Aa

Loạt dự án khiến Chủ tịch Vinachem bị đề nghị kỷ luật giờ ra sao?

Chủ Nhật, 24/09/2017 - 14:01

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, 4 dự án nhà máy của Vinachem hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19-24 ngày/tháng.

Xung quanh vụ 4 nhà máy phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm ăn thua lỗ triền miên, chiều 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết luận kỳ họp 17 của cơ quan này.

Theo đó, cơ quan kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Các vi phạm, khuyết điểm của ông Dũng được cơ quan kiểm tra Trung ương đánh giá là "nghiêm trọng".

Ngoài ông Dũng, cơ quan kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiểu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.

Các yếu kém của Vinachem dẫn đến việc 4 lãnh đạo Tập đoàn bị đề nghị xử lý kỷ luật chủ yếu tập trung vào 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón của đơn vị này, gồm: Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng. Đây cũng là 4 nhà máy này nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương.

Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: NLĐ

Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: NLĐ

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, đến thời điểm hiện nay, về cơ bản, 4 dự án nhà máy hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19-24 ngày (trừ nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa lớn theo kế hoạch từ ngày 25/8- 10/10/2017), 3 nhà máy còn lại đang vận hành với phụ tải trên 80%.

Theo đánh giá của đơn vị quản lý, các nhà máy vận hành sản xuất ổn định với phương án sản xuất kinh doanh được xây dựng theo hướng tăng cường quản trị, tiết giảm các chi phí sản xuất để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm. Do vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, chi phí biến đổi đã thấp hơn giá bán (trong tháng 8/2017, chênh lệch biến phí và giá thị trường dao động từ 52.000 - 892.000 đồng/tấn, riêng Dự án DAP số 2, chênh lệch là -846.000 đồng/tấn do ngừng sản xuất).

Theo Bộ Công thương, tính đến 15/9/2017, kết quả sản xuất kinh doanh của 4 đơn vị đã có những cải thiện đáng kể cả về doanh thu, sản lượng và mức độ thua lỗ. Chi phí biến đổi của các sản phẩm Urê và DAP đã thấp hơn giá bán, góp phần tạo dòng tiền bù đắp 1 phần chi phí cố định và tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động.

“Từ tháng 8/2017 Công ty CP DAP – Vinachem đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9/ 2017 ước tính lãi 6,766 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế”, Bộ Công thương cho biết,

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, 3 đơn vị còn lại vẫn lỗ do còn gặp rất nhiều khó khăn về giá nguyên liệu cao (giá than); giá sản phẩm thấp (giá Urê); nhiều chính sách chưa được áp dụng (sửa Luật thuế 71/2014/QH13).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top