Aa

Lộ diện loạt khu đất "vàng" TP.HCM muốn hoán đổi để lấy cây cầu 5.200 tỷ đồng

Thứ Năm, 05/10/2017 - 14:01

Lộ diện loạt khu đất "vàng" TP.HCM muốn hoán đổi để lấy cây cầu 5.200 tỷ đồng; Thị trường BĐS Hà Nội, sự điều chỉnh cần thiết; Nguồn cung biệt thự đạt kỷ lục kể từ năm 2000; Lừa "ăn theo" BĐS; Hà Nội: Chung cư đổ bộ nguồn cung, nhà đất ven đô sôi động;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Lộ diện loạt khu đất "vàng" TP.HCM muốn hoán đổi để lấy cây cầu 5.200 tỷ đồng

UBND TP.HCM cho rằng việc đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là rất cần thiết và cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các Quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn Quận 4, Quận 7.

Đồng thời kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của TP và Quận 4, Quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Nam Thành phố; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.HCM.

Quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần chi phí xây lắp và thiết bị của dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bao gồm 11 lô đất.

Quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần chi phí xây lắp và thiết bị của dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bao gồm 11 lô đất.

Do tính cần thiết, cấp bách triển khai dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, chấp thuận một số nội dung.

Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức đối tác công - tư (Hợp đồng BT) và cho phép UBND TP.HCM được quyết định phương án lựa chọn Nhà đầu tư (Liên danh gồm: Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 - Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận) thực hiện dự án, theo thẩm quyền được quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường BĐS Hà Nội, sự điều chỉnh cần thiết

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam cho biết, nhu cầu với căn hộ thuộc phân khúc giá rẻ rất lớn, nhưng nguồn cung nhà giá rẻ tại Hà Nội hiện nay không nhiều. Dù không truyền thông nhiều, nhưng do đánh trúng vào phân khúc nhiều người cùng có nhu cầu, nên các dự án nhà giá bình dân được săn đón khá kỹ.

Phân khúc nhà liền thổ ở phía Tây Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của người mua. Ảnh: Dũng Minh.

Phân khúc nhà liền thổ ở phía Tây Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của người mua. Ảnh: Dũng Minh.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Nam Thăng Long, chủ đầu tư Dự án Startup Tower cho biết, để tạo sức hút, các dự án hiện nay cũng có thêm các chương trình hỗ trợ cho các gia đình trẻ, với tổng mức thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Cụ thể, người mua nhà chỉ cần có khoảng 25 - 30% giá trị căn hộ ban đầu có thể sở hữu được căn nhà, phần còn lại được ngân hàng cho vay với chương trình hỗ trợ lãi suất 0% từ 12 - 18 tháng. Nhờ đó, giảm được áp lực tài chính cho người mua nhà.

Trong nửa cuối năm 2017, theo đánh giá của bà An, nguồn cung nhà giá bình dân tiếp tục sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi thời điểm cuối năm thường là chu kỳ mua nhà nhiều nhất của người dân. Ngoài các dự án của một số chủ đầu tư quen thuộc, sẽ có thêm nhiều gương mặt mới, trong đó có cả những doanh nghiệp tầm cỡ với kế hoạch nhà bình dân đã công bố từ cuối năm ngoái và chuẩn bị ra mắt.

Xem chi tiết tại đây.

Lừa "ăn theo" BĐS

Ông Hồ Nguyên Trưởng, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản LinkHouse miền Trung, chia sẻ: Hiện có 2 xu hướng khách hàng mua BĐS ở các sàn giao dịch và khách mua sản phẩm lẻ ngoài thị trường. Phương án 1 luôn an toàn hơn bởi công ty BĐS, sàn giao dịch, đơn vị môi giới có pháp nhân, được chủ đầu tư ủy quyền. Nhưng thực tế, các giao dịch tự do ngoài thị trường luôn chiếm số lượng lớn hơn, do đó người mua cần làm rõ vấn đề pháp lý của sản phẩm (như gặp chính chủ, xem giấy tờ gốc, kiểm tra hiện trạng sản phẩm từ chủ đầu tư, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất...).

Ông Cao Lê Quang Phương, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ kết nối bất động sản (Connect Land), cũng khẳng định, nếu giao dịch với người môi giới cần xem hợp đồng ủy quyền từ chủ đầu tư, đặt cọc có phiếu thu. Với những người làm dịch vụ BĐS nghiêm túc, họ thường để cho chủ đất nhận tiền cọc chứ ít khi nhận thay để tránh hệ lụy.“

Giá cả BĐS đã có thị trường quyết định. Trong bối cảnh BĐS đang sốt hiện nay, người mua đừng ham những tin rao bán rẻ mà sập bẫy, đồng thời tuyệt đối tránh những tin đồn vỉa hè mà đón đầu dự án. Bởi tất cả những thông tin dự án được phê duyệt đều được chính quyền công bố công khai”, ông Phương nói.

Xem chi tiết tại đây.

Nguồn cung biệt thự đạt kỷ lục kể từ năm 2000

Theo JLL, trong quý 3/2017, nguồn cung mới phân khúc biệt thự, nhà phố tại TP.HCM đã đạt 1.389 căn, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung chủ yếu đến từ Thủ Đức, quận 9 và Bình Chánh.

Đáng chú ý, lượng bán phân khúc biệt thự cũng đạt 1.429 căn, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 56% giao dịch diễn ra quanh mức 350.000 USD/căn.

