Aa

Lợi ích doanh nghiệp và nút thắt trong xử lý vi phạm PCCC

Thứ Tư, 13/11/2019 - 14:11

Theo đánh giá của Đoàn giám sát Quốc hội, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và quan hệ kinh tế - xã hội phức tạp, do đó, đã có những trường hợp không giải quyết được dứt điểm.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội và Kế hoạch giám sát (ban hành kèm theo Nghị quyết) “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, Đoàn giám sát đã tổ chức các buổi làm việc, nghe Chính phủ và các bộ, ngành chức năng trực tiếp báo cáo; tổ chức các Đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương và các cơ quan, đơn vị cơ sở trên cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam; đồng thời, yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương trên toàn quốc tổ chức giám sát tại địa phương và gửi kết quả về Đoàn giám sát để nghiên cứu, xem xét.

Trên cơ sở báo cáo của Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến để thấy rõ tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 và những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3287 vụ cháy, thiệt hại trên 1.600 tỷ đồng

Báo cáo với Quốc hội về kết quả giám sát, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462ha rừng.

Như vậy, trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng.

Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).

Ảnh minh họa.

Lưu ý về tình hình cháy nổ, Đoàn giám sát cho hay, tình hình cháy nổ nhà cao tầng, siêu cao tầng có diễn biến phức tạp.

Theo đó, về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong PCCC, còn thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, chưa thực sự quyết liệt, triệt để. Tại các địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC. Song song với đó, các lực lượng chức năng chưa chú trọng việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về PCCC “có khả năng thực tế gây thiệt hại” theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Đáng lưu ý, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và quan hệ kinh tế - xã hội phức tạp, có những trường hợp không giải quyết được dứt điểm.

Cụ thể, tình trạng vi phạm các quy định về PCCC trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch tại các đô thị lớn còn xảy ra nhiều, một số công trình được đưa vào sử dụng, nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; một số công trình chủ đầu tư tự thay đổi công năng, tự ý chuyển đổi thiết kế xây dựng...

Hàng loạt "nút thắt" khiến công tác PCCC kém hiệu quả

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Đoàn giám sát đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến cho tình trạng cháy nổ vẫn còn thường xuyên xảy ra và công tác xử lý PCCC kém hiệu quả, đó là: Trang thiết bị PCCC phần nhiều đã lạc hậu, kém chất lượng; Nhiều công trình chưa bố trí, xây dựng hạ tầng PCCC; Nhiều quy định không còn phù hợp và sự thiếu đồng bộ giữa phát triển kinh tế với yêu cầu PCCC...

Trước hết, công tác xây dựng, bảo đảm các điều kiện hoạt động của lực lượng PCCC, công tác đầu tư cho hoạt động PCCC chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí nên chưa đầu tư hoặc có đầu tư nhưng rất hạn chế. UBND cấp huyện, xã thì hầu như chưa có đầu tư đáng kể cho hoạt động PCCC.

Việc xây dựng lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở và dân phòng đã được quan tâm nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, tỷ lệ thành lập thấp; nhiều đội PCCC cơ sở, dân phòng chỉ hoạt động mang tính hình thức, tổ chức chữa cháy ban đầu lúng túng và kém hiệu quả. Thực tế tổ chức triển khai thực tập các phương án chữa cháy có đơn vị còn lúng túng, chưa đặt ra được các tình huống giả định và biện pháp chữa cháy sát thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.

"Trang bị, phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC phục vụ công tác chữa cháy, CNCH còn thiếu, chưa đồng bộ, phần nhiều đã lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả", Đoàn giám sát cho hay.

Thứ hai, về công tác bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy, công tác quy hoạch, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy chuẩn về quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2008/BXD) đối với hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị; công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng chưa thực sự chặt chẽ, nhiều dự án, công trình chưa quan tâm bố trí, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ chữa cháy (như giao thông, khoảng cách, nguồn nước, trụ nước chữa cháy).

Tại nhiều thành phố lớn, nhiều khu dân cư nằm trong ngõ, hẻm sâu, mật độ xây dựng dày; quy hoạch nhà chung cư, liền kề không đảm bảo, không thể bố trí được giao thông, nguồn nước cho công tác chữa cháy, CNCH.

Thứ ba, về nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC, Đoàn giám sát chỉ rõ, nhiều quy định của pháp luật về PCCC không còn đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội; một số tiêu chuẩn đã cũ không còn phù hợp với thực tế, một số loại công trình mới nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng, chế tài xử phạt nhẹ.

Bên cạnh đó, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Một nguyên nhân khác là do tồn tại của lịch sử, những tồn tại, bất cập về hạ tầng kinh tế - xã hội, trụ sở các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng không thể khắc phục được ngay do thiếu kinh phí, đòi hỏi phải có lộ trình thời gian và những giải pháp tổng thể về quy hoạch.

Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển kinh tế với yêu cầu PCCC: cơ sở hạ tầng, giao thông không đáp ứng kịp đối với yêu cầu về PCCC (do tốc độ đô thị hóa nhanh, sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển không ngừng gia tăng, kéo theo nhiều loại hình mới với nhiều thành phần kinh tế, công trình xây dựng, loại hình cơ sở thuộc diện quản lý PCCC tăng); vật tư nguyên liệu, chất dễ cháy được sử dụng ngày một nhiều, đa dạng.

Đáng chú ý là nguyên nhân thuộc về chủ quan. Nhấn mạnh điều này, Đoàn giám sát cho rằng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế; chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC, đồng thời cũng thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.

Về giải pháp, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất Chính phủ có lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng các công trình đưa vào sử dụng khi chưa có thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, xử lý các công trình, khu chung cư cao tầng vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, đồng thời với việc xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra sai phạm.

Đồng thời, Đoàn Giám sát cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy chữa cháy đối với những công trình, hoạt động có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư, nhà cao tầng; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có đề án, công trình mới mà chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cần phối hợp với Bộ Công an xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy...

Với Bộ Xây dựng, Đoàn Giám sát kiến nghị Bộ này cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động xây dựng, nhất là đối với các công trình cao tầng, công trình ngầm, công trình có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy; tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong công tác thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; kiên quyết không cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động đối với công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu, kịp thời đình chỉ hoạt động xây dựng khi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top