Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị được giao quyền xử lý đối với các dự án nhà ở có phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (đất công) xen cài giữa các thửa đất, đất mương, rạch…
Cụ thể, TP.HCM kiến nghị được giao chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án theo quy hoạch đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000 m2.
Đối với quỹ đất có tổng diện tích trên 1.000m2, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND Thành phố thực hiện hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất với diện tích tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao giao lại ngay cho Nhà nước quản lý, sử dụng.
Cũng tại văn bản này, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng đối với đối với dự án chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND Thành phố được thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư các dự án theo Nghị định số 11 ngày 14/1/2013 của Chính phủ trong trường hợp dự án đã được Thành phố cho phép giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở hoặc chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, không phải thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, quy mô và nguồn cung thị trường sụt giảm, kéo theo sự tăng giá bất hợp lý. Số các doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng tới 39%, đứng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh khác.
Riêng trong 2019, UBND TP.HCM chỉ chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý, giảm 24 dự án so với năm 2018. Chấp thuận chủ đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại, giảm 64 dự án so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó chỉ có 7 dự án chấp thuận đầu tư mới. Sở Xây dựng Thành phố đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 47 dự án, giảm 30 dự án và hơn 4.000 sản phẩm so với năm 2018.
Theo UBND TP.HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình dự án bất động sản sụt giảm nói trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra rà soát thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan Nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.
Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong thủ tục đầu tư xây dựng dự án sẽ tác động trực tiếp đến thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẹt các phần đất thuộc Nhà nước quản lý (đất rạch, đường, bờ đất…thường có hình dáng bất định hình, nằm rải rác trong khu đất dự án) tỷ lệ đất thuộc Nhà nước quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án.
Đã nhiều lần Hiệp hội đề nghị xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.
Tuy nhiên, sau khi HoREA đề xuất 4 phương án tháo gỡ thì các cơ quan ban ngành vẫn còn nhiều băn khoăn. Với sự quyết liệt lần này từ UBND TP.HCM, Chủ tịch HoREA tin rằng đây là một tín hiệu tích cực cho các dự án bị đóng băng do vướng đất công xen cài. Nếu được Chính phủ thông qua sẽ kịp thời gỡ rối cho thị trường bất động sản để sớm phục hồi sau đại dịch.