Aa

Làng tôi, bên biển sóng

Thứ Sáu, 07/02/2020 - 06:30

Tiếng sóng biển ở quê tôi như từ ngàn đời nay vẫn thế: U trầm, nặng nhọc trĩu xuống từng mái nhà, đời này qua đời khác.

Tôi sinh ra ở một ngôi làng ven biển Đồng Châu, Thái Bình. Ngôi làng nhỏ nhắn xinh đẹp, quanh năm ngày tháng trằn lưng trước phong ba bão tố, với muôn vàn câu chuyện buồn vui, cười khóc.

Đầu sáng mở mắt, lão bạn tôi đã cho thằng cháu sang gọi. Tôi vừa bước vào nhà lão, đã nghe tiếng dao thớt rộn lên. Giọng lão oang oang: “Rửa tay đi còn ngả bàn! Mày số đỏ đấy, con lợn này là lợn cấn, nuôi bằng cám, thịt ngọt, thơm, chắc. Xẻ cho mụ nhà bán, mình làm tý lòng sốt nhắm rượu”.

Lão là bạn học thời phổ thông với tôi, đi bộ đội rồi về quê lấy vợ, đẻ sòn sòn bốn đứa con trai, đứa nào cũng đen như cột nhà cháy. Vợ hắn nhu mì, hiền lành, chăm chỉ. Hắn phóng khoáng, không khôn lỏi tính toán làm ăn nhưng sức vóc hơn người, chân tay liên miên từ tinh mơ đến tối mịt. Ở làng ai có công việc gì là lão có mặt, không nề hà việc to, việc nhỏ, giúp đỡ nhiệt tình, lo toan như ruột thịt. Mấy năm trước, lão nuôi vài trăm vịt, thu nhập cũng khá. Lão bán đàn vịt với hai con trâu, xây cái nhà hai tầng ngoài đê. Có lần tôi về, lão bê rổ trứng to tướng sang cho, bảo: “Mày ở Hà Nội, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, nhưng suốt ngày nong tai nhức óc, xe cộ ầm ầm, hít hơi xăng dầu, bụi bặm chắc gì đã sướng”.

Làng tôi là làng biển, bốn mùa hứng phong ba bão tố, nhưng cũng có nhiều lúc êm đềm, bầu trời đẹp như bức tranh đồng quê của Grandma Moses. Mở mắt đã thấy mặt trời, không khí trong lành tinh khiết, sáng ra làm bát lùm lùm cơm ăn với cá kho, rồi xách giỏ ra đồng. Mở chuồng, trứng vịt trắng kín sàn... Hôm nào rỗi thì làm con vịt hãm tiết canh, cơm rượu no say, đời người sống mấy nả mà bon chen....

Ngồi nói chuyện với lão bạn tôi, là phải uống rượu. Rượu vào lời ra, đông tây kim cổ vanh vách. Cái lý sống ở đời của lão là trời cho như thế nào thì cứ thế mà hưởng, hưởng quá cái sức của mình, khôn ngoan láu cá, hơn người được dăm bữa rồi đâu lại vào đấy.

Đấy như thằng con nhà Khả ở giữa làng. Đang khấm khá, yên ấm, đùng một cái bán ti vi, xe máy, vay tiền chạy đi xuất khẩu lao động. Khi về cũng tích cóp được số vốn kha khá. Nếu tiết kiệm, an phận làm ăn bình thường cũng sướng. Đằng này, tiền kiếm về chưa kịp hưởng đã mất sạch. Nghe người ta rỉ tai nhau, cứ đầu tư vào nuôi vạng, nuôi ngao là hót bạc. Ở làng đã có dăm người đầu tư nuôi. Dân Trung Quốc mê vạng Thái Bình, đến vụ đánh tàu sang tận cửa Lân, cửa Lý thu mua. Cu cậu ham giàu, bao nhiêu vốn liếng dốc hết vào. Được vài tháng, chưa thu thì gặp bão liên tiếp, mất toi gần một nửa. Đến mùa thu hoạch, vớt vát được một ít, thì tụt giá. Vạng đang từ 25 - 26 ngàn/kg, xuống còn 15 - 16 ngàn/kg. Khách buôn Trung Quốc tiệt không thấy sang mua nữa. Bao nhiêu vốn liếng bỏ ra, coi như mất trắng...

