Aa

Lùm xùm chiếc vé máy bay

Thứ Sáu, 07/04/2017 - 12:31

Những ngày gần đây, dư luận nóng lên khi được tin Cục Hàng không đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông, trong đó có đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa.

Áp giá sàn vé máy bay thì ai sẽ có lợi?

Ai sẽ có lợi khi áp giá sàn vé máy bay?

Thế là động chạm nổi lên, không chỉ giữa các chuyên gia ở tầng vĩ mô, giữa các hãng hàng không với nhau mà còn động đến quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng, trong đó không ít người mơ ước trong đời được đi máy bay một lần với chiếc vé giá rẻ.

Trong vụ việc này có rất nhiều điều cần phải suy nghĩ thấu đáo.

Thứ nhất, theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không - khẳng định đây mới chỉ là đề xuất của một hãng hàng không, được đưa ra trong quá trình góp ý vào dự thảo. Lời giải thích nghe thật không ổn chút nào bởi Cục có “bộ não” của Cục, không lẽ cứ mỗi đề nghị của một ai đó là Cục lại hồn nhiên đưa vào một dự thảo văn bản cấp quốc gia?

Thứ hai, nghe nói việc áp giá sàn này là đề xuất của hãng Jetstar Pacific Airlines, một doanh nghiệp hàng không chiếm thị phần rất khiêm tốn trên thị trường, cỡ đâu trên dưới 15%, vậy lý gì để đề xuất của họ có sức nặng “khủng” như vậy đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này?

Lời thì thào ngoài hành lang nói rằng, sức nặng của Jetstar Pacific lại nằm ở Vietnam Airlines kia, vì đây là đại cổ đông chiếm tới 70% cổ phần Jetstar Pacific. Nhưng sức nặng của Vietnam Airlines lại nằm ở cụm từ doanh - nghiệp - nhà - nước!

Lời thì thào chắc là gió cũng bay thôi, nhưng đã để lại trong suy nghĩ nhiều người về hình ảnh “con đẻ, con nuôi”, phân biệt đối xử của quá khứ, hoàn toàn trái ngược với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo hiện đang rất được người dân và đông đảo DN đồng tình.

Thứ ba, có lẽ cũng nên tôn trọng lý lẽ của một hãng hàng không khác đang phát triển với tốc độ đáng ghi nhận với thị phần khoảng 36%, đó là Vietjet Air.

Theo Vietjet Air, việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014. Hơn nữa, trên thế giới hiện nay, không có hãng hàng không hay bất kỳ quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách.

Thảo nào mà trên các phương tiện truyền thông, dư luận đang “chan tương đổ mẻ” vào cách tư duy bảo hộ DNNN, thiếu cân nhắc lợi ích người tiêu dùng của Cục Hàng không.

Mà ai cũng biết rồi, động chạm đến quyền lợi của hàng triệu con người mà không có lý lẽ thỏa đáng thì chưa thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top