Aa

Lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam làm việc với Hiệp hội Phát triển BĐS Myanmar

Thứ Năm, 27/04/2017 - 04:31

Chiều nay (26/4), tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam đã có buổi làm việc với đại diện Hiệp hội Phát triển BĐS Myanmar liên quan tới các vấn đề hợp tác, tìm hiểu thị trường BĐS Việt Nam.

Cùng tham gia buổi làm việc, về phía Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) có ông Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội… và các thành viên Hiệp hội là doanh nghiệp BĐS lớn tại Việt Nam.

Buổi làm việc

Buổi làm việc giữa VNREA với Hiệp hội Phát triển Bất Động sản Myanmar. 

Về phía Hiệp hội Phát triển BĐS Myanmar có ông Tin Maung, Chủ tịch Hiệp hội. Đoàn tham dự buổi làm việc còn có những thành viên là Nghị sỹ Quốc hội Myanmar, luật sư, doanh nghiệp…

Nội dung buổi làm việc giữa 2 Hiệp hội nhằm trao đổi khả năng hợp tác giữa Hiệp hội Phát triển BĐS Myanmar với VNREA. Đồng thời, tìm hiểu về Luật Kinh doanh BĐS của Việt Nam và tình hình thị trường BĐS Việt Nam hiện nay.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ, hiện nay, Việt Nam có dân số hơn 94 triệu người, 36% dân số sống tại các đô thị. Hàng năm, có khoảng 1 triệu thanh niên từ các vùng nông thôn về thành phố ở.

Lãnh đạo 2 Hiệp hội tặng quà kỷ niệm nhân buổi làm việc.  

Đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 800 khu đô thị. Trong đó, có 5 khu đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, các đô thị còn lại trực thuộc tỉnh.

Gia đoạn từ năm 1999 đến 2009, Việt Nam đã phát triển nhà ở tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, từ năm 2010 đến 2017, mỗi năm Việt Nam xây dựng khoảng 70-100 triệu mét vuông nhà ở các loại. Cụ thể, 30-35% được xây dựng từ các dự án do doanh nghiệp đầu tư. Số còn lại là do dân xây dựng.  

Việt Nam đang có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp BĐS đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ có giá khoảng 700-1.000 USD/m2. 

Với mật độ dân số đông, nhu cầu nhà ở tăng còn lớn, Việt Nam đang thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang đứng thứ 2 trong khu vực. 

Chủ tịch VNREA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa 2 Hiệp hội trong tương lai nhằm chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực BĐS. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin về BĐS Việt Nam và hợp tác tư vấn Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở đối với Hiệp hội bạn”. 

Nhiều vấn đề liên quan tới thị trường BĐS và chính sách được chia sẻ tại buổi làm việc.

Nhiều vấn đề liên quan tới thị trường BĐS, chính sách của hai nước Việt Nam và Myanmarđược chia sẻ tại buổi làm việc.  

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển BĐS Myanmar Tin Maung cho biết, hiện nay, Myanmar chưa xây dựng được luật pháp trong lĩnh vực kinh doanh BĐS và nhà ở. Các chính sách đầu tư vào Myanmar đối với người nước ngoài còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh những quan tâm về thị trường BĐS Việt Nam, ông Tin Maung còn bày tỏ mong muốn hợp tác với VNREA trong thời gian tới. “Tôi cảm thấy luật kinh doanh BĐS của Việt Nam rất hợp lý. Qua buổi làm việc hôm nay, hai Hiệp hội sẽ đi đến sự hợp tác. Tôi mong muốn VNREA sẽ tư vấn, góp ý cho Hiệp hội Phát triển BĐS Myanmar…”.

Ngoài ra, ông Tin Maung cũng khẳng định, Hiệp hội Phát triển BĐS Myanmar sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp BĐS của Việt nam sang đầu tư tại Myanmar.

Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo 2 Hiệp hội đã thống nhất trong thời tới sẽ thực hiện việc ký kết biên bản Ghi nhớ hợp tác. Đây là bước đánh dấu sự hợp tác giữa hai Hiệp hội nhằm chia sẻ, giúp đỡ và tạo điều kiện phát triển lĩnh vực BĐS Việt Nam và Myanmar./.

Với dân số khoảng 60 triệu người cùng vị trí địa lý thuận lợi, thời gian gần đây Myanmar đang thực hiện chính sách mở cửa để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, Chính phủ nước này đã ban hành Luật đầu tư mới, tăng thời hạn thuê đất từ 30 năm lên 50 năm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 25% đối với các doanh nghiệp FDI, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm đối với các doanh nghiệp mới đầu tư vào Myanmar…
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top