Lấp lánh DOJI

Lấp lánh DOJI

Thứ Năm, 31/10/2019 - 06:26

Bước qua chặng đường dài 1/4 thế kỷ, DOJI đã ghi lại dấu ấn vàng son bằng sự công nhận đầy rực rỡ, tiếp tục đặt dấu mốc khởi đầu cho một chặng đường tươi sáng tiếp theo.

Năm 1994, khi đất nước bước vào quá trình Đổi mới, bắt đầu một giai đoạn “thử nghiệm” mạnh dạn của khối kinh tế tư nhân, Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD (tiền thân của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI) được thành lập.

Năm đó, nhà khoa học Đỗ Minh Phú đã mạnh dạn cùng với nhóm cán bộ của Viện khoa học Việt Nam bắt tay xây dựng một mô hình công ty “ngoài Nhà nước” để tập trung nghiên cứu và ứng dụng xử lý chế tác đá quý.

Chỉ với 200 triệu đồng làm vốn, một văn phòng và cơ sở sản xuất đặt tại căn nhà ở ngõ nhỏ của phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa, Hà Nội), những sản phẩm về đá quý đã bắt đầu ra đời. Với chất lượng hoàn hảo, sự khác biệt, sản phẩm đầu tay của TTD đã nhanh chóng được giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài nước.

Năm 1997, ông Đỗ Minh Phú và các cộng sự bắt tay vào quy trình chế tác ruby. Thành công quá nhanh của viên đá ruby đã khiến doanh nghiệp TTD nổi danh trên bản đồ đá quý quốc tế. Đó là năm mà TTD được mệnh danh là "Ông hoàng Ruby sao thế giới".

Bước sang năm 2007, đánh dấu một chặng đường mới, TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI. Theo giải thích của ông Phú, DOJI là viết tắt tiếng Anh của cụm từ: Development Of Jewelry and Investment (Tập đoàn DOJI tập trung phát triển về trang sức và đầu tư). Chữ "DO" trong DOJI còn mang nghĩa về dòng họ Đỗ danh giá của ông. 2007 cũng là năm tòa nhà Ruby Plaza tại Hà Nội khai trương. Đây được coi là Trung tâm Vàng bạc Đá quý & Trang sức lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Đến năm 2009, DOJI đã tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI.

Thành công của DOJI trong giới thương trường không chỉ dừng lại ở danh vị trong hoạt động sản xuất vàng bạc đá quý. DOJI còn là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Sự ra đời của Viện Ngọc học DOJILAB và tiến tới tổ chức thành công Hội nghị Ngọc học Quốc tế IGC 33 năm 2013 đưa cái tên “DOJI” tiếp tục tạo ra tiếng vang lớn trong cộng đồng đá quý thế giới.

Không dừng lại ở việc “bó hẹp” hoạt động trong một lĩnh vực, đầu năm 2012, với sự thành công trong tái cấu trúc và trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), DOJI thực sự khiến giới thương trường phải bất ngờ trước một nước cờ sang ngang đầy thuận lợi.

Ngay sau cuộc “tái sinh” đó, dưới sự chèo lái của ông Đỗ Minh Phú, TPBank bước vào giai đoạn "cất cánh" với các chỉ số tăng trưởng liên tục đi lên, và được vinh danh trong nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Hiện nay, TPBank góp mặt vào Top 10 Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam.

Thành công trong lĩnh vực vàng bạc đá quý và ngân hàng là như vậy, nhưng điều đó chưa đủ làm “hạ nhiệt” niềm đam mê chinh phục và vượt qua thách thức của nhà lãnh đạo DOJI. Năm 2014, Công ty thành viên DOJILAND đã chính thức được thành lập, đánh dấu một cuộc hành trình chinh phục và khẳng định mới của Tập đoàn DOJI. Với hàng loạt các dự án tại nhiều tỉnh thành, tạo lập được uy tín trên thị trường, DOJI một lần nữa lại chứng tỏ khả năng “mát tay” của vị thuyền trưởng Đỗ Minh Phú.

