Aa

Luật đặc khu đảm bảo thu hút đầu tư, khả thi và thành công

Thứ Tư, 16/05/2018 - 00:01

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng liên quan đến câu chuyện Luật đặc khu tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 đến năm 2020” do Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức sáng 15/5.

Luật Đặc khu đã đạt chất lượng để thu hút đầu tư

Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giải đáp các câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng phát triển kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay.

Trả lời câu hỏi về việc thành lập các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ thông qua Luật, dự kiến kỳ họp thứ 6 sẽ thông qua nghị quyết thành lập 3 đặc khu (Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong).

Bộ trưởng khẳng định việc xây dựng đặc khu là quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc thay đổi tư duy.

“Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất thống nhất trong chỉ đạo chung là mạnh dạn, chủ động tạo dựng sân chơi mới, luật chơi mới, thể chế mới - vượt trội so với trong nước và cạnh tranh so với các quy định quốc tế, để tạo nên cực tăng trưởng, thu hút đầu tư, lan tỏa đến các khu vực chung quanh và toàn nền kinh tế. Đây là chủ trương lớn và rất mới của Đảng và Nhà nước. Vấn đề không mới nhưng cách tiếp cận mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, mục tiêu cơ bản của việc thành lập 3 đặc khu là hình thành khu vực tăng trưởng cao và ổn định; tạo môi trường sống và làm việc năng động, hiêu quả; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; nâng cao thu nhập bình quân đầu người; đóng góp vào ngân sách và lan tỏa động lực ra toàn nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

“Cách tiếp cận của chúng ta là xác định lợi thế so sánh khu vực và quốc tế, rút ra bài học, đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn và quan trọng là có tầm nhìn mang tính chiến lược”.

Về nguyên tắc xây dựng thể chế các đặc khu, Bộ trưởng khẳng định: không trái Hiến pháp, không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân.

“Xây dựng thịnh vượng về kinh tế nhưng đi đôi với bảo vệ môi trường, công bằng xã hội, phù hợp với thông lệ tốt và cam kết quốc tế mà ta tham gia, nhất quán ổn định lâu dài. Đặc khu có sự vượt trội trong nước và cạnh tranh quốc tế, có bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả.

Chúng tôi cho rằng với những chuẩn bị chu đáo, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đến nay bộ luật này đã đạt được chất lượng để thu hút được đầu tư, đảm bảo tính khả thi và sự thành công của các khu”, Bộ trưởng nói.

Không đầu tư vào Việt Nam là thiệt thòi của Mỹ

Một vấn đề khác cũng được đặt ra tại Hội thảo, đó là việc Hoa Kỳ rút khỏi CPTPP có ảnh hưởng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam hay không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, CPTPP là 1 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và có thế chể cao, luật chơi mới hình thành cấu trúc thương mại mới, có quy mô và phạm vi lớn nhất trong hợp tác song phương và đa phương hiện nay. Đầu tư nước ngoài được nhìn nhận từ góc độ các nước thành viên sau khi Việt Nam tham gia CPTPP, đó là cam kết mở cửa thị trưởng, mở rộng không gian, lĩnh vực đầu tư hơn từ các nước thành viên khi rào cản được gỡ bỏ.

Về đầu tư nước ngoài từ các nước CPTPP đối với Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng dòng vốn đầu tư sẽ tăng vì 3 lý do. Một là CPTPP đã xóa bỏ các rào cản về đầu tư, thương mại giữa các nước thành viên. Hai là việc tham gia vào CPTPP sẽ tạo áp lực cho Việt Nam trong việc cải cách. Quá trình cải cách đó phù hợp với chủ trương, chính sách mà Việt Nam đang tiến hành, do đó tạo nên thuận lợi cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Ba là với việc cải cách và hội nhập như hiện nay, kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển tích cực. Bản thân Việt Nam bây giờ đã là một thị trường lớn và đang tham gia rộng rãi vào các hiệp định thương mại khác. Như vậy, quốc tế sẽ cho rằng nếu đầu tư vào Việt Nam thì có nghĩa là làm ăn với một thị trường rất lớn.

“Đây là 3 yếu tố để chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ coi Việt Nam là một điểm đến để đầu tư. Cùng với những thuận lợi về vị trí địa lý, dân số, môi trường kinh doanh thì Việt Nam thực sự là nơi đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để tận dụng được cơ hội này, Chính phủ phải lồng ghép các hiệp định thương mại vào các chương trình, kế hoạch quốc gia. Bên cạnh đó là thực thi nghiêm túc các cam kết và chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, năng lượng, hạ tầng, hàng rào kỹ thuật…

Riêng với đầu tư từ Mỹ, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam và Mỹ đã có nhiều cơ chế hợp tác thông qua các hiệp định thương mại, hiệp định khung về đầu tư và thương mại hay thông qua WTO.

“Hiện Mỹ vẫn là nhà đầu tư và đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu Mỹ không đầu tư vào Việt Nam thì đó là thiệt thòi của nhà đầu tư Mỹ, bởi họ đã không tham gia vào sân chơi có quy mô và mối liên kết lớn như Việt Nam.

Tôi cho rằng các nhà đầu tư Mỹ phải xem xét lại việc đầu tư vào Việt Nam, nếu không muốn mất ảnh hưởng trong cuộc chơi quốc tế. Tôi hi vọng Mỹ có thể sớm quay lại Hiệp định CPTPP”, Bộ trưởng nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top