Aa

Lỗ hổng quản lý sau hàng loạt vụ sập nhà

Thứ Hai, 08/08/2016 - 06:31

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ sập nhà gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này bộc lộ những hạn chế trong công tác quản lý xây dựng đô thị từ các cơ quan chức năng.

Liên tiếp những vụ sập nhà

Vào khoảng 3 giờ 30 phút sáng ngày 4/8, ngôi nhà 4 tầng tại địa chỉ 43 Cửa Bắc đã bị đổ sập hoàn toàn. Chủ ngôi nhà là ông Trần Anh Tuấn (SN 1964, HKTT 64 Hàm Long). Ngôi nhà thường ngày được làm nơi sản xuất kinh doanh thực phẩm ăn uống.

Theo báo cáo của Công an quận Ba Đình, tại căn nhà bị sập số 43 phố Cửa Bắc có 9 người tạm trú. Khi xảy ra sự cố, có 4 người tự thoát ra ngoài; 5 người bị mắc kẹt trong khu nhà sập. Đến 9 giờ sáng ngày 4/8, có 3 người lần lượt được đưa ra khỏi khu vực nhà sập, được tiến hành sơ cứu, cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn, Việt Đức. Đến 11 giờ 30 phút, hai nạn nhân cuối cùng được đưa ra là anh Nguyễn Văn Quang và chị Nguyễn Thị Hằng được xác định là đã tử vong.

Nguyên nhân ban đầu được các cơ quan chức năng xác định là do nhà số 41 Cửa Bắc liền kề với số nhà 43 đang thi công đào móng sâu 2 mét, nhưng thiếu các biện pháp thi công kè chông sạt lở, dẫn đến nhà 43 bị sập trong đêm.

Vụ sập nhà 105 Trần Hưng Đạo khiến 2 người tử vong.

Vụ sập nhà 105 Trần Hưng Đạo khiến 2 người tử vong.

Trước đó, vào hồi 12 giờ 45 phút ngày 22/9/2015, ngôi nhà 2 tầng được xây dựng từ thời Pháp thuộc tại số 105 - 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm bất ngờ đổ sập.

Đây là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình, nên khi xảy ra sập nhà, có nhiều người đang ở nhà. Lực lượng chức năng đã huy động 10 xe cứu hỏa, 5 xe cứu thương tới hiện trường cứu nạn cứu hộ. Nạn nhân cuối cùng được tìm thấy lúc 17 giờ 45 phút cùng ngày nhưng đã tử vong. Số người chết trong vụ sập biệt thự Pháp cổ là 2 người, số người bị thương là 6 người.

Về nguyên nhân vụ đổ sập, các cơ quan chức năng xác đinh do trời mưa lâu ngày làm thấm dột và do ngôi nhà quá cũ nên đã bị sập phần mái và tường tầng 2. Khung nhà tầng 1 vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà này được Tổng Công ty Đường sắt sử dụng từ sau năm 1955, nhiều lần được sửa chữa, gia cố lắp mái tôn để chống dột…

Vào khoảng 16 giờ 30 phút chiều ngày 31/3/2011, ngôi nhà 5 tầng số 49 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đai bất ngờ đổ sập hoàn toàn.

Cả tòa nhà đổ nghiêng và sụp về phía bên trái theo chiều tòa nhà, rất may có sự cảnh báo trước nên không có thiệt hại về người. Tòa nhà trên gồm 5 tầng, một tum, đang trong quá trình hoàn tất để chuẩn bị khai trương.

Về nguyên nhân vụ sập được các chuyên gia xây dựng đánh giá là do ngôi nhà được xây dựng đã lâu nên do hiện tượng cơi nới và trong quá trình cải tạo đã thay đổi kết cấu chịu lực của tầng 1 dẫn đến bị đổ. Nhà sập 5 tầng nhưng được cơi nới lên làm 6 tầng có tải trọng nhẹ. Ngoài ra còn bể nước ở phía trên gây nên khả năng lệch tâm lớn, và việc chủ nhà cơi nới, cải tạo tầng 1 để lấy không gian rộng hơn.

Việc phá tường gạch thay vào đó là dùng những mặt kính nhằm tạo tiếp cận với bên ngoài tốt hơn sẽ dẫn đến việc làm thay đổi chịu tải của tầng một. Quá trình sửa chữa tạo ra sự lệch tâm ở trên cho nên tạo mô men uốn càng lớn, khiến tải trọng đè xuống cột càng lớn, cuối cùng dẫn đển đổ sập. Hiện tượng này không chỉ gây sập mà vừa sập vừa nghiêng. Nghiêng trước rồi mới đổ sập.

Lộ lỗ hổng quản lý

Từ những dấn chứng trên có thể thấy, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ sập nhà dân sinh, hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong, các công trình liền kề bị hư hỏng nặng. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác quản lý xây dựng đô thị, chất lượng các công trình xây dựng nhà ở dân sinh tại Hà Nội.

Ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chúng ta đã đổ một nhà ở Huỳnh Thúc Kháng rồi đến biệt thự Pháp cổ ở Trần Hưng Đạo. Trong vụ sập nhà phố Cửa Bắc, nhà đó vẫn đứng nếu nhà hàng xóm không thay đổi hiện trạng. Việc thay đổi hiện trạng các công trình trong khu vực phố cổ có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm.

Về việc thay đổi hiện trạng các công trình trong khu vực phố cổ, ông Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội phân tích, ở khu phố cổ nhà nọ chen nhà kia, nhà kia đỡ nhà này nên khi đào móng nhà bên cạnh cũng có thể ảnh hưởng đến móng nhà bên này. Nhiều ngôi nhà ở đây có tuổi thọ từ rất lâu tất cả mọi thứ đều yếu từ vữa xây, cát đến việc xuất hiện hiện tượng nứt nẻ. Độ chắc chắn không có nhiều. Có thể nếu không có đụng chạm gì thì nó còn tồn tại bây giờ nếu tạo hiện tượng sụt móng thì sẽ bị mất cân bằng và sẽ sập.

Lực lượng chức năng cứu nạn vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc.

Lực lượng chức năng cứu nạn vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc.

“Vấn đề xây chen trong phố cổ phải rất thận trọng có thể gây ra hiện tượng lún móng kéo nhà bên kia. Nhà bên cạnh xây chen khoét móng, khoét sâu hơn trong khi nhà đó đã đến giới hạn chịu đựng thì chỉ cần có một việc tạo ra sự mất cân bằng sẽ đổ sập nhà là bình thường” – ông Hùng nói.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, không ai mong nhà sập nhưng việc sập nhà ở Hà Nội là điều không bất ngờ. Theo ông Tùng, đặc trưng của Hà Nội không phải là khu đô thị mà nhà phố có rất nhiều loại công trình xây tựa vào nhau, xây chen vào nhau. “Nó như rừng cây, cây nào cũng muốn vươn cao, còn cây yếu thì bị đổ. Không thể trách người dân bởi mỗi người mỗi cảnh, có nhà xây từ lâu với tuổi thọ lâu đời nhưng không phải ai cũng đập đi xây lại được cho nên quản lý những đô thị cổ, cũ và mới phải có quy chế quản lý rất rõ” – vị này đặt vấn đề.

Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Hà Nội có phân cấp quản lý cho các đơn vị. Vấn đề cho cải tạo nhưng họ lại xây mới. Vậy ai là người kiểm tra việc thực hiện này?

“Đầu tiên phải quy định rõ anh được giấy phép gì dù là cải tạo hay xây mới đều phải trình với phường trước khi khởi công. Giấy phép cải tạo nhưng lại phá đi làm móng thì phường kiểm tra biết ngay. Sau khi kiểm tra phải lập tức báo cáo lên quận xử lý ngay chứ không để hậu quả xảy ra như thế. Có bổ nhát cuốc đầu tiên hay phá mảnh tường đầu tiên đều phải có báo cáo. Phường thì ở ngay đó chứ có ở xa đâu. Đi qua hàng ngày sao lại không biết. Họ làm mà phường không hỏi đến? Ai muốn làm gì thì làm không hỏi đến thì anh làm gì?” – ông Liêm nêu ý kiến.

