Aa

Lập dự án "ma" phân lô bán nền trái phép: Vì sao đã siết chặt nhưng vẫn bị lọt?

Thứ Hai, 11/05/2020 - 06:00

Tình trạng phân lô bán nền trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp các quy định của pháp luật. Các chuyên gia cho rằng, Nghị định mới ban hành đã quy định chặt chẽ hơn, tuy nhiên dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.

Ồ ạt phân lô bán nền

Mới đây, chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký Văn bản số 2603 về việc khẩn trương kiểm tra, xử lý dự án Hồ Tràm Riverside tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận. Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc giao đoàn kiểm tra phối hợp cùng UBND xã Phước Thuận rà soát hồ sơ pháp lý, tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát các phản ánh về đất đai, xây dựng, hình thành đường giao thông, san lấp mặt bằng tại khu đất trên. Trước đó, dự án Hồ Tràm Riverside được chủ đất phân lô và giao cho rất nhiều công ty môi giới bất động sản chào bán cho khách hàng với giá 7 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, tại TP.HCM, tình trạng phân lô bán nền trái phép từ nhiều chủ đất kéo dài nhiều năm dẫn tới các vụ khiếu kiện, khởi tố gia tăng. Điển hình như thời gian qua, hàng trăm khách hàng liên tục tố cáo Công ty Thiên Ân Phát lừa đảo bán đất phân lô “ma” tại các dự án Bưng Ông Thòn 2, Nguyễn Xiển 1, 2, 3 (quận 9, TP.HCM)… Chỉ riêng tại địa bàn phường Thạnh Xuân (quận 12) cũng đã có khoảng 10 khu đất phân lô trái phép được các đối tượng rao bán nền tràn lan.

Các dự án của Alibaba đều thực hiện theo chiêu thức "phân lô bán nền", hình thành dự án ma. 

Một trong những sự vụ điển hình nhất về tình trạng phân lô bán nền trái phép gây rúng động trong năm 2019 là hoạt động bán dự án “ma” của Công ty Alibaba. Theo thông tin điều tra, chỉ tính riêng đến tháng 6/2019, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP. HCM) đã ngang nhiên tự vẽ quy hoạch, phân lô bán nền đất nông nghiệp 29 dự án thuộc địa bàn các huyện: Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạc (Đồng Nai). Các dự án phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp. Đặc biệt, có dự án được rao bán đến nhiều lần.

Vụ việc Công ty địa ốc Alilaba tung ra bán vài chục dự án không có thực khiến cho hơn 6.000 khách hàng lâm vào cảnh "tiền mất tật mang", thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

“Siết” nhưng chưa đủ sức răn đe?

Trước vấn nạn phân lô bán nền trái phép, tại các địa phương, động thái siết phân lô bán nền của chính quyền ngày càng trở nên mạnh mẽ. Nhiều địa phương đã liên tục đưa ra cảnh báo về vấn nạn này cho khách hàng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, từ ngày 5/1/2020 sẽ phạt đến 1 tỷ đồng nếu phân lô, bán nền đất khi chưa đủ điều kiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù Nghị định này đã quy định điều khoản chặt chẽ hơn về vấn đề phân lô bán nền trái phép nhưng các biện pháp khắc phục hậu quả vẫn chưa đủ sức răn đe. Bởi lẽ, Nghị định chỉ yêu cầu chủ đầu tư tiến hành làm thủ tục trình chính quyền sở tại cấp phép cho việc làm trái quy định đó hoặc thực hiện tiếp tục đầu tư dự án như đã đăng ký và nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính. Chưa kể, phân lô bán nền có thể mang tới khoản lợi nhuận khủng cho chủ đất nên mức phạt 1 tỷ đồng còn nhẹ.

Phân lô bán nền trái phép sẽ để lại hệ lụy lớn trên thị trường bất động sản. 

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đầu tư đất nền của người dân hầu hết là chỉ mua để đấy, đợi giá lên để bán lại. Thế nên, các giao dịch mua bán đầu tư đất nền là rất nguy hiểm, không kéo theo sự phát triển kinh tế và các hoạt động đầu tư khác của xã hội.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự sôi động của thị trường bất động sản tỉnh lẻ những năm gần đây đến từ việc thả lỏng hoạt động phân lô bán nền. Việc cho phép phân lô bán nền đã giúp thị trường trở nên sôi động hơn nhưng đi kèm với đó là tình trạng đầu cơ, đẩy giá vì tâm lý “sính đất” của người dân Việt. 

Ông Võ cho rằng, chính sách phân lô bán nền bị các doanh nghiệp lợi dụng để phân lô bán dự án trái pháp luật, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư găm đất, đầu cơ để đợi lên giá mà không đưa vào sử dụng, tạo ra rất nhiều các khu đô thị bị hoang hóa, thậm chí phá nát quy hoạch của các đô thị.

Thế nên, ông Võ đề xuất nên cấm phân lô bán nền nhằm hạn chế những hệ lụy xảy ra trên thị trường bất động sản. Quy định này nếu đi vào thực tiễn sẽ loại bỏ những chủ đầu tư yếu kém về vốn, giảm rủi ro cho các khách hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top