Aa

Lãnh đạo có dám ký cam kết bảo đảm an ninh nguồn nước nếu xây sân golf?

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 19/03/2020 - 09:11

Liên quan đến đề xuất xây sân golf "khủng" ngay sát sông Đuống, PGS.TS Bùi Thị An đặt câu hỏi "Có ai dám ký vào văn bản cam kết rằng, nếu có sự cố môi trường xảy ra, sẽ là người chịu trách nhiệm hay không?"

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang vừa ký văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

Dự án này do liên danh CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLand và CTCP Tư vấn và Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, sân golf Thuận Thành được thiết kế 27 lỗ, dự kiến xây dựng trên khu đất 98ha, phía Bắc giáp sông Đuống, phía Nam giáp đê sông Đuống, phía Đông và phía Tây giáp đất nông nghiệp ngoài đê.

Nêu quan điểm về đề xuất xây dựng sân golf tại vị trí này, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, cho biết: “Tỉnh nào cũng muốn thu hút đầu tư và sân golf là một hình thức đầu tư có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Tuy nhiên, Bắc Ninh nên cân nhắc lại về vấn đề liên quan đến việc xây dựng một sân golf 27 lỗ sẽ tác động thế nào đến môi trường khi quy hoạch vị trí ngay cạnh sông Đuống”.

Theo bà An, trong câu chuyện này, các bên liên quan cần hiểu việc xây sân golf ở một vị trí "nhạy cảm" như giáp sông Đuống sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Nếu nguồn nước bị ảnh hưởng sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng. Trong khi sông Đuống là nguồn cung của các nhà máy nước sạch.

“Thường các sân golf sẽ phải trồng cỏ nhân tạo, quá trình chăm sóc, làm sạch cỏ chắc chắn phải dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có thể gây nguy hại”, bà An nói.

"Thường các sân golf sẽ phải trồng cỏ nhân tạo, quá trình chăm sóc, làm sạch cỏ chắc chắn phải dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có thể gây nguy hại".

Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010 đã từng chỉ rõ: “Một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp).

Trong đó, có các chất như axit silic, oxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), Acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người. Đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm…”

Tuy nhiên, trong suốt bản đề xuất đầu tư dự án, chủ đầu tư luôn khẳng định việc vấn đề ảnh hưởng tới môi trường khi xây dựng sân golf Thuận Thành là không đáng quan ngại: “Sử dụng một số lượng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cho cỏ của bề mặt sân golf cũng ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên với số lượng thuốc sử dụng có điều tiết và nằm trong danh mục thuốc được sử dụng nên tác động đến môi trường không đáng kể”.

Phản biện luận điểm này của chủ đầu tư, bà An cho rằng, không thể loại trừ khả năng hóa chất sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm và trở thành mối nguy hại với môi trường, đặc biệt là nguồn nước.

Do đó, phải cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường. Không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Vì đó là hướng phát triển phi bền vững”.

“Tôi không biết ai sẽ là người duyệt báo cáo thẩm định tác động môi trường của sân golf này. Các đồng chí có dám ký vào văn bản cam kết rằng, nếu có sự cố môi trường xảy ra, sẽ là người chịu trách nhiệm hay không? Nhưng một khi “sự đã rồi” thì khắc phục hậu quả không phải dễ.

Rất nhiều trường hợp lúc đầu đánh giá tác động môi trường đều tốt, đều bảo không ảnh hưởng, có thể thực hiện dự án nhưng khi đi vào triển khai thì gây ra tác động rất xấu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân”, bà An nói thêm.

Theo bà An, nếu địa phương muốn cho doanh nghiệp xây dựng sân golf, nên chọn một vị trí khác, tuyệt đối không nên xây cạnh sông, đặc biệt là dòng sông cả như sông Đuống.

“Theo quan điểm của tôi, chính quyền nên khảo sát, đánh giá và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định”, nguyên ĐBQH Bùi Thị An khẳng định.

Vị trí sát sông Đuống được đề xuất xây dựng sân Golf. Ảnh: Báo Dân Việt.

Cũng phản đối đề xuất xây dựng sân golf cạnh sông Đuống, GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi ((nay là Bộ NN&PTNT) bày tỏ bức xúc trên báo Dân Việt: “Thứ nhất sông Đuống hiện nay là nguồn cấp nước sạch cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, do vậy không được làm công trình trên đó. Thứ hai, để nuôi dưỡng sân golf cần có diện tích làm khu phụ trợ và phải phun hàng trăm tấn thuốc diệt cỏ dại, diệt mối. Diện tích khu phụ trợ nếu vào khu dân cư nhà nước phải bỏ kinh phí để giải toả. Nếu là bãi ven sông, thì sẽ cản trở thoát lũ mà Luật Đê điều không pho phép".

Ông Hồng nhắc lại sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà năm 2019 khiến cuộc sống của người dân Thủ đô Hà Nội bị đảo lộn một thời gian. Thời điểm đó, nguồn nước sạch từ dòng sông Đuống đã phải "ứng cứu" cho hàng nghìn hộ dân của thành phố này.

“Đặc điểm của sông Đuống là chảy hai chiều, nên nếu xây sân golf ở đây, nguồn nước ô nhiễm cũng sẽ bị đẩy ngược về Hà Nội, nguy hại vô cùng. Nhiều nước trên thế giới họ không cho xây dựng gần các dòng sông vì lo ngại ảnh hưởng đến nguồn nước". 

Một vấn đề khác khiến ông Hồng lo ngại, là khi sân golf không dùng nữa sẽ phải cần kinh phí để xử lý về môi trường mới sử dụng lại được. Ông lấy ví dụ như Khu công nghiệp Biên Hoà, Đồng Nai, hiện không có kinh phí để xử lý chất độc, phải đóng cửa nhiều năm.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho rằng, các sân golf là “hiểm họa” về môi trường.

Theo ông Tuấn, các nhà khoa học của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết trên mỗi héc-ta sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp tương tự. Các độc chất này là nguy cơ cao gây ung thư.

Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, người ta ước tính mỗi sân golf tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Số hóa chất này bị nước tưới, nước mưa… hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và thẩm thấu vào nước ngầm, tiếp tục trở thành nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho khu vực. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, một số sân golf còn trừ sâu bằng máy phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí.

Phát biểu trên tờ Dân trí, TS. Nghiêm Vũ Khải - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, việc nhiều người lo ngại dự án sân golf có tác động xấu đến môi trường là hoàn toàn có cơ sở.

"Những năm 1988, 1994 tôi đi nghiên cứu sinh tại Nhật Bản thì thấy tại nước này phong trào phản đối xây dựng sân golf rất mạnh mẽ. Họ phản đối tất các dự án xây dựng sân golf ở gần khu dân cư chứ không riêng gì dự án ở gần sông, suối. Do họ lo ngại sân golf sẽ sử dụng các hóa chất, thuốc để chăm sóc cỏ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước sinh hoạt", ông Khải cho hay.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, trong luật cần quy định rõ điều kiện và vị trí cho phép xây dựng sân golf để không xảy ra các trường hợp tương tự. Theo đó, một khi dự án sân golf quốc tế Thuận Thành được duyệt cho thực hiện, những mối lo ngại ắt sẽ tiếp tục nối dài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top