Aa

Làng tôi xanh bóng tre…

Chủ Nhật, 26/01/2020 - 17:30

Lẽ ra “Mai sau, mai sau, mai sau/ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”, như Nguyễn Duy ước và đoán. Nhưng sự đời đâu có vậy. Rất nhiều làng quê Việt giờ đã vắng bóng Tre...

Từ huyền sử, cây tre đã gắn với số phận, chiến tích của người Việt. Cậu bé làng Gióng nhờ Tre mà thành anh hùng Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Thời đánh Pháp, thời chống Mỹ, Tre thành văn của Thép Mới, thành thơ của Nguyễn Duy, thành nhạc của Văn Cao “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều…”. Chuyện ấy nói mãi vẫn chưa hết.

Lẽ ra “Mai sau, mai sau, mai sau/Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”, như Nguyễn Duy ước và đoán. Nhưng sự đời đâu có vậy. Rất nhiều làng quê Việt giờ đã vắng bóng Tre. Nhiều trẻ con trong thành phố, lên mười, mười hai vẫn không biết đến cây tre, cây nứa. Liệu dăm chục, một trăm năm nữa, lớp hậu sinh có bảo ông Thánh Gióng và cây Tre là sự bịa tạc vĩ đại nhất của dân tộc Việt. Và bài thơ Tre Việt Nam là sản phẩm hoang tưởng của nhà thơ Nguyễn Duy siêu thực?

Bảo rằng cây tre giờ chỉ còn trong ký ức, trong phim ảnh, trong văn chương cũng chẳng phải. Vẫn còn bạt ngàn những rừng tre trúc ở Tây Bắc, Việt Bắc, Phú Yên, Bình Định, Đồng Tháp, An Giang… Vẫn còn những rừng lồ ô ở Tây Nguyên. Những rừng luồng, rừng nứa ở xứ Thanh, xứ Nghệ. Nhưng đó là những cây tre, cây luồng, cây trúc tự nhiên ở cách xa người. Cái tổ hợp môi sinh: Nhà ngói cây mít, cây đa giếng nước sân đình, bờ tre mái rạ… giờ thực sự có nguy cơ xa xỉ với nhà quê.

Bây giờ, nhiều làng quê châu thổ sông Hồng, sông Mã, những chiếc nôi của người Việt, đã gần như bê tông hóa. Bao nhiêu đường làng vỉa gạch nghiêng, quà cưới hỏi của các cô gái làng lấy chồng thiên hạ, giờ thành đường bê tông, đường nhựa. Những lũy tre làng bị triệt hạ đến không còn dấu tích. Kiệt tác về mùa thu xứ Việt với ao thu lạnh lẽo, ngõ trúc quanh co của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến trở thành cổ vật. Thơ Nguyễn Bính cảnh báo: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, giờ đang báo động ở cấp quốc gia về sự phai nhạt, băng hoại bản sắc dân tộc.

Nhưng không thể khác, vì đó là bước đi của thời đại, nhịp điệu của vũ trụ thời công nghệ 4.0. Ở phương Tây, dân đô thị chiếm tới tám mươi, chín mươi phần trăm. Các làng quê truyền thống đang thuộc dạng được bảo tồn.

Các làng quê Việt mình chắc chắn sẽ còn mãi cây đa giếng nước sân đình, vì còn mãi quan họ, chèo, hát xoan, hát bội, cải lương và các lễ hội… Văn hóa Việt sẽ còn trường tồn và phát triển cho đến 4X.0.

Nhưng làm cách nào để giữ được cây Tre, bóng Tre, một góc hồn Việt? Đã thấy thấp thoáng những bụi tre đằng ngà trong các resort, ở phủ Thành Chương, hay trong góc công viên. Vẫn còn những dải tre bên đê sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đuống… Nhưng đầy rủi ro và bất trắc.

Rất thèm một cánh rừng tự nhiên lọt giữa lòng thành phố như ở Paris, Stockholm, Moscow, Vancouver, Toronto, Los Angeles… Giá như cả bán đảo Thanh Đa của Sài Gòn, cả cánh đồng Trung Văn, An Khánh của Hà Nội trở thành một cánh rừng. Ở đó sẽ có một vài héc-ta trồng các loại tre, trúc, giang, vầu, nứa, luồng, bương… Ở đó có những ao thu tĩnh lặng của Nguyễn Khuyến, những con đường mòn và những nhịp cầu tre lắt lẻo Nam Bộ, những con đường mòn ngoằn ngoèo cho người đi bộ và đạp xe đạp. 

Rừng tre tại Nhật Bản có những con đường mòn cho người đi bộ và đạp xe...

Và tất nhiên, phải có những tòa lâu đài bằng các chất liệu tre Việt mà một vài kiến trúc sư tài ba nước nhà đã giành các giải cao thế giới, nhưng không có chỗ thi thố ở quê mình. Đến đây để hòa vào thiên nhiên, để hít thở sự tinh khiết của lá phổi xanh thành phố và níu giữ, dung dưỡng một phần hồn Việt có nguy cơ phai nhạt, lãng quên.

Ai cho tôi một bóng Tre, một làng quê Việt mà tổ tiên tôi từng xây đắp nghìn năm? Câu hỏi này đang đặt lên bàn những nhà hoạch định chính sách tài ba (chứ không phải nhiệm kỳ), những tổng công trình sư, những nhà thiết kế, xây dựng, những doanh gia bất động sản… Làng tôi xanh bóng Tre là triết lý sống của người Việt. Không có thiên nhiên, phỏng con người sống để làm gì?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top