Aa

Ma đưa lối.....

Thứ Ba, 15/01/2019 - 06:00

Từ sau khi tìm thấy hũ vàng, ông Dụ không bao giờ gặp lại hồn ma bà cụ nữa. Người con trai ông Dụ lấy vợ đã nhiều năm nhưng không có con. Sau khi làm lễ tạ, ông Dụ đem tất cả số vàng trong hũ ra gò sông chôn. Một năm sau, con dâu ông có thai và sinh đôi hai đứa con trai. Ông Dụ vô cùng hạnh phúc. Ông nghĩ đến một ngày nào đó sẽ phải mang chuyện hồn ma bà cụ ăn mày kể lại cho con cháu nghe. Với ông, đó là một bài học về lẽ làm người...

Tôi nhớ vào năm học lớp hai, một buổi tối mùa đông rất lạnh, mẹ cho chúng tôi ngủ trên ổ rơm trong bếp cho ấm vì nhà chẳng có nhiều chăn như bây giờ. Mẹ còn đốt thêm một đống lửa bằng gốc tre khô. Ngủ trong bếp nhưng anh chị em tôi ai cũng thích. Hơi ấm của rơm và hơi lửa làm cho giấc ngủ thật êm đềm. Đêm ấy, mẹ tôi hỏi: “Có đứa nào biết câu ma đưa lối, quỷ dẫn đường không?”. Chị tôi trả lời: “Là người ta bị ma lôi xuống sông”. Mẹ tôi cười bảo chị tôi là ngốc, rồi giải thích cho chúng tôi câu nói ấy. Nhưng vì còn nhỏ  tôi vẫn chẳng làm sao hiểu được đầy đủ. Rồi mẹ nói: “Có người được ma đưa lối để gặp may đấy”. Và mẹ kể câu chuyện ma đưa lối ấy cho chúng tôi nghe.

Vào một năm lâu lắm rồi, nạn đói lan rộng như một bệnh dịch. Làng quê tôi nhỏ bé và càng khốn khổ trong nạn đói ấy. Vậy mà còn thấy, ngày nào cũng có người ăn mày đi qua. Có một bà cụ không biết từ đâu đi đến đầu làng tôi, vì già yếu và đói quá, bà cụ không thể lê nổi bước chân nên ngồi tựa vào bức tường cổng tam quan làng tôi ở ngay dưới chân đê. Ông Dụ là người làng, đi kiếm cá ngoài sông về, gặp bà cụ chìa bàn tay xương xẩu ra xin ăn. Ông chẳng có gì ngoài mấy con cá nhỏ vừa kiếm ngoài sông về. Ông cầm lấy bàn tay bà cụ và nói, chờ ông về nướng mấy con cá nhỏ mang ra cho. Về nhà, ông Dụ vội đốt rơm nướng cá rồi mang ra cho bà cụ cùng quả chuối xanh luộc. Vì đói và yếu quá, bà cụ không thể tự ăn. Ông Dụ đã gỡ thịt con cá nhỏ nhiều xương bón cho bà cụ. Bà cụ vừa ăn vừa nhìn ông Dụ, ứa nước mắt. Cho ăn xong, ông Dụ cõng bà cụ vào cái lều trong chợ nơi đầu làng để bà nằm nghỉ rồi dặn đừng đi đâu, tối ông sẽ nấu bát cháo khoai mang ra cho nữa.

Bên gò sông không có vàng, chỉ có suy ngẫm để làm người thôi.

Bên gò sông không có vàng, chỉ có suy ngẫm để làm người thôi.

Buổi tối, thấy bố mình múc cháo khoai để cho bà cụ, người con trai của ông Dụ đã giằng lấy và cằn nhằn. Bát cháo văng ra khỏi tay ông Dụ, rơi xuống nền nhà. Ông Dụ đành cố vét bát cháo khoai duy nhất là phần của ông để mang đi. Khi ông ra đến lều chợ thì thấy bà cụ đã chết. Ông Dụ tìm một manh chiếu rách định bó xác bà cụ mang ra gò sông chôn. Người con trai cả lại cằn nhằn và ngăn ông làm việc ấy vì bà cụ kia chẳng là họ hàng thân tích gì. Ông Dụ nói với đứa con rằng, có thể đến lúc nào đó ông cũng trở thành kẻ ăn mày và chết đường chết chợ mà không có ai nương tựa. Vậy mà người con trai vẫn cứ ngăn bố mình đi chôn bà cụ. Đợi đến khuya, ông Dụ lấy cớ đi thả lờ rô để mang xác bà cụ đi chôn. Ông đặt bát cháo khoai vét từ nền nhà lên mộ, thắp một nén hương cho bà. Sau ba năm, theo tục thì phải cải táng cho người chết để linh hồn người chết được mát mẻ và yên giấc ngàn thu, nên ông Dự đã một mình nửa đêm đi cải táng cho bà. Vì nghèo, không mua được tiểu sành, ông Dụ mua một chiếc vại nhỏ dùng để muối cà để đựng cốt. Một mình ông Dụ đào mộ bà cụ ăn mày lên và rửa ráy hài cốt đến gần sáng thì xong. Sau đó, những lúc đi kiếm cá sông, ông Dụ lại ghé qua chăm sóc ngôi mộ của bà cụ ăn mày.

