Aa

Lòng tham và sự sợ hãi

Thứ Bảy, 23/11/2019 - 06:28

Xã hội ngày nay, càng hòa nhập và dấn thân mà nếu như cái định và tuệ của bản tâm mình không vững vàng thì sẽ rất dễ bị hòa tan trong vòng xoáy của những giá trị đang đảo lộn.

Hà Nội vào Đông. Khoảng không gian mà người ta cần trở về bằng tình thương để mà sưởi ấm cho đồng loại, cho mình và cho người hơn. Ấy vậy mà lại ngập trên mặt báo những lời sắc ngọt. Tình người dần trở thành hiếm hoi xa xỉ và niềm tin chơ vơ khi muốn nương níu.

Xã hội ngày nay, càng hòa nhập và dấn thân mà nếu như cái định và tuệ của bản tâm mình không vững vàng thì sẽ rất dễ bị hòa tan trong vòng xoáy của những giá trị đang đảo lộn.

Báo chí đăng nhiều tin tức tiêu cực. Mạng xã hội tràn ngập chuyện yêu hận tình thù...

Suy cho cùng, tất cả những điều đó xuất phát từ sự tham lam muốn chiếm đoạt, sở hữu. Từ quyền lực, đất đai, nhà cửa, tài sản cho đến những con người... Từ chức tước, bổng lộc đến tình mẫu tử, phu thê, luyến ái cũng không ngoại lệ. Và để bảo vệ cho nỗi sợ bị tước mất lẫn nhau những thứ đó, người ta dễ dàng giẫm đạp, sử dụng mọi thứ để biến chúng thành những mũi dao nhọn đâm vào người khác. Có những mũi dao bằng tiền bạc, quyền lực, có những mũi dao bằng sự khủng bố tinh thần, có những mũi dao bằng câu chữ xảo quyệt nhưng đâm thẳng vào tim người.

Lòng người, lòng tham một khi đã bị hòa tan trong bối cảnh của những giá trị bị đảo lộn, những sự thật được đổi trắng thay đen quá lâu ngày đến mức chính kẻ kể ra điều dối trá ấy cũng đã bắt đầu tin đó là điều có thật, khi ấy, người ta sẽ hành xử với nhau bằng thứ máu lạnh hoàn toàn thiếu vắng nhân tâm. Con người để mặc cho phần bản năng tham lam và ích kỷ lấn lướt nên xã hội ngày càng nhiều những việc làm bất chấp, độc ác và tàn nhẫn.

Ta đã mất những gì hôm nay so với gia tài được trao truyền từ cha ông? (Ảnh minh họa: Internet)

Trong những khoảng thời gian này, tôi muốn nói đôi điều về được mất. Chúng ta đang sống trong thời khắc mà chiến tranh đã lùi xa. Lẽ ra nên tương thân tương ái để cùng nhau xây dựng tình đoàn kết và xã hội với lòng tri ân sâu sắc thì chúng ta dường như đang sa đà vào hưởng thụ và xã hội mang đầy những hành động phản ánh một nỗi sợ của lòng người. Sợ mất mát, sợ thiệt thòi, sợ tất cả. Chính bởi chìm đắm trong sự lo sợ và lối sống hưởng thụ, mà có khi nào ta tự hỏi, tài nguyên, rừng biển, đất đai, bản sắc văn hóa, lòng can đảm, tình nhân ái... ta đã mất những gì hôm nay so với gia tài được trao truyền từ cha ông?

Thời gian gần đây, tôi đau đáu theo dõi những diễn biến ở Hồng Kông.

Từ năm ngoái, tôi đã biết đến biểu tình ở Hồng Kông. Cho đến cao điểm nhất là vài tháng gần đây, tôi vẫn biết còn biểu tình và tình trạng ngày càng căng thẳng hơn.

Nhưng, tôi nghĩ, biểu tình ở các nước văn minh và tiến bộ, chỉ là gây đình trệ một thời gian cho các đòi hỏi thôi, sẽ không bao giờ có tiếng súng và đổ máu.

Tại sao tôi nghĩ vậy?

Tôi đã đến Hồng Kông cách đây vài năm. Đó là chuyến đi dự một buổi trao đổi hợp tác quốc tế cùng các giáo sư ở trường đại học Hồng Kông về đề tài chánh niệm.

Tiếp xúc với giới trí thức, với một vài Việt kiều ở Hồng Kông và đi tìm hiểu đời sống người dân nơi đây, quả thực tôi vô cùng ngạc nhiên. Hồng Kông giàu có và văn minh. Người dân Hồng Kông có một nếp sống cao về văn minh trong mọi mặt.

Tôi cũng chú ý đến giao thông. Giao thông ở Hồng Kông, nhất là giao thông công cộng quá tuyệt vời. Đi vài tuyến tàu điện mới thấy họ sống văn minh. Từ cách họ lên tàu, làm gì trên tàu, và xếp hàng khi ra và vào tàu. Tôi có dự án về văn hóa đọc, nên khá chú ý đến việc đọc sách. Người Hồng Kông có thói quen cầm trên tay cuốn sách và còn đọc sách cả khi đi trên tàu điện.

Về lương, thì không thể hình dung, tôi hỏi thử một người quét rác thuê cho một ngôi chùa, họ cho biết, nếu tính ra tiền Việt, gần 30 triệu/tháng. 

Về nhà ở, một căn nhà 90m2 trên tầng 40, có giá là 2 triệu đô, đô Mỹ chứ không phải đô Hồng Kông.

Tìm hiểu về cảnh sát, tôi được biết, cảnh sát có mặt rất đông ở khắp nơi, trên các tuyến tàu điện, nhưng cảnh sát có mặt là để đảm bảo cao nhất về an ninh và tự do cho người dân, “cảnh sát được tồn tại để bảo vệ người dân. Chính phủ được tồn tại để phục vụ cho người dân”.

Tôi mông lung nghĩ ngợi... Chắc dân tộc này sẽ tiếp tục đi dài và xa trên con đường giàu sang và văn minh, thịnh vượng hơn nữa.

Cho đến một ngày, ngày gần đây...

Vài tháng trước, tôi nghe về tình hình Hồng Kông, người trẻ biểu tình. Tôi chỉ nghĩ, là chuyện dân nước tự do văn minh, họ muốn bảo đảm hơn, chắc chắn về các quyền của họ.

Thế rồi...

Tất cả như chúng ta thấy vừa qua ở Hồng Kông, cái chết, sự bạo động và dã man đã lên ngôi, người với người dưới mắt cảnh sát là dã thú.

Ai, bàn tay ai đã làm cho Hồng Kông ra như hôm nay?

Bởi con người để mặc cho phần bản năng tham lam và ích kỷ lấn lướt nên xã hội ngày càng nhiều những việc làm bất chấp, độc ác và tàn nhẫn. Tệ hại hơn khi những việc làm ấy có thể đến từ một tổ chức có trong tay sức mạnh của quyền lực và tiền bạc.

Một Hồng Kông tôi đã đặt chân đến, đã quá ư thân thiện và ngưỡng mộ mong cho dân tộc mình biết bao giờ được đến ngưỡng đời sống thịnh vượng, giàu sang và văn minh đó, giờ đâu rồi một Hồng Kông như tôi đã từng biết?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top