Aa

“Liều” như cò đất Đà Nẵng

Thứ Sáu, 16/11/2018 - 14:01

“Liều” như cò đất Đà Nẵng; “Thủ đô resort”: Cái khó của Bình Thuận; Quy hoạch đô thị không thể theo "nhiệm kỳ";... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

“Liều” như cò đất Đà Nẵng

Đầu tháng 11, Phòng Quản lý đô thị, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng đã phát đi thông báo cho biết, công văn có nội dung Chủ tịch TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phê duyệt chủ trương xây dựng cầu Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được phát tán trên mạng xã hội là giả mạo.

Theo đó, văn bản giả mạo có số ghi trên công văn là 738/2018/UBND-XDCB ngày 31/10/2018 do Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký với tiêu đề “V/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”. Nơi gửi đến của văn bản giả này là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, UBND quận Cẩm Lệ, UBND quận Ngũ Hành Sơn.

Khu vực được cò đất tung tin xây cầu Bùi Tá Hán tại khu Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Khu vực được cò đất tung tin xây cầu Bùi Tá Hán tại khu Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

“Đây chỉ là văn bản giả mạo, không phải văn bản thật. Mục đích của việc tung tin và đăng tải văn bản này của người đăng với ý đồ tạo cơn sốt đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang vào cuộc", Phòng Quản lý đô thị Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng khẳng định.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng cho hay:“ Hoàn toàn không có quyết định nào về việc phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng cầu nối đường Bùi Tá Hán cả. UBND Thành phố đang giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các sở ban ngành liên quan (về phương án kiến trúc, quy hoạch, công trình trên địa bàn thành phố - PV), chứ hiện nay chưa có gì”.

Thông tin thêm, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân hiện nay mới chỉ là ý tưởng chứ không có trong quy hoạch chung của Thành phố. Hện nay, cơ quan chức năng đang điều tra đối tượng tung văn bản giả mạo lên mạng xã hội.

Xem chi tiết tại đây.

Quy hoạch đô thị không thể theo "nhiệm kỳ"

Tại Hội thảo "Quy hoạch đô thị TP.HCM - Thực tiễn và cơ hội đầu tư" vừa diễn ra tại TP.HCM, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy hoạch đô thị hiện nay luôn thay đổi theo chu kỳ, nhiệm kỳ 5 năm 1 lần, làm thay đổi quy hoạch tổng thể không nhất quán. Do vậy, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có tâm lý e ngại, không dám đầu tư mạnh.

Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Sinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh của IMM Group cho biết, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường khiến doanh nghiệp bị động. Các đối tác nước ngoài thường hỏi cặn kẽ về các quy hoạch của Thành phố và thời gian hoàn thiện quy hoạch. Tuy nhiên, câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời đáp rõ ràng.

“Rất khó thuyết phục khối ngoại tham gia các dự án đầu tư tại TP.HCM khi các quy hoạch của Thành phố không rõ thời gian hoàn thành”, đại diện IMM Group nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho rằng, Thành phố đang phải chi hàng nghìn tỷ đồng chỉ để giải quyết các vấn đề đô thị do quá khứ để lại. Nếu có tầm nhìn dài và có quy hoạch tốt, thì đã không phải dùng quá nhiều ngân sách để khắc phục những hậu quả này.

Quy hoạch đô thị liên tục thay đổi gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào TP.HCM

Quy hoạch đô thị liên tục thay đổi gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào TP.HCM

Tương tự, theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trức TP.HCM, Thành phố hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh những vấn đề mang tính chất thời sự như tăng dân số cơ học nhanh, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường..., TP.HCM còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún đô thị, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp số.

“Thời gian qua, chúng ta đã tập trung và kỳ vọng vào công việc lập các đồ án quy hoạch, trong đó đã đưa ra được mục tiêu, nội dung, kế hoạch mong muốn, dự kiến thực hiện. Tuy nhiên, chưa kịp thời xây dựng chiến lược phát triển đô thị và chính sách phát triển đô thị. Theo đó, chiến lược phát triển đô thị vạch ra các mục tiêu, kế hoạch để thực hiện, nguồn lực cần huy động, giải pháp lớn để thực hiện. Chính sách phát triển đô thị đưa ra các hệ thống văn bản làm công cụ quản lý, hình thành bộ máy quản lý thực hiện để triển khai chiến lược đó”, ông Thảo nói.

Trước đó, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, hệ thống đường giao thông của Thành phố hiện nay còn thiếu so với yêu cầu phải đáp ứng trong giai đoạn này của quy hoạch.

Xem chi tiết tại đây.

“Thủ đô resort”: Cái khó của Bình Thuận

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận thừa nhận, bất động sản du lịch tỉnh chưa thực sự “cất cánh” là có những cái khó riêng.

