Aa

Lấy ý kiến trong 3 ngày nhưng 2 tuần vẫn chưa sửa xong Nghị định 20

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 30/12/2019 - 15:40

Sau phản ánh những vướng mắc từ phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã quyết định lấy ý kiến sửa đổi quy định về khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20 nhưng đến nay, sau thời hạn đưa ra, vẫn chưa thấy có kết quả mới nào

Doanh nghiệp đói vốn

Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành nhằm hạn chế việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp. Tuy nhiên, kể từ khi được ban hành vào đầu năm 2017, Nghị định 20 lại gây ảnh hưởng nhiều nhất đến các doanh nghiệp trong nước, gây ra nhiều vướng mắc trong việc triển khai kinh doanh.

Và cũng đã hơn hai năm qua, Nghị định này đã và đang trở thành rào cản gây khó khăn cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cụ thể, khoản 3, điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế" - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Quy định này có tác dụng "siết chặt" việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp FDI nhưng lại đang gây ra nhiều trở ngại với doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp đều kêu khó do quy định khống chế tỷ lệ lãi vay và phạm vi đối tượng áp dụng.

Không ít lần doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng đề xuất tháo gỡ khó khăn do Nghị định này đem tới. Bởi trong kinh doanh, "buôn tài không bằng dài vốn". Doanh nghiệp nếu thiếu vốn kinh doanh thì luôn phải áp dụng giải pháp đi vay. Bởi vậy, việc khống chế chi phí lãi vay sẽ làm cho các doanh nghiệp lo lắng và ngại ngần khi đưa ra chiến lược vay vốn, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, lợi nhuận thu được trong kinh doanh đôi khi không đủ bù đắp cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp. Đây chính là khó khăn, trở ngại của doanh nghiệp có ý định vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tại một Hội thảo do VCCI tổ chức, Trưởng Ban Tài chính của Tập đoàn Vingroup cho hay, khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 quy định nội dung hoàn toàn mới, không được quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa phù hợp. Trên thực tế, so với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay.

Việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng phát biểu tại nhiều hội thảo cho rằng, Nghị định 20 khiến khối doanh tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Chậm sửa do đâu?

Sắp đến kỳ hạch toán năm tài chính 2019, hàng ngàn công ty vẫn "mòn mỏi" đợi Nghị định 20 sửa đổi. Trong khi đó, đã ba lần Thủ tướng nhắc, hàng loạt doanh nghiệp "kêu trời" suốt 2 năm vì đội chi phí, giá thành tăng, suy giảm cạnh tranh, mất thị phần..., song việc sửa đổi quy định khống chế lãi vay dường như vẫn "dậm chân tại chỗ".

Vào giữa tháng 5/2019, tại một hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp cho biết: “Trong 2 tuần nữa, chúng tôi sẽ có thông tin báo cáo về Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 lên Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp cần khai bổ sung, khai điều chỉnh theo Nghị định 20 để tránh bị phạt sai phạm 20%, không có việc không thực hiện Nghị định của Chính phủ”.

Tuy nhiên, thời gian 2 tuần đã trôi qua từ lâu nhưng vẫn không có câu trả lời chính xác là có sửa đổi Nghị định 20 hay không. Tiếp đó tại kết luận tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngành tài chính cần lưu ý về công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản.

Theo Phó Thủ tướng, công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản của ngành tài chính vẫn còn chậm, có văn bản không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành cũng chưa kịp thời trình Thủ tướng, Chính phủ bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản đang có vướng mắc.

Phó Thủ tướng đã dẫn ra vấn đề khống chế lãi vay đối với các doanh nghiệp liên kết quy định tại Nghị định số 20 như là một ví dụ. "Thủ tướng 3 lần đều nhắc đến chuyện này rồi", Phó Thủ tướng cho biết. Theo Phó Thủ tướng, nếu chờ sửa đổi bổ sung theo Luật Quản lý thuế thì chậm, nên chăng vướng đâu gỡ đó vì các doanh nghiệp kêu rất nhiều.

Trả lời trên báo chí, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - đơn vị tham mưu cho Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 20, trần tình việc chậm trễ thời gian qua là do chờ sửa đổi luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, hiện tại Tổng cục Thuế tham mưu sửa đổi và Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để cho ý kiến.

Thông tin mới nhất, ngày 12/12/2019, Bộ Tài chính thông báo sẽ tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ý kiến tham gia đóng góp gửi về Bộ và qua hòm thư điện tử trước ngày 15/12/2019.

Đến nay, đã 2 tuần trôi qua, Bộ Tài Chính vẫn chưa đưa ra được một thông tin mới nào về kết quả lấy ý kiến để đưa ra kết luận sửa đổi Nghị định 20 ra sao? Sửa đổi như thế nào? Bao giờ chính thức sửa đổi…

Nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu quy định về khống chế trần lãi vay không sửa đổi cho phù hợp với thực tế mà phải chờ sửa đổi theo Luật Quản lý thuế thì thiệt hại cộng đồng doanh nghiệp trong nước còn nặng nề gấp ba, bốn lần hiện nay vì phải chờ.

Hoặc nếu có việc sửa đổi Nghị định 20 thì phải áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2017 chứ không phải từ 2020 mới áp dụng. Và thời gian chờ sửa Nghị định, nếu có quyết định tạm dừng thì hợp lý hơn.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw phân tích, khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Quy định trên dường như chưa nghiên cứu tổng thể điều kiện thực tiễn của Việt Nam và cũng chưa có đánh giá toàn diện tác động của quy định này đến môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dẫn đến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng. Trong khi đó quy định này lại không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do họ ít phải vay. Do đó, việc nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 25% hoặc 30% với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là hợp lý.

Luật sư Hà cho biết, quy trình sửa đổi các văn bản pháp luật, cụ thể là nghị định đã được quy định rõ tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, các quy trình từ soạn thảo, thẩm định, lấy ý kiến sẽ mất từ 30 đến 90 ngày. Những bất cập trên phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng. Chính phủ phải soạn thảo một Nghị định sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP theo hình thức rút gọn. Trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản là cần thiết để góp phần giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoặc kịp thời thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật sư Hà cho rằng: “Trong bối cảnh, càng đến gần thời điểm quyết toán thuế cuối năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước càng như “ngồi trên đống lửa” khi đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ vì bị áp trần lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, động thái sửa đổi mới đây của Bộ Tài chính được đánh giá là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp khi mức trần được nâng lên, nới rộng khả năng vay vốn của các doanh nghiệp liên kết”.

Vấn đề bức xúc của doanh nghiệp về quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP này là đúng và đã được lãnh đạo cao nhất đồng ý thay đổi. Thế nhưng, Bộ Tài chính lại chậm chạp là gây khó và không theo tinh thần đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp như Chính phủ đặt ra. Lẽ ra sau khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp và thấy hợp lý thì có thể sửa ngay bằng cách kiến nghị dừng áp dụng quy định này cho đến khi thay đổi bằng một nghị định mới. Không thể chấp nhận việc kéo dài một quy định gây khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ, từ đó khiến kinh tế Việt Nam đi xuống.

Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico)


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top