Aa

Lỗi sai ngay ở quyết định cưỡng chế

Thứ Năm, 02/11/2017 - 15:03

Dự án khu Đô thị 31ha tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội dù đã được bắt đầu khởi động từ năm 2004, song đến nay, qua 13 năm vẫn chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng để xây dựng đường số 3 và 4 nối đường Ngô Xuân Quảng với khu đất đấu giá, do vấp phải sự phản đối của 5 hộ dân tổ dân phố Thành Trung.

Trong khi hàng loạt các khiếu nại của các hộ chưa được trả lời thỏa đáng thì ngày 19/10/2017 vừa qua, gia đình ông Nguyễn Trung Quế, một trong số các hộ dân có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất bất ngờ nhận được Quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Điều nực cười là, ngay cả quyết định cưỡng chế này cũng có chi tiết sai lệch với quyết định trước, do chính cơ quan này ra văn bản!

Hàng loạt các khuất tất không được giải đáp

Theo đơn thư của các hộ dân, trong đó có đơn của gia đình PSG, TS. Nguyễn Trung Quế, cùng thông tin phản ánh từ các báo, có thể thấy, Dự án Khu đô thị 31ha có nhiều sai phạm trong việc xác định nguồn gốc, kiểm đếm diện tích, áp giá đền bù... cùng một số sai phạm "ngây ngô" khác.

Điển hình như, theo đơn thư của các hộ, có đầy đủ chứng cứ, lập luận, khẳng định, UBND Thị trấn Trâu Quỳ đã có nhiều sai phạm khi tự ý sửa chữa số liệu về diện tích đất mà do chính cơ quan mình đã xác nhận trước đó; chuyển số liệu không đúng thực tế từ đất thổ cư thành đất nông nghiệp, đất lấn chiếm; đất ở ổn định từ năm 1985 thành đất ở sau năm 1993.

Khu đất chuẩn bị bị cưỡng chế, dù còn nhiều điểm khuất tất.

Khu đất chuẩn bị bị cưỡng chế, dù còn nhiều điểm khuất tất.

Ngay cả UBND huyện Gia Lâm cũng có nhiều điểm bất hợp lý khi duyệt phương án đền bù, trong đó, có loại đất chỉ áp giá đền bù cho người dân với số tiền 35.000 đồng/m2 (tương đương 01 bát phở). Trong các buổi đối thoại, các hộ dân yêu cầu cơ quan chức năng giải thích mức giá 35.000 đồng/m2 kia là giá cho loại đất nào? Dựa vào đâu để huyện tính mức giá ấy, thì các cán bộ im lặng, không trả lời được!?!

Ngoài những điểm bất hợp lý trên, hàng loạt các ý kiến của người dân có đất bị thu hồi hỏi trực tiếp lẫn qua đơn thư mà không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các cấp.

Ví dụ như: Vì sao con đường số 3 chỉ dài chưa đầy 200m và đường số 4 chỉ hơn 200m mà lại thiết kế hình cong? Trong khi đó, làm thẳng vừa đẹp hơn, diện tích đất thu hồi ít hơn?

Tại sao trường hợp gia đình bà Phạm Thị Men (vợ ông Quế), là con liệt sỹ, đã nộp giấy chứng nhận đối tượng chính sách cho chính quyền, mà không được đưa vào hồ sơ để tính phương án đền bù?

Hoặc, vì sao gia đình ông Trần Xuân Nam, dù có 4 hộ, thể hiện trên 04 sổ hộ khẩu được cấp, nhưng khi thống kê đền bù lại chỉ ghi 02 hộ, lúc kê khai cụ thể phương án đền bù lại chuyển thành 3? Ngay cả khi tính 03 hộ, cũng ghi nhầm số nhân khẩu?

Hay trường hợp gia đình ông Nguyễn Quang Thoại, cựu chiến binh rất bức xúc vì gia đình ông có diện tích đất thực tế là 115,7m2, nhưng khi thống kê chỉ ghi 81,5m2, và lúc duyệt đổi đất tái định cư, gia đình ông chỉ được nhận 81m2, trong khi, theo ông, thì khi thu hồi phải được đổi đủ đất. Ông cũng hết sức bức xúc vì trong khi gia đình ông đang có đơn khiếu nại, chờ giải quyết, căn nhà của ông đã bị phá dỡ mà ông không hề hay biết!?!

Trước hàng loạt những thắc mắc kể trên không được trả lời thỏa đáng, ngay sau đó, gia đình ông Quế và các hộ dân đã gửi nhiều đơn thư khiếu nại, sau đó là tố cáo gửi lên cơ quan chức năng các cấp. Các hộ còn thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình mình.

Song, hầu hết các đơn thư, kiến nghị, đề nghị giải quyết đều rơi vào... im lặng hoặc được vận hành theo quy trình "kính chuyển" về UBND huyện Gia Lâm, nơi đang bị các hộ dân tố cáo.

