Aa

Lãnh đạo Tập đoàn Yeah1 “thành thật” được bao nhiêu?

Thứ Ba, 05/03/2019 - 19:00

Cách mà Tập đoàn Yeah1 (YEG) thông báo về việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung đối với hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự thành thật của lãnh đạo tập đoàn này.

Mảng YouTube Adsense chi phối thế nào đến “tính mạng” của YEG?

Sự kiện YEG công bố thông tin việc Youtube chấm dứt thoả thuận lưu giữ nội dung sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty con, công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan đến mảng Youtube Adsense của Tập đoàn bao gồm SpringMe Pte. Ltd, Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC (công ty mới mua của YEG) đang là tâm điểm trên thị trường tài chính.

Nguyên nhân Yotube chấm dứt thỏa thuận với YEG chưa bàn đến và động thái này ảnh hưởng thế nào đến YEG cũng sẽ được phản ánh chính xác trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, từ đây các nhà đầu tư cũng nên có cái nhìn sâu hơn về mã cổ phiếu YEG.

Trước đó, tìm đến cổ phiếu YEG, các nhà đầu tư đa phần hiểu rằng, Youtube Adsense là mảng chính của doanh nghiệp này. Năm 2018, YEG cho biết, lợi nhuận 2018 mảng Youtube chiếm 55,6% về doanh thu và 88,6% lợi nhuận tập đoàn.

Trong lúc công bố sự cố vừa qua, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 nhấn mạnh năm 2018, mảng kinh doanh YouTube AdSense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD cho tập đoàn, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế. Các hoạt động kinh doanh khác của Tập đoàn Yeah1 vẫn phát triển theo kế hoạch.

Một số nhà phân tích cho rằng, điểm dở là khi truyền thông thì YEG nói Youtube là mảng chính, quản lý hơn 3.000 kênh, nhưng lúc sự cố bị Youtube chấm dứt thoả thuận thì lại bảo là chỉ quản lý hỗ trợ các kênh và làm thủ tục thanh toán.

Thực tế mảng kinh doanh YouTube Adsense đem về cho YEG bao nhiêu lợi nhuận và chiếm tỷ trọng như thế nào đến doanh thu của tập đoàn này, có lẽ chỉ có YEG mới biết chính xác. Những con số công bố trên báo cáo tài chính có thể đã được xử lý theo mục đích của ban lãnh đạo. Và khả năng việc công bố vội thông tin YouTube chấm dứt thỏa thuận không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh là cách ban lãnh đạo tập đoàn này muốn trấn an dư luận. Nhưng việc mâu thuẫn trong cách công bố thông tin không khỏi khiến dư luật đặt dấu hỏi về sự thành thật của ban lãnh đạo YEG, khi mà trước đó YEG vốn là cổ phiếu ít niềm tin.

Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư ngay lập tức phản ứng tiêu cực với thông tin này. Ngay khi thông tin được phát đi, cổ phiếu YEG giảm sàn 7%, từ 245.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 227.900 đồng/cổ phiếu (giảm 17.100 đồng/cổ phiếu), vốn hoá bốc hơi hơn 500 tỷ đồng.

Uy tín của ban lãnh đạo sẽ gây dựng thương hiệu cho doanh nghiêp và tạo niềm tin đối với nhà đầu tư

Uy tín của ban lãnh đạo sẽ gây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và tạo niềm tin đối với nhà đầu tư

YEG có gì, làm gì để niêm yết trên HOSE?

YEG từng gây chú ý bằng quá trình tăng vốn ấn tượng, đính giá cổ phiếu táo bạo và những giao dịch lạ mắt. Thành lập năm 2006, YEG có vốn điều lệ ban đầu 500 triệu đồng, đến cuối tháng 11/2007, YEG tăng vốn lên 2 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, trải qua 9 lần tăng vốn nữa cùng với hình thức phát hành riêng lẻ và chia thưởng, chia cổ tức, YEG đã tăng vốn lên gần 273,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý chỉ có 213.333 cổ phiếu được phát hành cho Quỹ DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd. với giá 128.322 đồng/cổ phiếu hồi tháng 6/2008 và 8.444 cổ phiếu phát hành cho 2 cổ đông với giá 23.685 đồng/cổ phiếu vào tháng 12/2010 cùng đợt phát hành riêng lẻ 360.000 cổ phiếu cho đối tác chiến lược và 240.000 cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên với giá 50.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 12/2017 vừa qua. Số còn lại đều từ chia thưởng và cổ tức với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu YEG không chỉ gây chú ý bởi loại hình kinh doanh đặc biệt của mình hay mức giá chào sàn 250.000 đồng kỷ lục, mà còn bởi giao dịch mua bán có phần kỳ lạ của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và cổ đông lớn DFJ VinaCapital.

Theo báo cáo kiểm toán vốn của Yeah1 tại ngày 24/4/2018 cho thấy, ông Tống hiện nắm giữ hơn 11,33 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 41,4% vốn điều lệ Công ty còn Quỹ DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd. giữ hơn 77 triệu cổ phiếu, tương đương 35,71%.

Tuy nhiên một tháng sau, tại thời điểm ngày 24/5/2018, ông Tống chỉ còn nắm hơn 7,4 triệu cổ phiếu tương đương 27,14% và DFJ VinaCapital chỉ còn nắm 1,95 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu còn 7,14%. Người có liên quan với ông Tống chỉ có vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Mai, nắm giữ 75.251 cổ phiếu, chiếm 0,27% vốn điều lệ Công ty. Một cổ đông lớn phát sinh mới là Hồ Ngọc Tấn, nắm giữ 3,91 triệu cổ phiếu tương đương 14,28% vốn điều lệ công ty. Số lượng cổ phiếu ông Tấn sỡ hữu đúng bằng số cổ phiếu mà ông Tống bán ra.

Rất nhanh chóng, ông Tống cũng có kế hoạch mua lại 3,91 triệu cổ phiếu YEG với giá 300.000 đồng/cổ phiếu ngay sau khi được niêm yết. Như vậy, số lượng cổ phiếu của Chủ tịch công ty sau khi mua cổ phần riêng lẻ sẽ quay trở về con số 11,3 triệu đơn vị. Lưu ý rằng, trước thời điểm niêm yết cổ phiếu, ông Tống vừa mới thực hiện bán ra cổ phiếu mình nắm giữ và đã phát hành riêng lẻ hơn 11 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Câu hỏi đặt ra là tại sao vị Chủ tịch hội đồng quản trị Yeah1 lại bỏ ra số tiền khoảng 1.173 tỷ đồng để mua cổ phiếu với giá cao hơn gấp 30 lần so với các nhà đầu tư khác. Liệu đây có phải do “lướt sóng” cổ phiếu bị “lỗi” hay còn mục đích nào khác?

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về những cách hạch toán tài chính nhiều ẩn số của YEG cũng như trách nhiệm của ban lãnh đạo và các đơn vị liên quan,…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top