2019 là một năm thành công rực rỡ với DOJI. Đó là năm DOJI đã khánh thành Nhà máy sản xuất chế tác Vàng và Trang sức, với tổng diện tích hơn 10.000m2 tại khu vực Hà Nội với gần 500 công nhân, kỹ thuật viên lành nghề và thiết bị dây chuyền hiện đại. Đây cũng là năm, Tòa nhà DOJI Tower - Trụ sở chính của Tập đoàn chính thức được khai trương, trở thành Trung tâm Vàng bạc Đá quý và Trang sức lớn nhất cả nước hiện nay với lối kiến trúc đẳng cấp và độc đáo.

Sự bứt phá mạnh mẽ và những cuộc lấn sân ngoạn mục đã đưa DOJI trở thành Doanh nghiệp được Tổ chức VNR 500 xếp hạng là Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp từ 2010 - 2018, và 8 năm liên tiếp trở thành Thương hiệu Quốc Gia Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nói: “25 năm trước, xuất phát điểm từ một Công ty TNHH có vốn đầu tư ban đầu còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn; được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu, không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động, đến nay DOJI đã phát triển, lớn mạnh và trở thành Tập đoàn hàng đầu Việt Nam; tạo công ăn việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước; được người tiêu dùng, khách hàng, bạn hàng trong và ngoài nước mến yêu, tin cậy, xứng đáng là thương hiệu quốc gia Việt Nam và là hình ảnh tiêu biểu cho sự phát triển vững mạnh và đáng tự hào của kinh tế tư nhân Việt Nam”.

Với sự trưởng thành và đóng góp không ngừng nghỉ đó, DOJI đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất cho tập thể và Huân chương lao động hạng Nhì cho Chủ tịch Tập đoàn trong lễ kỷ niệm 25 năm một chặng đường phát triển.

“Con người sinh ra có phải do số phận đã an bài không? Nếu không thì hàng tỷ người trên trái đất, nào có ai giống ai đâu”. Câu nói đó được trích trong cuốn hồi ký “Chưa trọn Trăm năm đã vẹn Một chữ Người” của cố đại doanh nhân Đỗ Thế Sử, thân phụ của Chủ tịch HĐQT DOJI.

Thấm nhuần tư tưởng từ một người cha có dòng máu kinh doanh, luôn mang trong người một chữ “Đạo” với đời, ông Đỗ Minh Phú đã cho thấy, “hổ phụ sinh hổ tử”. Sự thành công của DOJI ngày hôm nay là nhờ dòng huyết quản đam mê kinh doanh của gia tộc, là sự bản lĩnh và tôi luyện, vượt lên chính mình, như lời của ông Đỗ Minh Phú từng chia sẻ với báo giới.

Nếu như cha ông, cụ Đỗ Thế Sử khiến người ta ngả mũ thán phục khi ở tuổi ngoài 90 nhưng vẫn tham gia điều hành doanh nghiệp, khiến ông Nguyễn Sanh Châu - khi đó là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Bỉ và Uỷ ban châu Âu - ca ngợi: "Chưa hết trăm năm đã trọn vẹn một chữ Người. Cuộc đời của cụ Sử là minh chứng cho từ Con Người viết hoa". Thì đến nay, với việc phát triển DOJI trở thành một tập đoàn đa ngành với dấu ấn thành công trên tất cả các lĩnh vực, ông Đỗ Minh Phú đã khẳng định một điều, gia tộc doanh nhân vẫn tiếp tục phát huy truyền thống xưa nay.

Với gia tài mà cố đại đoanh nhân dành cho các con - chữ Đạo trong làm người - ông Đỗ Minh Phú, đã luôn lấy đó là triết lý kinh doanh của DOJI.

Ở DOJI, nguồn lực quý nhất chính là con người. Sau 25 năm, số lao động có thâm niên trên 10 năm chiếm gần 20% tổng số 2.000 CBNV của Tập đoàn.

Ở DOJI, giá trị cốt lõi xoay quanh 5 chữ: “Liêm chính - Sáng tạo - Hợp lực - Tri thức và Nhân ái”. Nơi đây, trong môi trường Tập đoàn DOJI, các cán bộ nhân viên sẽ tìm được cho mình những giá trị sống tích cực và tinh thần làm việc cống hiến khi có được đội ngũ lãnh đạo, quản lý tài năng và truyền cảm hứng.