Sẵn hứng rượu vào, bạn tôi còn rỉ rả kể nhiều chuyện khác nữa. Như chuyện nhà lão Chạch ở góc làng. Lão thuộc diện kiết xác, lại bị thần kinh từ bé, nửa người nửa ngợm, chân thập thiễng, mồm miệng rãi rớt ròng ròng. Trẻ con trông thấy lão chạy mất vía. Ấy mà vừa rồi lão nổi tiếng khắp vùng. Nhà xây hai tầng như biệt thự, nội thất cầu kỳ, điện thờ uy nghi, vợ con ăn diện như thành phố. Hôm rồi tôi về, lững thững dạo chơi, nhân tiện tạt qua nhà lão thì thấy ra vào tấp nập xe to, xe nhỏ nườm nượp. Hỏi ra mới biết lão làm nghề thày cúng. 

Người làng kể, cách đây dăm năm, lão đi ăn giỗ về bị xe tông, phải đi cấp cứu. Sau đấy, lão như thấy có luồng không khí nóng rạo rực khắp người. Đêm nằm ngủ có tiếng nói từ trên cao bảo là người có căn cốt nhập thần độ thế. Từ đó, lão xây điện thờ. Lão phán đúng sai đến đâu không ai quả quyết, nhưng nhà lão mỗi ngày đón hàng trăm khách tứ xứ về cúng bái. Người làng ít đến cầu xin, nhưng cũng không ai chê trách gì. Việc của lão, lão làm, biết đâu bây giờ lão được thần thánh độ trì, cơ duyên hưởng phúc, nói ra không khéo phạm thượng. Chỉ biết rằng nhà lão giàu lên trông thấy, hay là số trời cho phúc lạc vậy...

Lại còn cái mụ Tẽo ở cuối làng nữa. Trước kia, nhà mụ cơm không có ăn, người quắt queo, mắt mũi lèm nhèm, chữ bẻ đôi không biết. Vậy mà bây giờ, không biết mụ học ở đâu được bài bói toán. Cứ một đồn mười, mười đồn trăm, người ùn ùn kéo đến xin quẻ rút bài. Ngôi nhà của mụ giờ cũng to ra phết. Mụ này, từ bé đến lớn sống lủi thủi một mình. Đến tuổi dậy thì, không biết sao mà bụng phễnh ra. Năm năm liên tục, mụ đẻ ba đứa, một trai, hai gái. Mụ sống khép kín, cửa đóng then cài, hàng xóm láng giềng mấy ai để tâm đến. Nghe nói, hai đứa con gái bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ người ta, chắc là quên quê mất quán rồi. Thằng con trai thì đi làm thuê, rồi về phụ mẹ hầu đồng bắt bóng...

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Làng tôi có vài trăm nóc nhà mà đủ chuyện. Mỗi người mỗi cảnh mỗi phận. Đáng thương nhất là ông Tý. Ông đi lính từ thời chống Pháp. Vào bộ đội được học bổ túc đến lớp ba, phấn đấu mãi mới lên trung úy. Về làng, ông mang theo cô vợ gàn gàn dở dở và bốn đứa con, hai trai, hai gái. Tiền bạc tích cóp được, ông mua khoảnh đất, xây căn nhà mái bằng rồi suốt ngày đi làm thuê. Ai có công việc gì nặng nhọc là gọi đến ông, từ bốc mả, nhào đất đóng gạch, dọn phân chuồng, đánh bùn cho chí việc đào ao, san vườn... 

