Aa

Lo nhiều doanh nghiệp không còn sức đợi hỗ trợ

Thứ Hai, 06/04/2020 - 11:01

Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn đang khiến nhiều khuyến nghị, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được triển khai nhanh và ít tốn kém.

“Nếu chậm, nhiều doanh nghiệp có thể không còn đủ sức để nhận hỗ trợ”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lo ngại.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

PV: “Chuyện doanh nghiệp phá sản chưa bao giờ là một tương lai gần đến thế”. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group đã nói như vậy. Trước đó, 4 doanh nghiệp sản xuất ô tô phải công bố thông tin tạm dừng sản xuất vì dịch bệnh. Ông nghĩ thế nào về những thông tin này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ của cả nền kinh tế, của các doanh nghiệp. Đầu năm, chúng ta kỳ vọng một năm kết thúc nhiệm kỳ với những thành công khác biệt cả về cải cách và phát triển kinh tế - xã hội nhờ các chỉ số kinh tế vĩ mô ngày càng vững chắc hơn trong 4 năm qua.

Còn hiện giờ, chúng ta phải nói đến hàng chục ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ giải thể, phá sản, trong khi số còn lại phải thu hẹp sản xuất. Các tác động về xã hội sẽ bộc lộ rõ khi hàng triệu người có thể mất việc hoặc không có đủ việc làm, thu nhập giảm.

Quý I/2020 đã kết thúc với các con số thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Một số ngành bị tác động trực tiếp một cách nghiêm trọng, thậm chí đến mức tê liệt, như du lịch, vận tải hành khách... Dự báo, tác động của dịch bệnh trong quý II sẽ còn nghiêm trọng hơn.

PV: Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg xác định 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhưng nhiều hiệp hội doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi thêm đề xuất...?

TS. Nguyễn Đình Cung: Có thể nói, đầu tháng 3/2020, các nhóm giải pháp nói trên là khá toàn diện, kịp thời và hợp lý, khi tập trung giải quyết khó khăn về vốn, thanh khoản; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa; giảm chi phí và hỗ trợ, tạo thuận lợi chuyển đổi số...

Tại thời điểm đó, dịch bệnh mới bùng phát chủ yếu ở Trung Quốc. Ở trong nước, dịch bệnh được kiềm chế và kiểm soát; không có ca nhiễm mới trong thời gian khá dài.

Nhưng thực tế, doanh nghiệp mới chỉ được hỗ trợ ở mức độ nhất định về tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ giảm khó khăn về thanh khoản; giảm lãi suất vay vốn.

Còn các giải pháp liên quan đến hỗ trợ giảm chi phí, như chia sẻ gánh nặng về chi phí tiền lương, tiền công cho người lao động, giải pháp tăng thêm sức cầu của nền kinh tế chưa được bàn rốt ráo. Trong khi đây là những hỗ trợ hết sức cần thiết để doanh nghiệp cân đối lại nguồn lực, duy trì sức chống chịu vào lúc này.

Thực tế cũng cho thấy, mức độ khẩn trương, quyết liệt trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg giữa các bộ, ngành là không đồng đều. Đặc biệt, tôi chưa thấy có các khảo sát, đánh giá một cách tổng thể, để xác định đối tượng bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, mức độ chống chịu của các doanh nghiệp. Điều đó đang làm chậm lại việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp nói trên.

PV: Trong một cuộc họp mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) đã lo ngại dịch bệnh có thể kéo dài hơn dự báo trước đây, thậm chí có thể kéo dài đến tháng 8 hoặc dài hơn...

TS. Nguyễn Đình Cung: Tình hình đang phức tạp hơn nhiều so với đầu tháng 3. Tôi cho rằng, thời điểm này, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cần được tiến hành khẩn trương hơn, quyết liệt hơn và có quy mô lớn hơn nhiều.

Trước mắt, thực hiện đầy đủ, quyết liệt Chỉ thị 11/CT-TTg, các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp cần thực hiện ngay.

Theo tôi, có thể xem xét miễn phí giao thông đường bộ tính trên đầu phương tiện cho doanh nghiệp vận tải đường bộ, các doanh nghiệp ngành du lịch.

Miễn phí bến bãi đậu xe, máy bay và các phương tiện tiện vận tải khác đối với tất cả các doanh nghiệp vận tải…

Với các doanh nghiệp trong các ngành bị rơi vào thế tê liệt, như du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống, lưu trú, logistics… nên xem xét miễn phí công đoàn năm 2020, giảm 50% tiền sử dụng đất năm 2020...

Đặc biệt, nên cho phép doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hạch toán chi phí phát sinh do chống dịch vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thêm các giải pháp chia sẻ cùng doanh nghiệp chi phí hỗ trợ và giữ lao động trong thời kỳ đại dịch Covid-19; khẩn trương xây dựng trình Quốc hội phê chuẩn gói miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp tại kỳ họp gần nhất...

PV: Có doanh nghiệp nói khó tiếp cận các cơ chế hỗ trợ do thủ tục phức tạp, quá khắt khe. Nhưng các ngân hàng, cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội... chắc cũng lo hỗ trợ nhầm đối tượng, nên phải cẩn trọng. Theo ông, có cần chế tài gì?

TS. Nguyễn Đình Cung: Trong bối cảnh hiện tại, hai tiêu chí luôn phải được tính đến khi triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là nhanh và ít tốn kém.

Nhưng để làm được, cũng phải có những nguyên tắc, có thể coi là cách áp dụng trong “thời chiến”. Ví dụ, không yêu cầu tuân thủ quy trình, thủ tục hành chính truyền thống; trường hợp cần thiết thì “thủ tục bám theo hành động”, nghĩa là hành động trước, thủ tục sau.

Đặc biệt, cần giao quyền chủ động cho người đứng đầu các tổ chức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kể cả trong huy động, phân bố và điều chuyển nguồn lực.

Tôi vẫn giữ quan điểm nên loại bỏ ngay các cá nhân chần chừ, do dự, cố ý không thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Có như vậy mới đảm bảo các giải pháp chính sách được thực hiện nhanh, nhất quán trong cả nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top