Lại giống như trước đây, tại kỳ họp diễn ra vào đầu tháng 11/2019 này, vụ việc Tòa nhà 8B Lê Trực đã được các đại biểu Quốc hội đề cập. Trả lời phỏng vấn đăng trên báo Xây Dựng (Bộ Xây dựng), đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ: “Vụ 8B Lê Trực nhiều lần đã đặt ra giới hạn về thời gian báo cáo Thủ tướng nhưng đến nay vẫn không giải quyết triệt để. Bây giờ trách nhiệm Hà Nội là phải xử lý cho triệt để, mà không xử lý triệt để thì Thủ tướng Chính phủ phải xem xét kỷ luật cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm mới duy trì được kỷ cương phép nước”.
Vấn đề quan trọng là ở chỗ, kỷ cương phép nước trong vụ việc này đã bị vi phạm như thế nào?
Rất cần một phán quyết của Tòa án?
Khi đề cập vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đưa quan điểm, việc xem xét có phù hợp hay không phải căn cứ vào các quy định pháp luật. Việc xây dựng dự án 8B Lê Trực không chỉ liên quan trực tiếp đến các quy định của pháp luật về xây dựng mà còn liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ như bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ mục tiêu, tác động đến nhiều những yếu tố khác, những cái đó cần phải rà soát kỹ ở những văn bản pháp luật. Không thể đánh giá nó ở những cảm nhận, cảm tính được mà tất cả mọi thứ đều phải dựa trên cơ sở pháp luật.
Chắc chắn nhiều người sẽ ủng hộ quan điểm của ông vì thấy rằng không có con đường nào khác, đó là dựa vào các căn cứ pháp lý để xử lý vụ việc.
Như kỳ trước đã đăng trên Reatimes, sự xuất hiện của một “nghịch tử”, đó là Giấy phép xây dựng số 11/GPXD.
Theo luật sư Nguyễn Đại Hải, Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn FANCI, Giấy phép xây dựng số 11/GPXD được Sở Xây dựng thành phố Hà Nội ra với dự án nhà 8B Lê Trực là đúng thẩm quyền nhưng không được trái với Quyết định 2452 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết thuộc dự án.
Đối với vụ Tòa 8B Lê Trực, nếu phát hiện có sai sót, muốn sửa đổi, bổ sung hoặc hủy giấy phép xây dựng số 11 thì phải chứng minh được Giấy phép xây dựng này được cấp sai quy định pháp luật.
Điều 101 Luật xây dựng 2014 quy định: “Giấy phép xây dựng bị thu hồi trong các trường hợp sau: a) Giấy phép xây dựng được cấp không đúng quy định của pháp luật”;
Để biết Giấy phép xây dựng được cấp có sai hay không thì phải xem xét đến Thẩm quyền cấp, điều kiện, trình tự thủ tục cấp và nội dung của giấy phép xây dựng đã đúng theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn liên quan hay chưa. Xem xét dự án này có cần phải cấp giấy phép xây dựng hay không? Nếu không cần cấp phép mà UBND thành phố tiến hành cấp là không đúng. Hơn nữa việc ra đời phép xây dựng khi đã khởi công và hoàn thành gần xong công trình có đúng quy định theo pháp luật không.
Trong vụ việc này, Công ty Cổ phần May Lê Trực là đơn vị bị xâm phạm trực tiếp bởi Giấy phép xây dựng số 11/GPXD và sau đó là những hệ lụy xâm phạm đến tất cả người dân, nhà đầu tư đã bỏ tiền để mua, thuê nhà thuộc phần phải giật cấp, hạ độ cao tòa nhà. Giấy phép xây dựng số 11 là đối tượng xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của công ty CP May Lê Trực. Để đảm bảo quyền lợi của mình thì Công ty may Lê Trực có thể khởi kiện ra tòa án. Công ty có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do Giấy phép xây dựng số 11 xâm phạm.
Sau khi Tòa án xác định được trong vụ án tòa 8B Lê Trực lỗi thuộc về ai, cơ quan, tổ chức nào sai phạm thì cơ quan, đơn vị, tổ chức đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả gây ra. Đây cũng là cơ sở xem xét giải quyết những hệ lụy, những vấn đề liên quan đến nhà đầu tư hoặc người dân đã ký hợp đồng thuê, mua nhà thuộc tòa 8B Lê Trực.
Muốn làm rõ về pháp lý thì phải có hồ sơ pháp lý. Hồ sơ pháp lý xác định kể từ thời điểm ban đầu có ý định xin dự án đầu tư, trình dự án, thẩm tra, phê duyệt chủ trương dự án và cấp phép xây dựng. Những hồ sơ pháp lý đang nằm tại các cơ quan liên quan đến việc cấp phép phê duyệt, xây dựng dự án. Như vậy, để tập hợp đủ hồ sơ để làm rõ vấn đề pháp lý thì vẫn phải do cơ quan Tòa án tiến hành thực hiện. Vụ án, mọi vấn đề pháp lý sẽ được làm sáng tỏ bằng một bản án của tòa án có thẩm quyền.
Quả bóng trách nhiệm vẫn tiếp tục đẩy qua đẩy lại
Các nguồn thông tin cho hay, ngày 17/7/2019, UBND quận Ba Đình có Văn bản 1474/UBND-QLĐT về đơn vị tư vấn thiết kế tháo dỡ giai đoạn 2 (tầng 17, 18) công trình số 8B Lê Trực. Nội dung văn bản nêu rõ: “Do những khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế lập phương án phá dỡ, UBND quận Ba Đình báo cáo và đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét, tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng – IBST tham gia thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực”.
Ngày 2/8/2019, UBND TP. Hà Nội có Văn bản 3305/UBND-ĐT gửi Bộ Xây dựng về giải quyết kiến nghị của UBND quận Ba Đình, theo đó UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phối hợp giải quyết; chỉ đạo các đơn vị chức năng và đơn vị tư vấn của Bộ, xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn 2.
Ngày 23./10/2019, Bộ Xây dựng có Văn bản số 2497/BXD-GĐ về xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, trong đó nêu rõ, Viện Khoa học công nghệ xây dựng không tham gia thực hiện công tác thiết kế phá dỡ giai đoạn 2.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị: “UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện xử lý dứt điểm giai đoạn 2 của công trình vi phạm và có thời hạn cụ thể, không để kéo dài. Trường hợp có vướng mắc, vượt quá thẩm quyền, đề nghị UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Theo PGS. TS. Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Chỉ có riêng Việt Nam thường xuyên xảy ra việc để chủ công trình xây sai xong, lại phải cắt ngọn. Cho nên, cần phải tăng cường công tác quản lý, tốt nhất là ngăn chặn, không để xảy ra sai phạm, nếu không nhiều trường hợp rất khó giải quyết.
Ví dụ, với công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội), nếu “cắt” hết phần sai phạm công trình sẽ tan tành. Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà. Việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Vì thế cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…
Vụ việc này không thể kéo dài hơn được nữa và chính những người có trách nhiệm cũng không thể làm ngơ trước tình hình này. Người bị thiệt hại ở đây chính là người dân, doanh nghiệp. Nhà nước không thể không có trách nhiệm trước những tiếng kêu cứu bị thiệt hại về tiền bạc, tài sản, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân.