Aa

Luật về PPP vẫn theo lối mòn “sinh con rồi mới sinh cha”

Thứ Tư, 20/11/2019 - 06:15

Trong công tác xây dựng pháp luật nước ta từ trước đến nay thường có hiện tượng "sinh con rồi mới sinh cha".

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ điều này tại phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, sáng 19/11.

Bà Khánh dẫn chứng, chúng ta có Luật Quy hoạch đô thị sau đó mới xây dựng Luật Quy hoạch. Có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư nay lại mới xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. “Chung quy là vì xây dựng luật của các bộ, ngành chỉ theo chức năng, nhiệm vụ của mình đề xuất mà chưa coi trọng dựa vào cơ sở khoa học pháp lý, luận cứ khoa học về quản lý với tính chất tổng thể, quản lý nhà nước trong vấn đề hoạch định chính sách pháp luật”, bà Khánh nói.

Chính vì vậy, dù đã có Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công nhưng lại chưa có Luật Hành chính công, nên trong các cơ quan quản lý nhà nước vẫn không rõ cơ chế thị trường thì cơ quan quản lý nhà nước phải làm gì, dịch vụ công là những việc gì, thu phí hay là thu giá. 

Do đó, bà Khánh đề nghị cơ quan soạn thảo cũng phải tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội nói rằng, khi xây dựng luật mới liên quan đến Luật Hành chính công hay đầu tư công thì phải nghiên cứu những hồ sơ mà Thường vụ Quốc hội đánh giá rất công phu. Trong đó, nói dịch vụ hành chính công hay dịch vụ sự nghiệp công đã rất cụ thể, nhưng đối chiếu vào đây thì hoàn toàn không rõ ràng. Và bà Khánh đưa ra một số kiến nghị.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, trong dự thảo Luật quy định hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công - tư ở Việt Nam nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư phát triển công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công. Hoạt động quản lý nhà nước, trách nhiệm các bên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

“Tôi nhận thấy quy định này chưa đầy đủ, không rõ ràng, không minh bạch. Chúng ta đã thấy thực tiễn triển khai một số công trình đối tác công tư vừa qua vừa thiếu minh bạch, thất thoát tài sản, tạo cơ hội cho tham nhũng và kết cục là nhiều cán bộ lãnh đạo vướng vào vòng lao lý”, bà Khánh nêu quan điểm.

Do đó, bà Khánh đề nghị phạm vi điều chỉnh của luật cần sửa đổi rõ ràng như sau: luật này quy định quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư các dự án giữa khu vực công và khu vực tư, nhằm thu hút các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ công, trách nhiệm của các bên, quản lý nhà nước, giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thứ hai, về giải thích từ ngữ một số khoản quy định không rõ ràng và khó áp dụng ở Điều 4. Bà Khánh đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 1: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư thực hiện giữa khu vực công và khu vực tư, thông qua việc hợp tác, phối hợp, ký kết thực hiện hợp đồng xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích. Nếu chúng ta chỉ dùng từ “dịch vụ công” là không minh bạch và dẫn đến hậu quả một số điều sau không rõ ràng và không có cơ chế pháp lý phù hợp.

Ngoài ra, bà Khánh cũng đề nghị bổ sung các khoản về khái niệm khu vực công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích cho rõ ràng, dễ hiểu và có thể tham khảo ở trong hồ sơ của Luật Hành chính công. Khoản 9 quy định như trong dự thảo luật là chưa đầy đủ, không rõ ràng. Bản thân quy định này cũng trái với nội dung của Luật Doanh nghiệp.

Thứ ba, về lĩnh vực đầu tư quy mô và phân loại dự án PPP tại Điều 5. Tại khoản 1 Dự thảo Luật quy định lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP với 8 điểm từ a đến h thiếu cơ sở khoa học, quản lý khoa học hành chính công, không rõ ràng, không đầy đủ, khó áp dụng các cơ chế pháp lý khác nhau. Vì vậy, bà Khánh đề nghị cần phân loại 8 lĩnh vực này thành ba nhóm.

Một là, dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Hai là, dự án đầu tư cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Nhóm này gồm các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nông nghiệp, khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội, công nghệ thông tin, khai thác tài nguyên môi trường, tài nguyên khoáng sản, xử lý ô nhiễm môi trường ở những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ba là, dự án dịch vụ công ích. Nhóm này gồm các lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, điện, nước sạch, công viên cây xanh, bảo vệ đa dạng sinh học, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, xử lý ô nhiễm môi trường của khu vực công, cùng với đó là vấn đề biên giới, hải đảo.

“Nếu quy định rõ ràng như trên, chúng ta sẽ có cơ chế pháp lý tương ứng. Ví dụ, theo phương án một, đối với công trình hạ tầng, cơ chế pháp lý tương ứng là phải bảo đảm quy định của đầu tư công, tức nhà nước và khu vực công, đối tác bình đẳng, chia sẻ rủi ro khi gặp thiên tai, hỏa hoạn, trừ trường hợp bất khả kháng”, bà Khánh cho biết.

Thứ tư, dự án đầu tư cung ứng dịch vụ sự nghiệp công phải bảo đảm quy định thống nhất với các luật chuyên ngành. Nhà nước chia sẻ rủi ro với các đối tác trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn và những trường hợp bất khả kháng.

Thứ năm, với dự án đầu tư cung ứng dịch vụ công ích, đây là trách nhiệm của bất kỳ một nhà nước nào, phải đầu tư trên cơ sở tiền thuế đã đóng góp của nhân dân. Với trường hợp thu hút xã hội hóa, nhà nước có thể khuyến khích nhà đầu tư bằng việc thanh toán theo quy định, đồng thời cũng phải có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Trong những trường hợp cụ thể được quy định ngay trong luật như cơ chế khuyến khích bù lỗ chi phí.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top