Aa

Lạng Sơn: Tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai để thu hút đầu tư

Chủ Nhật, 14/01/2024 - 13:03

Mới đây, Lạng Sơn công bố chỉ số cạnh tranh năm 2023 của các sở, ngành và UBND cấp huyện (DDCI). Nhiều chỉ số thành phần như chỉ số tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch… đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn cần quyết liệt cải thiện hơn trong thời gian tới.

Nhiều chỉ số cạnh tranh cải thiện

Kết quả công bố chỉ số cạnh tranh cho thấy, điểm trung bình DDCI khối sở, ban, ngành tỉnh Lạng Sơn tăng từ 75,99 điểm năm 2022 lên 81,34 điểm năm 2023. 

Trong đó, những lĩnh vực cải thiện rõ rệt bao gồm: Vai trò người đứng đầu; tính năng động và hiệu lực của hệ thống; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng.

Đáng nói, điểm trung bình DDCI cấp huyện đạt 76,29 điểm, tăng 1,64 điểm so với năm 2022. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc cải thiện chất lượng công tác điều hành kinh tế địa phương, nhất là ở các chỉ số về vai trò người đứng đầu; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Lạng Sơn: Tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai để thu hút đầu tư- Ảnh 1.

Thành phố Lạng Sơn (Ảnh: Nhiếp ảnh Hà Nội)

Theo ông Hồ Phi Dũng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, 6 năm qua, việc ghi nhận kiến nghị của người dân và doanh nghiệp thông qua chỉ số DDCI mang lại tác động tích cực. Tỉnh Lạng Sơn và các sở ngành, UBND huyện, thành phố đã liên tục đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số này. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch… đã được cải thiện đáng kể.

Nổi bật là huyện Bắc Sơn (cùng với các huyện Hữu Lũng, Tràng Định) nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh. Cụ thể, theo kết quả DDCI tỉnh Lạng Sơn 2023, huyện Bắc Sơn xếp thứ ba với 78.98 điểm.

Bà Phùng Thị Thanh Nga, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh giải ngân, thanh toán, quyết toán các dự án, không để tồn đọng vốn, nhất là các nguồn vốn chuyển sang năm 2023. Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhờ đó, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Bắc Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thu ngân sách đến ngày 30/11/2023 đạt 44,9 tỷ đồng. Ước thực hiện thu ngân sách trên địa bàn huyện đến hết năm 2023 là 47.238 triệu đồng, đạt 153,69% dự toán tỉnh giao, đạt 131,61% so với dự toán huyện giao.

Các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại huyện Bắc Sơn cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm như thành lập Cụm Công nghiệp Bắc Sơn 2; các dự án chăn nuôi công nghệ cao... Năm 2023, có 28 nhà đầu tư được hưởng chính sách và hoàn thành 04/07 nội dung hỗ trợ của Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND, ngày 10/12/2019 và số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh.

Tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp

Bên cạnh những chỉ số tích cực, Lạng Sơn vẫn còn những hạn chế trọng thu hút đầu tư, khiến doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng, gồm: chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

Đáng chú ý, ở khối địa phương, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, tính ổn định trong sử dụng đất được đánh giá thấp và cần phải cải thiện vì đây là những chỉ số có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, kết quả đánh giá DDCI tỉnh Lạng Sơn là căn cứ để các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, phát huy những mặt đã làm được và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Lạng Sơn: Tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai để thu hút đầu tư- Ảnh 2.

Ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung rà soát lại quy trình xử lý, tinh giản thủ tục hành chính, thường xuyên thông báo và cập nhật thông tin, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc trong việc xử lý, giải quyết về lĩnh vực đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng... Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển sản xuất, tránh tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, thái độ cửa quyền, hách dịch đối với người dân và doanh nghiệp.

Nhất là xác định, một số thủ tục được xây dựng có mục tiêu mang tính chất "đề phòng gian lận" cần chuyển sang thành "hậu kiểm", hơn là bắt tất cả các doanh nghiệp làm ăn trung thực phải thực hiện.

Thứ ba, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung cải cách hành chính, cải cách các thủ tục thuế, hóa đơn; không thanh tra chồng chéo. Đồng thời, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, áp dụng các chính sách ưu đãi trong đầu tư để thu hút đầu tư, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị.

Thứ tư, chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp về huy động vốn, đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Chủ động tiếp cận khách hàng, xem xét cho vay với lãi suất hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top