Aa

Luật sư không phải là “con buôn”, cần có tư duy mang tính khai phóng!

Thứ Năm, 10/10/2019 - 14:46

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng một trong những nhiệm vụ của người hành nghề luật trong thời đại hiện nay là cần phải có được tư duy mang tính khai phóng.

Điều đặc biệt là tư tưởng rộng lớn này được hình thành trong lòng luật sư Tú xuất phát từ một cuộc tranh cãi của đám trẻ con từ thời tiểu học.

Giá trị của người luật sư không chỉ nằm ở những điều luật

PV: Thưa luật sư Trương Anh Tú, gần đây, trên một số diễn đàn, tôi được nghe ông đề cập đến một câu chuyện khá mới đối với nghề luật sư, đó là sự khai phóng. Ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?

LS Trương Anh Tú: Tôi nói thế này, thường thì, luật sư chỉ nghĩ là ta làm tốt cái vụ án của mình, chứ không nghĩ đến điều gì khác. Ta bị chui vào trong cái vòng lẩn quẩn của nghề nghiệp, cuộc đời. Chỉ ai đó nghĩ rằng ngày nào đó mình thoát ly được cái đó thôi, tưởng là đơn giản nhưng thực ra cũng là vĩ đại lắm. 

Tôi có một cái may mắn là chơi với nhiều giới, tuổi trẻ thì đọc được nhiều sách, bản thân cơ quan tổ chức có nhiều anh em đỡ đần, mình không bị sa đà, luẩn quẩn, vướng chân bởi những việc hồ sơ pháp lý, để mình còn cái sự thảnh thơi trong tâm hồn để nghĩ được những điều khác ngoài cái hồ sơ.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Tôi cho rằng, giá trị của người luật sư không chỉ nằm ở những điều luật mà anh ta viện dẫn. Người luật sư ngày nay cần phải có được tư duy mang tính khai phóng để vận dụng những tri thức đóng góp cho xã hội... 

Ví dụ, mới đây, tôi đọc phán quyết của toà án vụ hãng taxi Vinasun khởi kiện hãng Grab, tôi chợt nhớ đến phát biểu của luật sư nọ cách thời điểm mở tòa tháng. Vị luật sư này đã phân tích và đưa ra kết luận hầu như giống với quan điểm của Tòa. Như vậy, có thể thấy người luật sư đôi khi cần có những quan điểm mang tính định hướng, dự báo đối với những vấn đề mới trong xã hội, dù có phải đi ngược tâm bão. Đấy gọi là sự khai phóng.

PV: Nói thêm về câu chuyện khai phóng, đó là một điều hết sức tuyệt vời nhưng thực hiện chắc chắn không dễ dàng. Cần yếu tố như thế nào để mang lại sự khai phóng, thưa ông?

LS Trương Anh Tú: Đầu tiên, phải sở hữu tinh thần khai phóng, khi anh nghĩ rằng anh sẽ phải là nhà khai phóng, và muốn làm điều tích cực cho xã hội. Anh phải luôn đau đáu vì việc chung của xã hội. Thứ hai là khả năng khai phóng. Tức là khả năng hành động nhằm mục đích tạo ra, thúc đẩy sự khai phóng. 

Khi anh nói, anh làm, thì cái tâm của anh phải thực sự trong sáng. Trong sáng còn chưa chắc được, chưa chắc thành công. Khi anh gợn một chút không trong sáng, đảm bảo sẽ thất bại. Lý do, là khi anh nói với người đối diện, hay là nói với xã hội, mà người ta vẫn đang hoài nghi thì chắc chắn không tiếp thu. Như vậy, thì ý tưởng, sự khai phóng không đến được.

Bàn về khả năng, là đương nhiên anh phải có nền tảng, kiến thức về pháp luật vững vàng. Nhưng, cái đó mới chỉ là cái nền tảng thôi. Anh phải có cái góc nhìn xã hội tổng thể, bao quát. Xã hội ở đây, không phải là xã hội bây giờ, mà là xã hội Việt Nam hàng thế kỷ qua. Cũng không phải là xã hội nơi này, mà còn phải còn góc nhìn quốc tế. Thậm chí như vậy vẫn chưa đủ, khả năng khai phóng là tổng hợp của những thứ ấy, và thêm những điều gì đó không thể lý giải được.