Nguồn cung biệt thự đạt kỷ lục.

Nguồn cung biệt thự đạt kỷ lục.

JLL cho biết, giá bán sơ cấp phân khúc biệt thự quý này đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với nhu cầu cao ở cả hai xu thế mua để ở và đầu tư. Tuy nhiên, ở thị trường thứ cấp, giá bán phân khúc này lại giảm 3,6% so với quý trước, do sự gia nhập của nhiều dự án mới với mức giá thấp hơn mức giá trung bình của thị trường.

JLL cho rằng trong quý 4/2017, nguồn cung phân khúc biệt thự sẽ đạt khoảng 1.300 căn. Đây là nguồn cung kỷ lục từ năm 2000 đến nay.

Trong khi đó, ở thị trường căn hộ, xét trên toàn thị trường lượng mở bán mới trong quý 3/2017 đạt 11.744 căn, tăng 53,9% so với quý trước và tăng 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án này chủ yếu đến từ phân khúc trung cấp với 6.163 căn chào bán.

Xem chi tiết tại đây.

Kiếm bộn tiền nhờ săn nhà trung tâm làm ký túc xá cho thuê

Anh Đinh Gia Tuấn ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), một nhà đầu tư có kinh nghiệm trong mô hình này cho biết, anh tìm các nhà nguyên căn đang rao cho thuê từ 3 - 6 tầng, ở trong hẻm gần các trường đại học, gần trong trung tâm thành phố, thương lượng thuê giá mềm và dài hạn. 

Trong các phòng được anh sửa sang, bố trí lại kê giường 3 tầng, lắp máy lạnh, wifi, trang bị tủ quần áo, tủ có khóa. Tầng trệt anh dùng làm nơi để xe, kệ dép, có bếp nấu ăn chung được trang bị bếp gas, kệ và trên sân thượng có sân phơi rộng rãi. 

Loại hình ký túc xá mini tư nhân đang phát triển mạnh tại TP.HCM.

Loại hình ký túc xá mini tư nhân đang phát triển mạnh tại TP.HCM.

Có 3 loại phòng, gồm phòng 8 giường, 12 giường và 16 giường, giá thuê bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Giá này là vừa túi tiền của sinh viên, sinh viên mới ra trường đi làm là những đối tượng chưa dồi về tài chính, nên luôn kín giường. 

Còn anh Đỗ Hoàng Quân ở quận Phú Nhuận, nhà đầu tư có 3 năm kinh nghiệm trong loại hình này cho biết, thay vì phải cố gắng vay mượn để có số tiền lớn mua đất xây nhà cho thuê, rồi gồng mình trả lãi ngân hàng, thì loại hình đầu tư này khá an toàn, phù hợp với người bắt đầu khởi nghiệp với số vốn vài trăm triệu.

Đến thời điểm hiện tại, anh đang vận hành chuỗi 5 ký túc xá mini chỉ cho sinh viên, sinh viên mới ra trường đi làm thuê. Lợi nhuận trung bình 15%, có thể lên đến 25 - 30%/năm, thời gian hoàn vốn ngắn. “Việc di chuyển từ trung tâm về các quận huyện vùng ven và ngược lại tốn nhiều thời gian, chi phí…

Chính vì vậy, rất nhiều sinh viên, sinh viên mới ra trường đi làm chọn thuê ký túc xá ở trung tâm thành phố, vừa tiết kiệm chi phí, không sợ kẹt xe, lại đỡ tốn thời gian đi lại”, anh Quân cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội: Chung cư đổ bộ nguồn cung, nhà đất ven đô sôi động

Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội, thị trường nhà ở gắn liền với đất đang có những xu hướng mới đáng chú ý. Cụ thể, theo quan sát hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng chọn liền kề ven đô- một xu thế nổi bật trên thị trường bất động sản thế giới.

Theo thống kê của CBRE, tính từ đầu năm tới nay, đã có tổng số hơn 2.600 căn biệt thự, nhà liền kề được mở bán, bằng 59% tổng số căn mở bán của năm ngoái. Khu vực phía Tây vẫn được ghi nhận là khu vực có nguồn cung mới nhiều nhất, chiếm 50% tổng nguồn cung mới toàn thị trường tính đến thời điểm hiện tại.

Số lượng căn mở bán mới theo phân khúc tại Hà Nội (Nguồn CBRE).

Số lượng căn mở bán mới theo phân khúc tại Hà Nội (Nguồn CBRE).

Trên thị trường thứ cấp, giá bán đã giảm 3,3% so với quý trước, đạt mức 3.790 USD/m2. Các quận như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai ghi nhận mức giảm từ 1,7% đến 7% so với quý trước.

Trong khi đó, các quận có nhiều dự án mới chất lượng cao mở bán gần đây như Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và Long Biên lại ghi nhận mức tăng giá thứ cấp từ 0,4% đến 4% so với quý trước. Ngoài khu vực trung tâm, khu vực phía Tây được ghi nhận là nơi có mức giá thứ cấp cao nhất, và cao hơn hơn mức trung bình thị trường hiện tại.

Ghi nhận trên thị trường, sau thời gian trầm lắng, giá đất khu vực phía Tây đã tăng trở lại, đơn cử như Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất… Khu vực này có chiều hướng tăng từ khi nghe thông tin Hoài Đức sắp lên cấp quận.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top