Aa

Lộ diện "tay to" thâu tóm trong ngành thép?

Thứ Ba, 07/03/2017 - 14:01

Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, CTCP Thương mại Thái Hưng liên tục mua vào một lượng lớn cổ phiếu VIS và TIS. Việc Thái Hưng trở thành cổ đông lớn đã khiến giá hai cổ phiếu trên tăng mạnh.

Ngày 21/2/2017, CTCP Thương mại Thái Hưng mua 14,1 triệu cổ phiếu TIS và trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên-TISCO (TIS – UpCOM) khi nắm 5% vốn điều lệ.

Hiện, TIS có các cổ đông lớn là Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) nắm 42,11%; SCIC nắm 35,21%; Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng nắm 11,3%; Thái Hưng nắm 5% và Vietinbank nắm 3,52%.

Kết thúc năm tài chính 2016, TIS đạt doanh thu 8.578 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2,2 tỷ đồng. Trong khi năm 2015, công ty lỗ gần 27 tỷ đồng. Được biết, công suất sản xuất thép cán hiện tại đạt 650.000 tấn/năm, hệ thống phân phối sản phẩm rộng với 5 chi nhánh đặt tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, văn phòng bán hàng tại TP Hồ Chí Minh.

Tisco được đánh giá là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm 1959, là khu Công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép.

Ngày 29/9/2007, Công ty đã khởi công thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, nhằm nâng cao năng lực sản xuất phôi thép và thép cán từ nguyên liệu trong nước lên 1 triệu tấn/năm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đưa Tisco trở thành một trong những nhà sản xuất thép có quy mô, công nghệ và thiết bị tiên tiến trong khu vực. Một luồng tin cho hay, việc thoái vốn Nhà nước ở Tisco trong thời gian tới đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư do gần đây công ty đã có lợi nhuận, hoạt động hiệu quả hơn.

Trong hơn 2 tháng, giá cổ phiếu TIS tăng gần 60%. Từ giữa tháng hai trở lại đây, giá cổ phiếu TIS đã vượt khỏi ngưỡng 10.000 đồng/CP. Giá cổ phiếu TIS hiện tại giao động quanh mức 10.300 – 10.600 đồng/CP.

Thực tế, việc trở thành cổ đông lớn của TIS đã khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về câu chuyện thâu tóm của Thái Hưng. Trước đó, doanh nghiệp này đã liên tiếp mua vào lượng lớn cổ phiếu của một doanh nghiệp thép khác và nắm quyền chi phối tại đây.

Cụ thể, tháng 8/2016, Thái Hưng mua 9,85 triệu cổ phiếu VIS từ Tổng công ty Sông Đà khi đơn vị này thoái vốn khỏi Thép Việt Ý, nâng tổng lượng sở hữu sau giao dịch lên 12,3 triệu cổ phiếu.

Không lâu sau đó, tháng 10/2016 Thái Hưng chào mua công khai gần 12,8 triệu cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý nhằm nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên hơn 25,09 triệu đơn vị tương ứng tỷ lệ sở hữu 50,98%.

Cũng từ quý 3/2016, kết quả kinh doanh của VIS tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, quý III/2016, công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng doanh thu và quý 4 tăng lên 1.431 tỷ đồng doanh thu. Cũng trong quý IV, VIS lãi trước thuế 41,19 tỷ đồng. Trong khi quý IV/2015, công ty lỗ 26,2 tỷ đồng quý 4/2015. Trong hơn 2 tháng tính đến ngày 01/03/2017, TIS tăng gần 60% lên 10.300 đồng/cp.

Thái Hưng là ai?

Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng được thành lập ngày 22 tháng 5 năm 1993 theo Quyết định số 291/QĐ-UB của UBND tỉnh Bắc Thái, nay là tỉnh Thái Nguyên. Sau 10 năm hoạt động, năm 2003, Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng chính thức chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Thái Hưng hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề. Trong đó có 3 nhóm ngành nghề chính là sản xuất phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng. Kinh doanh thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản. Dịch vụ vận tải, khách sạn, nhà hàng...

Công ty đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Tổng số lao động hơn 500 người. Doanh thu hàng năm đạt khoảng từ 15.000 đến 18.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 550 đến 650 tỷ đồng mỗi năm. Công ty có mối quan hệ tin cậy với gần 1.000 đối tác khách hàng trong cả nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top