Vợ ông quẩn quanh góc bếp xó nhà nhưng uống rượu như nước lã. Cuộc sống vợ chồng mụ cũng lạ, cứ ông đi làm, mỗi người một nơi thì không có chuyện gì. Nhưng về đến nhà là hai vợ chồng bỏ rượu ra uống, rồi cãi nhau ầm ĩ. Có khi nửa đêm vác gậy đuổi nhau chạy dọc làng. Ban đầu, còn có người can ngăn, sau thì không ai đến nữa. Vợ chồng cứ như phường chèo, cười đấy rồi khóc đấy. 

Vào một buổi chiều, ông Tý lên mái nhà ngồi uống rượu, hóng gió tới tận đêm, vừa uống vừa ngêu ngao hát. Mụ vợ gọi mấy lần cũng mặc. Tức mình, mụ cầm thêm chai rượu, lên theo. Hai người uống, hát rồi cãi nhau, vứt chai đập cốc, lao vào đánh nhau. Mụ vợ rơi từ mái nhà xuống sân gạch, chỉ kêu lên một tiếng “Ối!”, rồi im bặt. Sáng ra, người làng mới biết mụ đã chết. Sau khi chôn cất vợ, ông Tý bị bắt giam mấy ngày rồi lại về. Từ ngày ấy, xóm làng bình yên hơn, người ta cũng ít thấy mặt ông Tý hơn. Ông không uống rượu nữa, sau thì lú lẫn, chỉ ngồi giữa bốn bức tường, không bước chân ra ngõ...

Chuyện gì bây giờ ở làng cũng có. Đám choai choai suốt ngay chui đầu vào mấy quán điện tử, karaoke. Trai gái ăn nằm với nhau rồi trốn cha mẹ, bỏ làng đi biệt xứ. Người lớn tuổi lo cho con cháu ăn học, dạy dỗ làm người thì ít, mà chỉ lo xây từ đường, lăng tẩm thật hoành tráng. Dòng họ này thi với dòng họ kia, kém là không chịu, rồi còng lưng đóng góp. Có dòng họ một năm thu đến ba, bốn lần tiền, hết sửa từ đường đến xây lăng rồi lễ lạt cúng giỗ.

Dân làng giờ chán làm nông, nhiều gia đình bỏ ruộng, đi tứ xứ làm ăn. Làng vắng người, thanh niên đi hết. Mà không đi thì lấy tiền đâu mà sống. Thời buổi cái gì cũng tiền. Đủ cách xoay xở mà cuộc sống cũng không khá lên là mấy. Người tử tế, khỏe mạnh, lao động bằng mồ hôi nước mắt chân chính thì không đủ ăn, đứa nhố nhăng như cái nhà lão Chạch với mụ Tẽo thì thiên hạ mang tiền đến cung phụng. Thật là đảo điên, thật giả lộn tùng phèo. Chán thật!

Bạn tôi bảo: “Mày là thằng có chữ nghĩa, thích thì về làng sống vài tháng rồi lên Hà Nội, viết cả đời”.

Tôi lang thang ra cánh đồng làng. Khát vọng ngàn đời của người làng biển quê tôi vẫn chưa qua cái ăn, cái mặc. Họ bất chấp phong ba bão tố, bất chấp hiểm nguy và những vật vã thăng trầm của cõi đời để sinh tồn, để ngẩng mặt lên, ngước về phía mặt trời. Xa xa, ngoài rặng phi lao chắn sóng là biển. Tiếng sóng biển ở quê tôi như từ ngàn đời nay vẫn thế: U trầm, nặng nhọc trĩu xuống từng mái nhà, đời này qua đời khác.

Cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ in trên gương mặt mỗi người, mỗi số phận, không ai giống ai. Nhưng với tôi, dù năm tháng trôi qua, dù có bao biến đổi, thì ký ức về làng vẫn còn đó, như một phần máu thịt vẫn rần rật chảy dọc cuộc đời… 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top