Aa

Lên Khuổi My thưởng trà rừng Tây Côn Lĩnh (2)

Chủ Nhật, 08/04/2018 - 06:31

Vị của trà lam dịu chứ không chát, đắng gắt như trà mạn, đầy đặn tròn trịa và có hậu vị rất đượm ngọt.

Trước đây, người Dao thường làm trà lam ống nứa - 1 loại trà đặc trưng chỉ có người Dao ở Vị Xuyên làm. Họ ủ cho lá trà lên men 1 phần rồi sao cho héo bớt (lên men như thế nào và héo bao nhiêu thì lại là bí quyết của người làm) sau đó nhồi vào trong những ống nứa và treo lên gác bếp.

Chè lam ống nứa - một đặc sản ít được biết của người Dao.

Chè lam ống nứa - một đặc sản ít được biết của người Dao.

Người ta cứ treo như thế 1 thời gian dài, cánh trà khô đi, hương trà quện với mùi ống nứa treo trên khói bếp tạo thành 1 hương thơm nồng nàn mà mộc mạc khó tả mỗi khi pha. 

Vị của trà lam dịu chứ không chát, đắng, gắt như trà mạn, đầy đặn tròn trịa và có hậu vị rất đượm ngọt. Thế nhưng qua thời gian, phần vì làm trà lam kỳ công, phần vì không có chỗ bảo quản với số lượng lớn ở nhà, trong khi đó người dùng trà trong nước ít người biết đến nó nên dần dần cách làm trà lam bị mai một, trà lam ống nứa dần hiếm xuất hiện trên thị trường. 

Bây giờ chỉ còn 1 xưởng nhỏ của cậu em tôi là khôi phục lại nghề làm trà lam ống nứa theo đúng cách của người Dao bằng đúng lá chè rừng Tây Côn Lĩnh. Thế nhưng sản lượng cũng không được nhiều. Cậu làm ngoài vì kinh tế ra, lý do chính vẫn là vì yêu trà và muốn lưu giữ lại 1 loại trà cổ quý hiếm của nước ta trước làn sóng trà tàu xâm nhập mạnh mẽ như hiện nay.

Ấm trà mới sao được vợ Dồn mang ra mời mọi người. Giữa cái lạnh tê tê của núi rừng, bên ánh lửa bập bùng, mùi hương trà rừng lan tỏa cả thơm nồng cả khoảng không gian nhỏ bé nơi góc bếp khiến câu chuyện giữa chúng tôi với gia đình Dồn càng thêm ấm cúng.

Cụ

Cụ Lý Văn Si, ông nội Dồn năm nay đã 90 tuổi.

Gia đình Dồn sống chung cả 4 thế hệ dưới mái căn nhà sàn mới dựng lại được 3 năm này. Ông nội Dồn năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn lắm. Năm ngoái ông vẫn lên núi hái chè với mọi người nhưng năm nay Dồn không cho ông đi nữa vì lo cho tuổi già của ông, thế nhưng ở nhà ông vẫn sắp xếp dọn dẹp nhà cửa cho con cháu.

Bố Dồn và Dồn đều là thợ mộc lành nghề nhất mấy bản vùng cao này, chuyên đi dựng nhà sàn cho người trong bản và cả những nhà ở dưới Nà Thác hay trên Lùng Vài. Mấy năm trở lại đây, bố Dồn tuổi đã cao, không leo trèo được nên không làm thợ nữa mà chỉ đi rừng hái chè. Nhà chỉ còn Dồn làm thợ. 

Những nếp nhà cũ...

Những nếp nhà cũ...

... đang dần được thay thế bằng những căn nhà mới, kiên cố hơn.

... đang dần được thay thế bằng những căn nhà mới, kiên cố hơn.

Nói là làm thợ nhưng Dồn là thợ cả, kiêm cả chủ thầu. Thợ mộc trên này rất được trọng dụng, nhà nào muốn mời thợ đến dựng nhà phải mang rượu đến tận nhà nhờ vả. Họ quan niệm gia đình họ có khỏe mạnh, làm ăn có may mắn hay không là nhờ sự mát tay của người thợ dựng nhà cho họ.

Mà kể cũng lạ, người Dao chỉ dựng nhà mới trong mùa xuân. Họ chuẩn bị gỗ lạt, vật tư cả năm để đến mùa xuân thì mời thợ về dựng nhà. Thế nên mùa xuân là mùa bận rộn của những người như Dồn. Tính ra mỗi mùa xuân, Dồn cũng dựng được dăm bảy nóc nhà cho bà con. Hết mùa dựng nhà, Dồn và anh em thợ lại trở về với việc đi rừng hái măng, lấy gỗ, hái chè và thảo quả.

Nụ cười trong lao động của người Dao.

Nụ cười trong lao động của người Dao.