Trong đó, có Giấy báo tin của Văn phòng Thành ủy Hà Nội, đề ngày 01/8/2017 gửi ông Nguyễn Trung Quế thông báo rõ: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Văn phòng Thành ủy đã chuyển đơn của ông đến Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền".

Kết quả là, sau thời gian dài chờ đợi cách giải quyết của UBND huyện Gia Lâm, ngày 19/10/2017 vừa qua, ông Quế nhận được Quyết định số 14625 của UBND huyện về việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông. Tít mù rồi lại vòng quanh, đáp lại kiến nghị là một cưỡng chế thu hồi, đó là những gì mà ông Quế và một số hộ nhận được sau thời gian vài năm trời khiếu nại!?!

- Quyết định cưỡng chế bị ông Quế

Quyết định cưỡng chế bị ông Quế "tố" là có sai sót về số liệu của UBND huyện Gia Lâm.

Quyết làm sai đến cùng?

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Quế bức xúc: "Tôi là PGS, TS, gắn bó với mảnh đất ấy gần nửa cuộc đời. Khi tôi ở đó, cả khu đất là cánh đồng ngập úng. Nhiều cán bộ trong Ban dự án và cả đại diện chính quyền cơ sở hiện nay lúc ấy còn quá nhỏ, chưa hiểu được rõ lai lịch, nguồn gốc cũng như lịch sử chuyển đổi của khu đất. Vậy nhưng họ không chịu nghe chúng tôi giải thích, phân tích. Họ chỉ vin vào mấy cái hồ sơ một cách cứng nhắc, dựa vào những sơ hở của lịch sử để lại để cưỡng ép chúng tôi.

Gia đình tôi thuộc diện chính sách, đời sống khó khăn, nên chúng tôi chỉ muốn được đền bù thỏa đáng, được chính quyền tôn trọng, lắng nghe và giải đáp thắc mắc một cách thấu tình, đạt lý. Nhưng đáp lại là sự im lặng, lảng tránh, cách ra văn bản thì thiếu cơ sở, số liệu mới đá số liệu cũ. Cách làm cẩu thả, bất chấp pháp lý thế làm sao khiến chúng tôi đồng thuận, hợp tác được?".

Ông Quế đưa cho tôi xem Quyết định cưỡng chế mới nhất của UBND huyện Gia Lâm do Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Thuần ký rồi chỉ rõ: Theo Quyết định số 6922 của huyện về thu hồi đất và phương án đền bù, gia đình tôi bị thu hồi 466,8m2. Vậy mà sau nhiều lần khiếu nại, tố cáo, quyết định cưỡng chế đã nâng diện tích thu hồi lên thành 473m2, tăng 6,2m2. Vì sao có số tăng lên này, chúng tôi không hề được biết. Điều đó cho thấy, đến tận bây giờ, huyện Gia Lâm vẫn chưa có sự thống nhất về số liệu, diện tích thu hồi, phương án đền bù. Vậy, đã vội vàng ra quyết định cưỡng chế, liệu có thuyết phục được không?

Cũng theo lời ông Quế, hiện còn 5 hộ dân chưa chấp thuận phương án đền bù đang thuê luật sư, làm đơn khiếu nại, tố cáo, nhưng vừa rồi, huyện mới chỉ ra quyết định cưỡng chế của gia đình ông và ông Nguyễn Quang Thoại.

Ông cười chua chát: "Họ cưỡng chế gia đình tôi đầu tiên vì chắc tôi là người "đầu trò" vụ khiếu nại tố cáo này"!?! Trong khi đó, toàn bộ diện tích nhà, đất của ông Thoại đã bị san phẳng từ lâu, vậy mà đến nay huyện mới có quyết định thu hồi. Điều nực cười là, theo ông Thoại, ngay từ khi nhà ông bị phá dỡ một phần, đến lúc bị san phẳng, gia đình ông không hề hay biết gì cả!?!

Hiện nay, ông Nguyễn Trung Quế đang tiếp tục làm đơn gửi đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan báo chí. Đồng thời, tiếp tục ủy quyền cho Công ty TNHH Luật Trí Tuệ đại diện để làm việc với cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho gia đình mình. Được biết, phía luật sư đại diện cho gia đình ông Quế đã nhiều lần liên hệ với đại diện UBND huyện Gia Lâm nhưng vẫn chưa có được phản hồi tích cực.

Ngay cả hàng loạt các bài viết về những khuất tất của dự án này, đăng trên báo Công luận, Pháp luật Việt Nam, Giadinhnet... đến nay cũng chưa nhận được bất cứ một phản hồi chính thức nào của chính quyền huyện Gia Lâm. Phải chăng, UBND huyện Gia Lâm đang bất chấp dư luận, sự đồng thuận của các hộ dân để quyết tâm thực hiện đến cùng cái quyết định còn nhiều điểm sai sót của mình?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top