Aa

Ma ăn trộm trầu cau

Thứ Ba, 25/12/2018 - 06:00

Câu chuyện ma này xảy ra có lẽ mấy trăm năm về trước. Nhưng tôi thấy câu chuyện này cần được ghi lại đây để có ai đó đọc mà nghĩ về mẹ mình, cho dù một chút. Câu chuyện về lòng hiếu thảo của đứa con đã chết với người mẹ đang sống trong cô độc là câu chuyện của muôn đời, nếu loài người còn muốn sống tử tế và có ý nghĩa.

Phần nhiều những câu chuyện ma là kể về những hồn ma với hai mắt chỉ có lòng trắng hoặc lòng đen, lưỡi dài và đỏ, răng nhọn hoắt, vật vờ, lang thang trong đêm rồi dọa người hoặc than khóc lạnh lẽo, rùng rợn... Cho đến tận bây giờ, tôi mới chỉ một lần nghe được chuyện về ma ăn trộm trầu cau.

Ở quê tôi trước kia, nhà nào cũng trồng dăm ba cây cau vì hồi đó đàn ông, đàn bà đều ăn trầu. Hơn nữa trầu cau có mặt trong rất nhiều sinh hoạt tinh thần của con người, kể cả ở đô thị. Hồi bé, thi thoảng thấy người ta quét vôi lên một đoạn gốc cây cau, tôi hỏi bà tôi vì sao người ta lại làm thế, bà tôi bảo: “Quét vôi để ma không ăn trộm cau”. Tôi lại hỏi bà: “Cau chát thế sao ma lại thích ăn hở bà?”. Bà tôi đáp: “Có lẽ khi sống thích ăn trầu cau nên chết biến thành ma ăn trầu, mà ma còn ăn trộm cau cho mẹ của ma nữa”. Tôi lại hỏi: “Sao ma lại sợ vôi?”. Bà tôi đáp: “Có lẽ ma sống trong bóng tối nên nhìn thấy vôi trắng tưởng ban ngày thì sợ”. Sau những câu hỏi, tôi triền miên trong những ý nghĩ ngây thơ và mông lung rồi chìm vào giấc ngủ.

Trong tuổi thơ mình, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần về hồn ma đi ăn trộm. Lần nào kể, bà tôi cũng mở đầu bằng chuyện về đời sống ngày trước ở các làng quê vô cùng đói rét, nhiều lúc phải ăn rau má, rau bợ, củ chuối... thay cơm. Bởi thế mà làng nào cũng nhiều kẻ trộm hoặc chỉ là người bình thường, đói quá thì đi ăn trộm một vài thứ để ăn và cũng chỉ ăn trộm một vài lần. Ngày đó, thi thoảng trong làng lại có nhà bị mất trộm con gà, ổ trứng, mất trộm luống rau, quả bầu, quả bí, mất trộm chai tương, mất trộm buồng chuối xanh, dăm ba quả bưởi, mất trộm bèo thả dưới ao cho lợn... Nhưng có một thời gian, chừng dăm năm, nhiều nhà mất trộm cau và trầu không.

Hồi đó, cứ sáng dậy thì nhà mất trộm mới biết mình mất cái gì. Thế là chửi đứa ăn trộm. Có người chửi kẻ đã ăn trộm nhà mình cả ngày, có khi chửi cả mấy ngày liền, vì vừa tiếc của vừa tức giận. Nhưng riêng chuyện mất trộm cau thì có điều lạ, là các gia đình không bị mất cả buồng cau một lúc và chỉ mất một dẻ cau. Trong buồng cau thì mỗi dẻ thường có chừng dăm quả. Cho dù mỗi đêm nhà có cau bị mất trộm một dẻ thôi thì sau vài ngày người ta cũng phát hiện ra vì buồng cau cứ thưa dần. Hơn nữa, hồi đó, cây bưởi có bao nhiêu trái, dàn bầu có bao nhiêu quả... người ta đều đếm kỹ vì mọi thứ trong vườn đều là tài sản. Thấy mất cau lại mất cả trầu không thì nghi kẻ trộm lấy mang đi chợ bán. Nhưng ngẫm lại thấy nếu kẻ trộm lấy cau và trầu không đi bán thì nó phải lấy cả buồng cau và hái vơi cả giàn trầu, chứ mỗi lần lấy dăm ba quả và một chúc trầu không (mỗi chúc 12 lá) thì mò đi ăn trộm làm gì cho tốn sức. Thế là người bị mất trộm tin rằng kẻ ăn trộm cau và trầu là để ăn. Đoán chắc như vậy, những nhà trồng cau để ý rình kẻ trộm...

Trầu cau thơm thảo.

Trầu cau thơm thảo.

