thấm.

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chưa dừng lại ở đây, sắp tới tỷ lệ này sẽ giảm tiếp xuống còn 30% vào giữa năm 2021 hoặc giữa năm 2022. Từ nay tới đó sẽ vô cùng rủi ro với những chủ đầu tư, nhà đầu tư không chuyên nghiệp, sử dụng đòn bảy tài chính lớn hoặc sức cùng lực mọn.

Chủ trương tăng tỷ lệ an toàn vốn gấp 3 lần từ 50% lên 150% đối với các khoản vay từ 3 tỷ đồng trở lên chắc chắn sẽ tác động mạnh tới sức cầu đối với phân khúc bất động sản cao cấp như biệt thự, liền kề, bất động sản nghỉ dưỡng.

Như vậy, rủi ro từ chính sách tiền tệ, tín dụng tác động lên cả cung và cầu bất động sản sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thị trường bất động sản. Hơn nữa, áp lực về tài chính và tín dụng là trở ngại tâm lý rất lớn đối với người mua và giới đầu tư, cộng thêm vướng mắc pháp lý kéo dài, doanh nghiệp sẽ lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nếu dự án không hoàn tất các thủ tục, không triển khai thực hiện được, hoặc bị dừng triển khai.

Xem chi tiết tại đây

Giám đốc Công an Hà Nội "bêu tên" 5 cụm chung cư đã chuyển VKS xem xét khởi tố

Trả lời chất vấn của đại biểu Duy Hoàng Dương chiều 9/7, Giám đốc Công an TP.Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, Công an thành phố đã chuyển 5 công trình vi phạm sang VKS đánh giá chứng cứ, cân nhắc khởi tố vụ án.

Đó là các tòa chung cư CT4, CT5A, CT5B, CT6, CT1 Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông); chung cư CT3A Khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm), nhiều hộ gia đình tại 76 Cự Lộc (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) và dự án 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông).

Theo ông Đoàn Duy Khương, “các công trình này có sai phạm rất nghiêm trọng, nhiều công trình chúng tôi thấy rằng không thể khắc phục về giải pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) được nên phải chuyển”. Tuy nhiên, ông Khương cũng cho biết: “Chúng tôi còn đang đánh giá chứng cứ, chứ chưa hẳn chuyển sang là khởi tố ngay”.

Cũng tại buổi chất vấn này, Trưởng ban Pháp chế của HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam chất vấn về việc đã nhiều kỳ họp gần đây, HĐND thành phố chất vấn về công tác PCCC nhưng vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, chết nhiều người, như vụ cháy nhà xưởng ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) làm chết 8 người.

Ông Nam đặc biệt nêu tình trạng hơn 1.100 chung cư cũ mà Hà Nội đang phải “sống chung”.

“Chúng tôi đi giám sát thì tầng 1 là kinh doanh lấn chiếm hết, cầu thang cũng bị lấn chiếm, ô thoát nạn bịt hết, không chuông báo động, không bình chữa cháy, hoặc có cũng không sử dụng được. Tình trạng một loạt chung cư cũ tiếp tục làm chuồng cọp đua ra 2, 3m, thậm chí 4m rất nguy hiểm, vẫn phổ biến. Chúng ta có giải pháp gì, làm sao khẳng định với thành phố rằng nếu xảy ra cháy thì các tòa nhà đó không sập và không xảy ra chết nhiều người? Chúng tôi chỉ mong có thế thôi”, ông Nam nói.

Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Duy Khương cho biết, đối với chung cư cũ, giải pháp quan trọng nhất là kinh phí và cơ chế cho sửa chữa. “Thành ủy, UBND thành phố đã đặt ra vấn đề từ nhiều năm nay rồi. Tuy nhiên, còn đang có cái khó mà tôi cho là cơ chế và kinh phí là 2 nguyên nhân rất quan trọng. Tôi mạnh dạn đề xuất vậy thôi, quyền quyết định là của UBND thành phố”, ông Khương bày tỏ.

Xem chi tiết tại đây

Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương. Ảnh: Thanh Huyền

Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương. Ảnh: Thanh Huyền

Du lịch Việt tăng trưởng nóng, World Bank cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn

Tại báo cáo Chuyên đề đặc biệt: Phát triển du lịch tại Việt Nam công bố mới đây, World Bank đánh giá, ngành du lịch của Việt Nam cần chuyển dịch trọng tâm để phát triển theo hướng bền vững hơn về văn hóa, xã hội và môi trường.

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch tại Việt Nam liên tục phá kỷ lục, bao gồm cả khách trong nước lẫn khách quốc tế. Cụ thể, số khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 4 lần, từ 4,2 triệu lượt năm 2008 lên mức 15,5 triệu năm 2018. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nhảy vọt trong 3 năm qua, từ mức bình quân khoảng 9% mỗi năm trong giai đoạn 2008 - 2015 lên đến con số 25% giai đoạn 2016 - 2018.

Du lịch trong nước của Việt Nam cũng gia tăng không kém với số lượt khách tăng gấp 4 lần, từ 20,5 triệu năm 2008 lên 80 triệu năm 2018 nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

Một trong những nguyên nhân khiến lượng khách du lịch tăng mạnh là do sự chuyển dịch sang cơ cấu khách có mức chi thấp hơn, tiếp tục chú trọng vào những sản phẩm du lịch đại chúng, gia tăng du khách vào những điểm đến quen thuộc vốn đã quá tải.

Mặc dù đây là những triển vọng tích cực nhưng World Bank vẫn đưa ra cảnh báo rằng nếu thiếu quan tâm, mô hình tăng trưởng như trên sẽ dẫn tới rủi ro là tác động của ngành đến nền kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên bị xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top