Ở DOJI, với chính sách quản trị nguồn nhân lực hiệu quả, người lao động sẽ luôn tìm thấy cơ hội được bồi dưỡng năng lực, phát triển cá nhân và khẳng định bản thân. Cũng chính nơi đây, các CBNV được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần với mức đãi ngộ thỏa đáng, nhiều phúc lợi tiên tiến và tận hưởng một môi trường làm việc tiện nghi, cao cấp, hiện đại, góp phần nâng cao sức khỏe lao động và sự hứng khởi trong công việc.

Thể hiện chữ “Đạo” với đời, Tập đoàn DOJI còn luôn ý thức trách nhiệm xã hội cộng đồng. Hiện tại, DOJI đã thành lập quỹ Trái tim tỏa sáng và dành hàng chục tỷ đồng vào các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội như xây trường, ủng hộ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ủng hộ quỹ vì người nghèo các địa phương, ủng hộ bà con bị thiên tai, lũ lụt… Trong đó, đối tượng được quan tâm hàng đầu là trẻ em, góp phần chia sẻ khó khăn và ươm những mầm xanh cho thế hệ tương lai của đất nước.

Khép lại chặng đường 1/4 thế kỷ vàng son, Tập đoàn DOJI sẽ tiếp tục bước đến những thử thách khác với khát vọng về những dấu ấn mới, sâu đậm hơn.

Ông Đỗ Minh Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI đã chia sẻ rằng: “Trước mắt còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vẫn quyết tâm vững bước để hoàn thành mục tiêu tầm nhìn đến năm 2025 với sứ mệnh cao cả “Hướng tới con người và vì con người, bằng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng hàng đầu vì sự phồn vinh của xã hội, giá trị cá nhân và tinh hoa cuộc sống”."

Con đường phía trước chắc hẳn không dễ dàng, nhất là trong giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Nhưng, những gì mà Tập đoàn DOJI đã ghi dấu và hơn hết là triết lý nhân sinh mà Tập đoàn đa ngành này đang theo đuổi càng cho thấy, quyết tâm chinh phục thử thách và khát vọng thành công.

Có một câu nói nổi tiếng của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch DOJI vẫn được lưu truyền lại: “Kinh doanh đá quý nhưng không đeo nhẫn hay trang sức trên người”. Khi trả lời phỏng vấn báo chí, vì sao là người kinh doanh đá quý nhưng ông không đeo nhẫn hay trang sức, vị Chủ tịch của DOJI đã trả lời rằng: “Khi tôi đeo thứ gì đó trên người tôi lại thấy vướng víu. Hơn nữa, mình là một ông chủ làm chuyên về đá quý, thì đương nhiên sẽ có thứ rất độc đáo. Nhưng nếu mình đeo thứ độc đáo đó, thì sau này lại có thể tìm thấy thứ độc đáo khác, mình sẽ giải quyết ra sao? Và nếu mình đeo cái đó, có thể sau này lại phát hiện ra những viên đá quý khác đẹp không kém, mà ngón tay thì chỉ có 10 ngón, không lẽ lại đeo hết cả!"

Đó như một triết lý trong kinh doanh của Chủ tịch DOJI. Thế mới thấy, cái tâm, cái tầm của vị doanh nhân luôn chảy trong mình dòng máu kinh doanh chính là luôn tìm kiếm sự độc đáo trong từng sản phẩm, trong công việc và trong sự nghiệp của mình.

Khởi đầu của giai đoạn mới đã đến với rất nhiều thách thức và cơ hội. Nhưng, sẽ như bao lần trước, dù khó khăn đến đâu, dù phải đặt viên gạch đầu tiên còn rất sơ khai, với những gì đã minh chứng về sự bản lĩnh, quyết đoán và mạnh mẽ, DOJI chắc chắn sẽ vượt qua, khai phá thêm vùng đất mới.

Có lẽ rằng, trong tương lai, sẽ không chỉ dừng lại ở một DOJI với hình ảnh trong lĩnh vực vàng bạc đá quý, tài chính – ngân hàng hay bất động sản mà xa hơn, đó có thể là một “đế chế” của rất nhiều ngành khác nhau. Điều đó mới thể hiện đúng “chất” và “khí phách” của những con người xứng danh một gia tộc doanh nhân.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top