Chỉ vài đêm sau đó, một nhà đã phát hiện ra kẻ trộm cau. Nhưng người ta không thể nào bắt được tên trộm đó. Khi theo dõi, người ta thấy một người mặc quần áo trắng đi như lướt trên đất. Rồi chỉ trong nháy mắt, bóng người mặc quần áo trắng đó đã vút lên ngọn cau, xé một dẻ cau rồi lại nhẹ nhàng nhảy xuống đất từ ngọn cau rất cao. Sau khi lấy được cau và hái một chúc lá trầu, người mặc quần áo trắng lại đi như lướt về gần giữa làng và biến mất trong một lối ngõ nhỏ hun hút tối như mực. Những người bắt trộm đuổi theo nhưng không tài nào theo kịp. Sau nhiều lần, cánh đàn ông trong làng rất tức giận vì chưa thể bắt được tên kẻ trộm có tài trèo cau nhanh như vậy. Lúc đó trong làng có một người đàn ông leo trèo rất giỏi và cũng hay được nhờ, được thuê xé cau. Người ta bèn mai phục ngay đầu ngõ nhà người trèo cau thuê kia hòng bắt quả tang khi người đó đi ăn trộm cau về chứ không rình ở những nhà có cau nữa. Thế nhưng mai phục suốt mấy ngày mà vẫn không thấy người bẻ cau thuê ra khỏi nhà vào buổi tối, trong khi đó cau của một số nhà vẫn bị mất trộm.

Rồi đến một đêm sáng trăng thì họ vây được kẻ ăn trộm cau. Khi cái bóng người mặc quần áo trắng đang nhẹ nhàng hạ mình như bay từ ngọn cau xuống đất thì đám người mai phục ùa ra. Họ trùm chiếc lưới gai vào tên kẻ trộm mặc quần áo trắng. Và họ sững người kinh hoàng khi thấy tên kẻ trộm thoát ra khỏi cái lưới như là đi xuyên qua và biến mất. Mọi người nghĩ là lưới thủng. Nhưng khi soi đèn xem xét kỹ lưỡng thì họ thấy tấm lưới vẫn còn rất nguyên vẹn. Lúc đó, có người sợ hãi kêu lên: “Ma các ông ạ”.

Từ sau đêm đó, một số người đàn ông trong làng theo dõi tên ăn trộm cau mặc quần áo trắng để xem đó là người hay là ma chứ không có ý định bắt tên trộm nữa. Rồi một đêm, họ nhìn thấy tên trộm không trèo lên cây cau như người thường mà đi dọc cây cau từ gốc lên ngọn. Hái xong cau, bóng người mặc quần áo trắng lại đi từ ngọn cau xuống nhẹ nhàng như người ta đi trên đất vậy. Đến lúc đó, họ mới đinh ninh rằng, đó không phải là người, mà là một hồn ma. Sau khi lấy được cau và hái được trầu thì bóng người mặc quần áo trắng đi như lướt về gần giữa làng rồi biến mất trong lối ngõ như những lần trước. Dân làng sợ hãi nên chẳng ai rình bắt hay chửi rủa gì khi cau nhà họ bị lấy trộm. Những nhà có cau cũng không dám quét vôi trên thân cây cau để đuổi ma nữa vì họ sợ con ma nổi giận sẽ gây hại cho gia đình họ. Hồn ma mặc quần áo trắng vẫn thi thoảng trèo lên cây cau xé cau và hái trầu như thế kéo dài trong khoảng năm năm rồi tự nhiên biến mất cho tới sau này.

Có bao lời bàn tán về hồn ma xé cau và hái trầu. Mỗi người mỗi cách lý giải khác nhau, nhưng ai cũng rơi vào bế tắc. Rồi câu chuyện ma ấy cũng dần dần quên lãng...

Nhưng cuối cùng có một người lý giải được câu chuyện hồn ma kỳ lạ này. Đó là ông lang Tường.

Ông lang Tường vừa làm nghề bốc thuốc, vừa dạy học và là người xem kinh dịch, tướng số giỏi nhất vùng. Nhà ông thường xuyên có khách thiên hạ tìm đến xin ông bắt mạch, kê đơn thuốc hoặc nhờ xem bói, xem ngày giờ làm nhà, cưới xin và cả việc mai táng, cải táng. Trong ngôi nhà ngói ba gian của ông lang Tường chất đầy sách viết bằng chữ nho. Ông chính là người ở trong cái ngõ mà hồn ma sau khi xé trộm cau hái trầu lại lướt về đó và biến mất. Khi câu chuyện ma trèo xé trộm cau được bàn tán ầm ĩ trong làng, ông đã nghe rất kỹ và suy ngẫm. Vì sao cứ xé trộm được cau thì hồn ma lại chạy về xóm của ông? Ông hiểu rằng hồn ma đó chắc chắn phải có một mối liên hệ nào đó với xóm ông đang ở. Xem xét tất cả, ông phát hiện ra bà cụ Doãn sống độc thân.