Cuộc sống của người Dao ở Khuổi My dựa chủ yếu vào cây chè và thảo quả - 2 loại cây chủ yếu mang đến cuộc sống ấm no cho dân bản nhiều năm trở lại đây. Chỉ tính riêng năm 2017, doanh thu của cả bản với 59 hộ dân từ cây chè và thảo quả đã lên đến xấp xỉ 6 tỉ đồng.

Bây giờ ở Khuổi My, chuyện những hộ gia đình người Dao có cả tỉ đồng gửi tiết kiệm không còn là chuyện lạ. Cũng nhờ đó, con cái họ đến tuổi được đi học cái chữ ở trường nội trú dưới thành phố. Người ốm nặng còn được đi chữa bệnh ở bệnh viện lớn tận Hà Nội. 

Bình minh trên vùng cao Khuổi My.

Bình minh trên vùng cao Khuổi My.

Sau 1 đêm nghỉ ngơi lại sức, sáng sớm hôm sau, Dồn đưa chúng tôi thong thả cuốc bộ lên rừng. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi thấy Khuổi My dần hiện ra trong màn sương sớm. Khác với tất cả những bản làng miền núi mà tôi đã từng đi qua, Khuổi My sạch đẹp và văn minh hơn rất nhiều.

Ngay từ đầu bản đến tận cầu treo dẫn lên rừng nguyên sinh cuối bản, những con đường bê tông sạch sẽ chạy dọc trung tâm bản và len lỏi đến từng ngõ xóm. Những nếp nhà sàn mái lá xưa giờ đang dần được thay thế bằng những nếp nhà sàn khang trang hơn có mái ngói đỏ tươi với những chảo parabol truyền hình kỹ thuật số.

Hai cháu nhỏ được bà dẫn lên rừng lúc sáng sớm.

Hai cháu nhỏ được bà dẫn lên rừng lúc sáng sớm.

Dọc 2 bên đường là 2 hàng cây nhỏ, có cả những cây non chỉ cao ngang gang tay mới được trồng, trên đó kẹp tờ giấy ghi rõ tên người trồng. Ở đây, mỗi hộ gia đình sẽ tự trồng và chăm sóc một vài cây đào hoặc hoa ban trên đoạn đường qua trước cửa nhà mình để làm đẹp.

Cứ một đoạn người dân lại xây 1 cái bể rác công cộng bằng gạch pa-panh. Tôi để ý thấy người dân nơi đây rất ý thức trong việc vứt rác. Không có bất kỳ 1 chiếc túi nilon hay bất cứ 1 loại rác thải sinh hoạt nào bị vứt bừa bãi ra đường.

Những hố rác công cộng được bố trí dọc đường đi giúp Khởi My sạch đẹp và văn minh hơn cả các khu thành phố.

Những hố rác công cộng được bố trí dọc đường đi giúp Khởi My sạch đẹp và văn minh hơn cả các khu thành phố.

Ở Khởi My, không khó để bắt gặp những cái vợt lưới hứng dưới những đường ống nước thải từ các hộ dân ra hệ thống rãnh thoát nước chung của bản. Người ta đặt những lưới lọc này để lọc rác sinh hoạt còn sót lại trước khi nước thải được thoát ra hệ thống thoát nước chung.

Lưới lọc rác trước khi thải nước sinh hoạt ra môi trường.

Lưới lọc rác trước khi thải nước sinh hoạt ra môi trường.

Dừng chân bên con suối dưới chân cầu treo trên đường nối Khuổi My lên Lùng Vài, chúng tôi lấy túi trà hái lúc sáng sớm trên đường đi cho vào những ống nứa mà Dồn đã chặt sẵn rồi kê đá suối để bắc bếp đun trà.
Làn khói xanh từ cái bếp củi "dã chiến" quện với sương sớm khiến cho cây cầu treo Khuổi My mờ ảo như cổng đến thiên đường. 
Nhóm lửa đun chè bên suối.

Nhóm lửa đun chè bên suối.

Trong lúc nhâm nhi chén trà nóng hổi vừa được rót ra, cái vị chát, vị đắng nhẹ rồi sau đó cứ ngọt thỉu mang theo mùi hương thơm mộc mạc của trà, mùi ngai ngái ẩm mốc rêu phong của núi rừng quện với mùi hăng hăng của khói hòa cùng với âm thanh róc rách của suối, của chim rừng đủ loại đang líu lo trên những tán cây cao hay gù gù trong những bụi sim mua lúp xúp bỗng chốc biến thành 1 bản giao hưởng đầy đủ hương vị và âm sắc tuyệt vời của thiên nhiên. Nó có thể quyến rũ, lôi cuốn và khiến bất cứ kẻ yêu trà lãng du nào khó tính nhất cũng phải đắm say.

Và giờ đây, giữa cái náo nhiệt của chốn đô thành, khi tôi ngồi viết những dòng hồi tưởng này, cái cảm giác hư ảo huyền diệu ấy lại trỗi dậy, thôi thúc tôi lên đường đến với Hà Giang, đến với trà rừng Tây Côn Lĩnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top