Ông Hùng cho biết, kể từ sự kiện Nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995, hàng trăm ngàn người dân khắp nơi đổ về Phan Thiết để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Từ đó tiềm năng du lịch của Bình Thuận đã được đánh thức và vươn lên đầy ấn tượng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tốc độ phát triển không được như kỳ vọng ban đầu.

Ông Hùng cho rằng, Bình Thuận ngoài những mặt lợi rất cơ bản thì cũng có những cái khó riêng.

Hệ thống đường giao thông đối nội được Bình Thuận ưu tiên triển khai

Hệ thống đường giao thông đối nội được Bình Thuận ưu tiên triển khai

Trước hết là hệ thống giao thông đối ngoại của Bình Thuận là một trong những vấn đề cần phải quan tâm. Bình Thuận quyết tâm trong một tương lai không xa sẽ phải hình thành sân bay, sân bay ở đây không phải chỉ phục vụ cho khu vực lân cận mà mong muốn có sân bay để đón khách quốc tế và các du khách trên mọi miền tổ quốc. Nếu có sân bay sẽ rút ngắn được thời gian du khách tới Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng.

Song song với sân bay tỉnh chú ý một phương tiện nữa là đường cao tốc. Hiện nay, trung ương đã có chủ trương và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo từ các bộ ban ngành. Trong tương lai không xa sẽ hình thành đường cao tốc Dầu Giây đến Nha Trang và tuyến đầu tiên là Dầu Giây đi Phan Thiết sẽ hình thành.

“Hiện nay đi từ TP.HCM ra Phan Thiết là mất khoảng bốn tiếng, nếu đi với mức độ bình thường nhưng nếu trên đường Dầu Giây - Phan Thiết có đường cao tốc rồi thì mọi người có thể đi từ TP.HCM ra Phan Thiết chỉ hai tiếng đồng hồ. Vì vậy du khách có thể đến Bình Thuận nghỉ dưỡng cuối tuần” – ông Hùng cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội xử lý vi xây dựng còn né tránh và đùn đẩy trách nhiệm

Tại buổi tọa đàm về quản lý trật tự xây dựng Hà Nội-Thách thức và giải pháp, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị tuy đã có những chuyển biến trong thời gian gần đây, nhưng diễn biến vẫn còn khá phức tạp. Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn chưa có hướng xử lý triệt để. Trong khi đó, lực lượng Thanh tra Xây dựng (TTXD) tại Hà Nội liên tục thay đổi mô hình tổ chức, từ chỗ thí điểm có lực lượng TTXD cấp phường, xã, sau đó lại đưa lực lượng này về trực thuộc Sở Xây dựng. Mới đây, thành phố tiếp tục tổ chức lại lực lượng này, bàn giao cho các quận, huyện quản lý.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 9.318 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 606 trường hợp. “Ở một vài nơi, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị xảy ra mặc dù đã được phát hiện, lập hồ sơ, nhưng việc xử lý chưa kiên quyết, kịp thời, diễn biến phức tạp, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân”, ông Hùng chia sẻ.

606 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2018.

606 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ thêm, qua nhiều năm thí điểm, các mô hình tổ chức trước đây bộc lộ nhiều vướng mắc và hạn chế trong quá trình hoạt động. Cụ thể như: Chưa gắn kết phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm xảy ra thường xuyên dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao, nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị xảy ra, diễn biến phức tạp, nhiều công trình vi phạm về trật tự xây dựng được báo chí và cơ quan chức năng phát hiện, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

“Chính vì vậy, UBND Thành phố đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018, có hiệu lực từ ngày 10/8/2018 về việc Thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội trong vòng 02 năm và Thủ tướng đã giao cho Hà Nội sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả của mô hình trên”, ông Hùng nói.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà ở bình dân: “Nếu chỉ hô hào “thúc đẩy phát triển” thì rất khó

Tại Hội thảo "Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít - vì sao?" do báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt tổ chức sáng 15/11, theo nhận định chung của đa số chuyên gia, nhà khoa học là nhu cầu nhà ở cho người dân ở phân khúc bình dân đang rất lớn hiện nay, chiếm tới 60 - 70% tổng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, nguồn cung nhà giá rẻ dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm.

Có rất nhiều nguyên nhân hạn chế sự phát triển của nhà giá thấp và thị trường nhà giá thấp như chính sách không xây nhà diện tích nhỏ; quỹ đất 20% hạn chế; tín dụng ngân hàng ít và điều kiện khó khăn… Tuy nhiên, có thể thấy rằng đây là những nút thắt đã được bàn rất nhiều lần trong các hội thảo khoa học nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng nhất cho phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.

Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản: “Phân khúc nhà ở bình dân có nghĩa là nhà ở có giá vừa phải cho đối tượng thu nhập thấp, trong đó bao gồm cả nhà ở xã hội. Nhìn từ thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp chưa mặn mà do đòi hỏi ưu đãi hơn nữa. Nhưng thực tế, đất nước đang trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể thực hiện bao cấp mãi, nghĩa là hỗ trợ quá nhiều cho doanh nghiệp làm nhà ở thu nhập thấp”.

Mặt khác, ông Phấn cho rằng, doanh nghiệp “kêu” nhiều nhất không phải chính sách đất đai mà là tín dụng, chưa bố trí được tiếp nguồn vốn vay. Hiện nay, ngân sách mới chỉ bố trí được cho ngân hàng chính sách xã hội hơn 1.100 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018 mới bố trí được 500 tỷ đồng. Nếu theo quy định của pháp luật hiện nay, cấp như vậy thì ngân hàng chính sách phải huy động được thêm 500 tỷ nữa. Điều đó có nghĩa là một số ngân hàng thương mại chưa được ngân sách bố trí nguồn vốn để thực hiện cho vay. Có ngân hàng thương mại phải bù lãi suất thì mới hỗ trợ cho cả chủ đầu tư và người mua nhà vay.

Ông Phấn nhận định: “Hiện nay, mới chỉ có các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà cho người có công, nhà ngập lũ, nhà ở cho công nhân…Trong khi hỗ trợ nhà ở thương mại bình dân cũng rất cần để khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, nếu chỉ hô hào “thúc đẩy phát triển” thì rất khó có kết quả mà thực sự cần những hành động rõ ràng hơn”.

Xem chi tiết tại đây.

Dự án HUD3 Nguyễn Đức Cảnh (Hà Nội): Thi công gây nứt nhà, tính mạng người dân bị đe dọa

Dự án Công trình hỗn hợp Văn phòng dịch vụ nhà ở cao tầng (gọi tắt là Dự án) do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng HUD3 làm CĐT. Dự án có tổng diện tích đất 6.163,6m2, diện tích xây dựng 2.670 m2. Chiều cao công trình 21 tầng và 2 tầng hầm. Trong quá trình thi công xây dựng Dự án, CĐT liên tục bị “tố” làm lún, nứt hàng chục căn nhà của người dân xung quanh.

Bà Nguyễn Thu Thảo (ngõ 22 phố Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Dự án tại số 60 Nguyễn Đức Cảnh thi công từ năm 2016 đã gây lún, nứt nghiêm trọng nhà các hộ dân xung quanh. Cụ thể, nhà tôi bị thiệt hại nặng nề nhất, vì công trình thi công cao 21 tầng cộng với 2 tầng hầm. Ngoài ra, CĐT còn xây thêm bể nước ngầm ngay sát móng nhà gia đình tôi. Suốt thời gian qua gia đình tôi sống trong cảnh lo âu nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào”.

Theo khảo sát, căn nhà của gia đình bà Thảo bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, kết cấu của ngôi nhà như: tường, trần, dầm, cột, cầu thang ở các tầng đều bị lún, nứt và có hiện tượng thấm nước.

Bà Thảo chia sẻ thêm: “Trước đây, tường không có hiện tượng nứt nhiều như thế. Sau một thời gian thi công dự án, tôi thấy toàn bộ trần nhà và tường nứt hết như là mạng nhện. Ban đầu tôi thấy nứt ít, dần thấy nứt nhiều và vết nứt to ra, trên tường có nhiều chỗ thấm và nhỏ nước. Toàn bộ ngôi nhà đều ở tình trạng như thế, kể cả cầu thang cũng nứt ngang và toàn bộ dầm bị xé hết. Tình trạng nứt trầm trọng hơn kể từ khi CĐT xây bể nước sinh hoạt hơn 700 khối ngay sát nhà tôi”.

Theo hồ sơ, Biên bản khảo sát hiện trạng công trình (ngày 27/6/2018) được lập với sự có mặt của bà Thảo và đại diện phía CĐT (Ông Đinh Hoàng Tùng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng HUD3), cùng UBND phường Tương Mai có ghi nhận, hiện trạng căn nhà 5 tầng bị lún, nứt nhiều vị trí.

Tại biên bản này, bà Thảo cũng đề nghị dừng ngay việc thi công công trình để giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ, đền bù cho gia đình. “Do nhà tôi bị nứt ngày một nghiêm trọng nên gây nguy hiểm tới tính mạng và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của gia đình”, bà Thảo có ý kiến tại văn bản trên. Vậy nhưng, bà Thảo cho biết, sau ngày lập biên bản (27/6/2018) Dự án trên vẫn thi công bình thường mà không bị đình chỉ và đến nay đã hoàn thiện phần thô. 

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top