Aa

Lực cầu trở lại sau phiên bán tháo, VN-Index chỉ giảm gần 4 điểm

Thứ Bảy, 13/06/2020 - 05:55

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến không còn tiêu cực như ở phiên trước. Thay vào đó, đà hồi phục đã xuất hiện ở nhiều cổ phiếu trụ cột.

Sau phiên bán tháo ngày 11/6, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra hoang mang cùng với đó là việc thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc rất mạnh được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước. Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở và tiếp tục khiến thị trường chứng khoán lao dốc ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 12/6. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục tình trạng bị bán tháo và giảm rất sâu. Có thời điểm, VN-Index giảm gần 26 điểm.

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi lực cầu dâng cao đã hấp thụ hết lượng bán ra và điều này giúp các chỉ số hồi phục trở lại. VN-Index chốt phiên chỉ còn giảm 3,85 điểm (-0,44%) xuống 863,52 điểm. Toàn sàn có 125 mã tăng, 257 mã giảm và 45 mã đứng giá. Trong khi đó, HNX-Index tăng trở lại 0,85 điểm (0,73%) lên 116,91 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng, 88 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (0,02%) lên 55,95 điểm.

Các cổ phiếu như HSG, STB hay HBC đều được kéo lên mức giá trần. Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT vừa đăng ký mua vào đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HSG, thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 16/6 đến ngày 15/7. Nếu giao dịch thành công, ông Vũ nâng sở hữu lên 74,34 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 16,72% vốn.

Các cổ phiếu bị bán mạnh phiên hôm qua như BID, SSI, GAS, FPT, CTG… đều tăng tốt trở lại, trong đó, BID tăng 4,9%, SSI tăng 4%, HPG tăng 3,9%, MWG tăng 3,4%...

Dù vậy, áp lực vẫn còn rất lớn và đến từ các cổ phiếu như KDC, VNM, SAB, VCB hay BVH. Trong đó, KDC giảm đến 4%, VNM giảm 3,5% và lấy đi của VN-Index 2,15 điểm (tương ứng 0,25%), VCB là mã gây áp lực lớn nhất lên VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 2,56 điểm (tương ứng 0,29%).

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 12/6. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự hồi phục cũng diễn ra ở nhiều mã nhưng trạng thái chủ đạo lại là phân hóa do vẫn còn khá nhiều cổ phiếu lao dốc. Các mã như HRB, PPI, TIX, ITA, FIT, HQC… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, HAR Tăng đến 6,6%, FDC tăng 5,4%, CRE tăng 5,1%, DXG tăng 3,9%. Chiều ngược lại, OCH, BII, DRH hay PVR đều bị kéo xuống mức giá sàn. SNZ giảm 9,1%, VCR giảm 7,3%...

Trong khi đó, cả 3 cổ phiếu họ “Vin” là VIC, VHM và VRE đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ, trong đó, VHM giảm 2% xuống 75.000 đồng/cp, VIC giảm 1,3% xuống 91.800 đồng/cp, VRE giảm nhẹ 0,8% xuống 25.900 đồng/cp.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên bán tháo trước nhưng vẫn ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch đạt 754 triệu cổ phiếu, trị giá gần 9.000 tỷ đồng. Vẫn có đến 4 cổ phiếu bất động sản lọt vào top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường, trong đó, HQC đứng đầu với khối lượng vọt lên gần 82 triệu cổ phiếu. ITA tiếp tục khớp lệnh “khủng” cũng với gần 40 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng trên HoSE với giá trị 254 tỷ đồng trong phiên 12/6, tập trung vào VNM (127.4 tỷ đồng), PDR (94 tỷ đồng), TDH (77 tỷ đồng),.. Ở chiều ngược lại, HPG, VNM, SSI dẫn đầu top mua ròng với 47 tỷ đồng, 27 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại sàn HoSE lớn nhất phiên 12/6. Nguồn: Fialda.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng tương lai hầu hết đều tăng điểm đồng thuận với xu hướng chung của chỉ số, duy chỉ có VN30F2009 là giữ nguyên giá tham chiếu.

Theo nhận định của Chứng khoán BIDV (BSC), với xu hướng dòng tiền nội tệ hỗ trợ thị trường, VN-Index sẽ vận động trong vùng điểm 860-900 trong giai đoạn tới.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, diễn biến tiêu cực tiếp tục xảy ra. MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 1,5%. Giảm mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Hàn Quốc với Kospi giảm 2%. Nikkei 225 của Nhật bản giảm 0,7%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite giảm 0,04% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,07%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,7%. ASX 200 của Australia giảm 1,9% trong khi NZX 50 của New Zealand giảm 2,2%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 0,6%, SET 50 của Thái Lan giảm 1,1%, KLCI của Malaysia giảm 0,7% trong khi Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,5%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top