Aa

Làm thế nào để tránh bị lừa khi đi thuê nhà?

Thứ Sáu, 22/06/2018 - 08:00

Có những mẹo đơn giản mà bạn có thể làm để trở thành người thuê nhà thông thái

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chắc hẳn bất kì ai đã hoặc đang đi thuê nhà cũng đã từng nghe một, hai câu chuyện truyền tai nhau về những vụ lừa đảo mà nạn nhân mất nhiều tiền vì những kẻ lừa đảo đội lốt chủ nhà. Một hành vi lừa đảo đơn giản như giả danh chủ nhà thật được bọn tội phạm thực hiện theo muôn hình vạn trạng, từ việc copy thông tin của căn nhà để đăng quảng cáo lên mạng, hay thuê lại căn nhà rồi lại ký hợp đồng cho thuê với bên thứ ba.

Hiện chưa có một nghiên cứu cụ thể nào, nhưng theo các chuyên gia thì trong bối cảnh các giao dịch cho thuê nhà, căn hộ, văn phòng,v.v... đang dần được đưa lên các nền tảng online, số vụ người đi thuê trở thành nạn nhân sẽ tăng đột biến.

Vậy thì làm cách nào bạn, người đi thuê nhà có thể tự bảo vệ mình? Dưới đây là một số mẹo nhỏ bạn có thể làm để trở thành người đi thuê nhà thông thái.

1. Trực tiếp gặp gỡ chủ nhà

Những kẻ lừa đảo thường rất ngại cho nạn nhân biết mặt mình, vì thế chúng thường hay chỉ giao dịch qua điện thoại hay Internet. Người đi thuê vì thế hãy yêu cầu được trực tiếp gặp gỡ chủ nhà để biết xem bạn có bị lừa hay không. Nếu không thì đây cũng là cơ hội tốt để bạn tìm hiểu được con người của chủ nhà.

Nếu được thì bạn nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi dành cho chủ nhà, hoặc đi cùng một người thân có nhiều kinh nghiệm trong việc thuê nhà. Một điểm cần lưu ý khác là hãy nhớ lên mạng để tìm hiểu về căn hộ cùng với chủ nhà (hay công ty cho thuê). 

2. Nói chuyện với những người xung quanh

Bạn hãy thêm phần cẩn trọng nếu chủ nhà cho bạn thăm quan ngôi nhà, căn hộ không có người đang thuê, đặc biệt nếu như bạn tìm hiểu được giá trị thật của chỗ thuê - không ngôi nhà, căn hộ nào có vị trí mà chất lượng tốt như thế mà lại không có người thuê cả. Rất có thể bạn đang bị một kẻ mạo danh lừa.

Ngược lại, nếu có cơ hội, bạn hãy nói chuyện với người đang thuê nhà (hay thậm chí là cả hàng xóm nữa). Nhiều khả năng bạn sẽ biết được những thông tin mà chủ nhà không cho đăng lên quảng cáo, ví dụ như hệ thống điện nước có vấn đề gì không, hay vào giờ nào ở khu vực quanh đấy có xảy ra ùn tắc.

3. Xây dựng hợp đồng chắc chắn

Nếu bạn thật sự có khả năng tài chính hay với giá trị thuê nhà lớn, bạn và chủ nhà hãy thuê một luật sư để viết hợp đồng thuê nhà cho hai bên. Luật sư là những người có khả năng phát hiện ra kẻ lừa đảo tốt nhất; đồng thời trong trường hợp bên cho thuê muốn đưa vào một điều khoản để họ có thể lợi dụng làm khó bạn trong tương lai, luật sư có thể cảnh báo cho bạn biết đồng thời đưa ra hướng giải quyết.

Bạn đừng bao giờ chấp thuận giao kèo thuê nhà bằng lời, hoặc hợp đồng viết giấy mà không có công chứng cả. Trong trường hợp hai bên có xảy ra tranh chấp, gần như lúc nào chủ nhà cũng là người nắm lợi thế so với người thuê nhà. Một hợp đồng thuê nhà có các điều khoản rõ ràng và được công chứng là cách tốt nhất để bạn tránh không bị đẩy vào thế bí.

4. Một số chú ý khác

Một trong những điều quan trọng nhất mà khách hàng phải nắm được là mức giá cho thuê trung bình tại khu vực. Bọn lừa đảo luôn tìm cách đánh vào lòng tham của nạn nhân bằng cách mời chào những mức giá thuê "từ trên trời rơi xuống", rẻ đến bất ngờ.

Một số thống kê đã chỉ ra, ngoài loại hình ký túc xã/chỗ ở cho sinh viên thì giá thuê nhà thường có xu hướng tăng vào mùa hè, cùng với lúc các hoạt động xây dựng tăng cường cả về số lượng lẫn cường độ.

Đôi khi những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu ngoài số tiền đặt cọc, bạn sẽ còn phải trả thêm một số loại phí như "chi phí tân trang lại nhà", "chi phí đăng ký tạm trú",v.v... Bạn hãy thêm phần cần thận nếu nhận được những lời đề nghị như vậy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top