Cụ Doãn có ba người con, một trai hai gái. Hai người con gái lấy chồng tận trên mạn ngược, có khi mấy năm không về thăm mẹ. Anh Đoan, con trai cụ, lấy vợ và sinh được một đứa con gái. Một đêm anh đi kéo lưới sông về thì bị cảm và đột tử. Cô con dâu ở với cụ Doãn đến sau khi giỗ đầu chồng thì bế con bỏ nhà ra đi và không hề có tin tức gì nữa. Cụ Doãn cứ thế sống một mình trong ngôi nhà tranh vách đất rách nát rồi qua đời dăm năm sau. Khi còn sống, cho dù có những tháng đói chỉ ăn rau nhưng không bao giờ cụ Doãn thiếu trầu cau. Anh Đoan mỗi lần kiếm được cua cá ra chợ bán, dù được ít hay nhiều, đều mua biếu mẹ vài quả cau và dăm lá trầu không. Khi anh Đoan mất, cụ Doãn chẳng còn ai mua trầu cau cho nữa. Cụ cũng chẳng có một xu dính túi mà mua. Nhưng thèm ăn trầu, cụ phải lấy vỏ sung, vỏ ổi ăn với vôi cho đỡ cơn thèm trầu.

Khi biết được câu chuyện ăn trầu của cụ Doãn, ông lang Tường đã mơ hồ nghĩ tới một điều kỳ lạ về hồn ma trèo cau ăn trộm. Vì thế, một ngày có gia đình trong làng kể với mọi người là họ nhìn thấy hồn ma trèo cau nhà họ, ông lang Tường bèn đến nhà cụ Doãn. Ông giật mình khi nhìn thấy trong cái cơi đựng trầu bằng đồng mà cụ Doãn còn giữ lại được là những lá trầu và quả cau đã bổ tư còn tươi. Ông lang Tường đã hiểu ra nguồn gốc của hồn ma ăn trộm cau kia và ông đã ứa nước mắt vì xúc động. Ông hiểu rằng, vì thương người mẹ sống cô độc không người nương tựa và biết rằng lúc nào mẹ cũng thèm ăn trầu, nên linh hồn của người con trai cụ Doãn đã không nỡ bỏ mẹ mình. Cứ vài ba đêm, hồn ma đứa con lại đi xé trộm cau và hái trộm trầu về cho mẹ. Người mẹ cũng không hề biết cau và trầu đó là do hồn ma con mình ăn trộm về cho mình. Vì thế mà cụ Doãn nói với ông lang Tường: “Ở đời vẫn còn người tốt ông lang ạ, thấy con trai tôi mất chẳng còn ai mua trầu cau cho, nên có người thi thoảng vẫn cứ đến cho trầu cau mà chẳng nói gì. Chỉ thấy bóng người vào nhà rồi lại đi”.

Đêm trăng làng quê, nơi lưu giữ nhiều câu chuyện nhân văn bí ẩn.

Đêm trăng làng quê, nơi lưu giữ nhiều câu chuyện nhân văn bí ẩn.

Sau khi cụ Doãn mất thì không nhà nào trong làng còn thấy bị mất cau mất trầu nữa và cũng chẳng ai còn nhìn thấy người mặc quần áo trắng đi dọc gốc đến ngọn cau. Vì mẹ mất rồi chẳng ăn trầu nữa nên hồn ma đứa con trai cũng không đi ăn trộm cau trộm trầu nữa...

Sau này lớn lên, có lúc câu chuyện về hồn ma trèo cau ăn trộm vẫn trở về trong ký ức tôi, nhất là vào ngày giỗ bà tôi hàng năm. Nhớ bà, tôi lại nhớ những câu chuyện bà kể cho anh em tôi thuở ấu thơ. Và sự lý giải về hồn ma ăn trộm cau của ông lang Tường là sự lý giải duy nhất tôi tin.

Câu chuyện ma này xảy ra có lẽ mấy trăm năm về trước. Nhưng tôi thấy câu chuyện này cần được ghi lại đây để có ai đó đọc mà nghĩ về mẹ mình, cho dù một chút. Thời nay, nếu kể chuyện ma hay sự xuất hiện linh hồn của những người đã chết, sẽ có quá nhiều người không tin và cho là tôi ngây thơ, vô tích sự. Nhưng câu chuyện về lòng hiếu thảo của đứa con đã chết với người mẹ đang sống trong cô độc là câu chuyện của muôn đời, nếu loài người còn muốn sống tử tế và có ý nghĩa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top