Trong khi đó, theo KTS Phạm Thanh Tùng, khi cấp phép xây dựng thì dứt khoát đối với những công trình liền kề trong các khu phố cũ bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường của nhà đó xem có ảnh hưởng đến nhà bên cạnh không. Phải kiểm tra được biện pháp thi công nữa. Đây là nguyên tắc. “Cho nên quản lý xây dựng phải rất chặt chẽ chứ không phải là một vài văn bản. Và đồng thời thanh tra xây dựng phải có chuyên môn không phải chỉ kiểm tra có cái giấy phép là đi về. Chúng ta thanh tra xây dựng đang làm theo kiểu có giấy phép là đi về chứ không có phát hiện” – vị Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tùng, ở nước ngoài, cơ quan quản lý đều có dữ liệu về lai lịch, thiết kế của từng ngôi nhà, tuyến phố. Còn ở đây nhà đổ sập rồi mới cãi nhau, cái đó là chúng ta đi giải quyết hậu quả chứ không phải ngăn ngừa. Hà Nội phải coi ngôi nhà như một bệnh nhân, phải có sổ y bạ cho từng ngôi nhà./.

Khởi tố hình sự vụ sập nhà 43 Cửa Bắc

Sáng 7/8, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ngày 4/8 tại số nhà 43 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội làm 2 người tử vong và 4 người bị thương.

Theo Cơ quan công an, căn cứ lời khai của những người liên quan và tài liệu thu thập được, nguyên nhân ban đầu được xác định do 3 yếu tố: nhà số 43 Cửa Bắc được xây dựng từ lâu, hệ thống móng và tường chịu lực kém; mưa dài ngày từ cơn bão số 1 gây ảnh hưởng; quá trình thi công nhà số 41 không có những biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình xung quanh, dẫn đến sập đổ nhà số 43 phố Cửa Bắc.

Tài liệu điều tra thể hiện, nhà số 41 nằm kế bên ngôi nhà bị sập đã xây dựng gần 40 năm nên xuống cấp trầm trọng, nhà này do bà Nguyễn Thị Vân (82 tuổi) làm chủ và con trai là Trương Quốc Hùng (43 tuổi) ở thường xuyên.

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1980, qua thời gian sử dụng đã xuống xấp nên bà Vân làm hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà và được UBND quận Ba Đình đồng ý cho sửa chữa, xây dựng lại nhà cũ trên diện tích 33m2 với một tầng và một gác lửng nhưng với điều kiện: "Trước khi khôi phục lại nhà cũ phải lập hồ sơ khảo sát hiện trạng các công trình liền kề. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với việc hư hỏng các công trình liền kề...".

Tuy nhiên, bà Vân không thực hiện đầy đủ các nội dung trên, sau đó thuê anh Trần Tiến Tuân (21 tuổi ở Thanh Hóa) xây dựng lại nhà số 41 Cửa Bắc. Anh Tuân thuê anh Bùi Quốc Tùng (30 tuổi, ở Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) phá dỡ toàn bộ ngôi nhà số 41 của bà Vân, sử dụng máy xúc đào móng nhà, vận chuyển rác thải.

Khoảng 22h ngày 3/8/2016, Tùng thuê Trần Văn Minh dùng máy xúc đào móng nhà số 41 phố Cửa Bắc, còn Tùng và Lê Văn Tiến lái xe chở đất thải đi đổ. Nhóm của Tùng làm đến khoảng 3h sáng hôm sau thì Minh phát hiện đường ống nước bị vỡ, làm nước chảy tràn ra xung quanh.

3h30 sáng 4/8, ngôi nhà 3 tầng làm cửa hàng bán nem tại địa chỉ số 43 phố Cửa Bắc bất ngờ đổ sập, khiến 9 người trong nhà gặp nạn. Bốn người ở tầng 1 chạy thoát, 5 người còn lại mắc kẹt. Trưa cùng ngày tất cả nạn nhân được đưa ra ngoài, tuy nhiên 2 người đã tử vong.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top