PV: Tôi cho rằng nhiệm vụ mà ông đặt ra cho bản thân nói riêng, và cho giới luật sư nói chung, là tương đối nặng. Con đường ấy hứa hẹn nhiều gian nan, chứ không phải trải bằng hoa hồng?

LS Trương Anh Tú: Lẽ dĩ nhiên! Như thế, đòi hỏi sự kiên định của người luật sư. Tôi kể với nhà báo câu chuyện mà tôi đã trải nghiệm như thế này. Trong một cái vụ án nọ khi chống tiêu cực để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tránh bị thiệt hại số tiền lên đến một 1.000.000.000 đô la, đã có những người anh đến để vỗ vai luật sư Tú. 

Ở thời điểm đó chỉ cần một cái gật đầu, tôi hiểu rằng tôi có thể nhận hàng triệu đô la bỏ túi mà không phải vất vả. Tuy nhiên, tôi đã không dừng lại... Không mua chuộc được anh họ đã quay lại tấn công để trả thù. Tôi cũng hơi buồn, song, sau đó, không ai có thể nghi ngờ về cái tâm trong sạch của tôi nữa.

Bên cạnh đó, ngoài sự kiên định, còn cần sự bền bỉ. Thỉnh thoảng, gặp những người dân, doanh nhân hay những status trên mạng thấy có những tư duy, những quan điểm và những quy định pháp luật áp dụng trong trường hợp cụ thể nào đó, tôi rất vui khi hiểu rằng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của mình hàng chục năm qua đã có những kết quả hết sức bất ngờ. 

Thậm chí, đôi khi những người đối diện tôi nói ra những điều đó nói ra những cái căn cứ pháp luật đó nhưng họ không biết rằng tôi là tác giả. Như vậy, tôi hiểu rằng những bài báo, những lời phát biểu của tôi trên phương tiện thông tin đại chúng đã thấm đến nhiều tầng lớp nhân dân.

Dựa vào đám đông là tư duy con buôn

PV: Tôi thấy rằng, các vấn đề mà luật sư đưa ra ý kiến thường đi ngược chiều với quần chúng. Phải chăng, ông cố tình “ngược gió” để tạo danh tiếng, hay vì lý do gì khác?

LS Trương Anh Tú: Nếu ai đó nói rằng đám đông luôn luôn đúng, thì đó là cách nhìn của con buôn. Tôi là luật sư, tôi có tư duy, cách nhìn khác, sâu sắc hơn, chín chắn và đa chiều hơn số đông, thì từ đó mình mới có khả năng khai phóng họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị khai phóng ngược. Chúng ta không phải là đang đi tìm sự khác biệt, mà đơn giản nhìn thấy quan điểm của số đông đó đang gây hại cho chính họ.

Chẳng hạn taxi công nghệ. Trở lại một buổi chiều mưa bão năm ngoái, tôi bấm phần mềm grap không có xe nào đón, quãng đường 6km, mà họ đề ở trong đó là 250 nghìn. Và điều đó củng cố quan điểm của tôi rằng cái hãng công nghệ này không đem lại giá trị thực sự cho xã hội, những cái cảm nhận rằng nó đang tốt đẹp, thì nó sẽ không bền vững. Nó là cái bẫy ngọt ngào, chờ chúng ta sa chân vào.

Tôi là người hay chiêm nghiệm, năm tôi học lớp 6, tôi có một thằng em. Hồi bấy giờ, dịch vụ massange mới xuất hiện, cả đám học sinh đều nói về massage với tất cả ngôn ngữ xấu xa, ý là dịch vụ mãi dâm, đĩ điếm. Chỉ thằng em của tôi nói rằng: “Không, massage là đấm bóp mà thôi”. Quan điểm của thằng này bị phản đối. Thế là bọn kia lao vào đánh hội đồng nó. Tôi là người ở giữa, tôi biết ai đúng, ai sai. 

Qua đó, là bài học để chiêm nghiệm. Sau này, mỗi lần đứng trước đám đông, trong các quan điểm, anh lại nghĩ đến câu chuyện của người em năm đó. Đám đông không phải bao giờ cũng là chân lý. Cho nên, lợi dụng đám đông là cách làm của bọn con buôn.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top