Một đêm, vào khoảng canh ba,  trong giấc ngủ chập chờn, ông Dụ thấy một người ăn mặc rách rưới đứng ở cuối giường nhìn ông. Ông Dụ hoảng hốt ngồi dậy hỏi ai đấy thì nghe bóng người kia nói: “Tôi là người ăn mày, khi sống được ông cho ăn, khi chết được ông chôn cất tử tế, không bao giờ tôi quên ơn ông, tôi về đây để cám ơn ông, ông hãy đi theo tôi”. Ông Dụ nhận ra đó là bà cụ ăn mày. Ông thắp ngọn đèn dầu lên thì không thấy bà cụ đâu nữa. Ông nghĩ có lẽ mộ bà cụ có chuyện gì xảy ra làm động mồ động mả nên hồn ma bà cụ hiện về. Nghĩ vậy, đợi trời hửng sáng, ông ra bờ sông tìm đến phần mộ. Ông xem xét nhưng không thấy nó bị xói lở hay có gì khác thường cả. Ông cho rằng hình hài bà cụ ăn mày đã chết mà ông nhìn thấy trong đêm chắc là do nửa thức nửa ngủ ông tưởng tượng ra mà thôi.

Nhưng rồi những đêm sau đó, cứ thi thoảng ông lại thấy bà cụ ăn mày hiện về. Ông Dự nói với hồn ma bà cụ là nhà ông nghèo nên khi bà cụ mất không có áo quan mai táng và khi cải táng cũng chẳng có tiểu sành, mong bà cụ thông cảm. Nghe ông Dụ nói vậy, hồn ma bà cụ ăn mày nói: “Tôi chết rồi nhưng mãi mãi mang ơn ông đã đối xử với tôi tử tể đến như thế. Tôi chưa thể rời khỏi đây vì muốn trả ơn ông. Ông hãy đi theo tôi. Tôi không làm gì hại ông đâu mà sợ”. Cho dù hồn ma nói vậy nhưng ông Dụ vẫn cho rằng do bà cụ ăn mày chết đói chết khát, chết tha phương không có con cháu hay người thân nên không siêu thoát. Vào ngày đầu tháng sau đó, ông sắm bát cơm, quả trứng, nải chuối đợi đêm tối ra mộ bà cụ thắp hương khấn vái mong cho linh hồn bà được siêu thoát. Thế nhưng, thi thoảng hồn ma bà lại vẫn hiện về và vẫn nói ông Dụ đi theo. Cuối cùng, ông Dụ cũng liều đi theo xem sao. Ông nghĩ chắc bà cụ ăn mày còn có điều gì đó muốn nói với ông nên cứ hiện về như thế.

Hồn ma bà cụ ăn mày đi trước ông Dụ lúc tỏ lúc mờ, lúc bước đi như người thường và lúc như bay lơ lửng trước mặt ông. Hồn ma bà cụ dẫn ông ra phía đầu làng về phía bờ sông. Lúc đó, ông càng tin phần mộ bà cụ ăn mày có “động” nên hiện về nói với ông. Nhưng khi đến đầu làng thì hồn ma không đi lên đê để xuống gò sông nơi mà rẽ xuống bờ chiếc giếng đầu làng. Đến bờ giếng, hồn ma chỉ xuống chiếc cầu đá và nói: “Ông lặn xuống giếng ở phía dưới chiếc cầu đá này. Ở sát chân chiếc cầu đá có một cái hũ sành. Ông lấy mang về và đừng cho ai biết. Tôi mang ơn ông và muốn được trả ơn ông”. Nói xong, hồn ma bà cụ ăn mày tan như khói, biến mất. Ông Dụ đứng mãi bên bờ giếng nhưng không làm theo lời hồn ma. Ông đi về nhà...

Ít ngày sau, vào lúc canh ba, hồn ma bà cụ ăn mày lại hiện về đứng phía đuôi giường của ông Dụ và hỏi: “Sao ông không lặn xuống giếng lấy cái hũ sành? Ông nghe lời tôi một lần đi. Rồi tôi sẽ không về làm phiền ông nữa”. Sau mấy ngày suy nghĩ, ông Dụ thấy nên làm theo lời hồn ma để bà cụ có thể siêu thoát. Thế là, vào một đêm, ông Dụ ra chiếc giếng đầu làng lặn xuống. Phải lặn đến lần thứ ba ông mới chạm tay vào chiếc hũ sành mà người ta thường để làm mắm. Khi mang được chiếc hũ sành lên bờ giếng, ông ngồi rất lâu. Ông vừa hồi hộp vừa lo lắng không biết trong chiếc hũ sành có gì. Ông ôm chiếc hũ sành về nhà. Phải đến mấy ngày sau, đợi khi vợ chồng người con trai đi làm, ông mới mang chiếc hũ sành ra mở. Chiếc hũ sành khá nặng và miệng được đậy bằng một chiếc đĩa gốm nhỏ có gắn vôi trộn mật nên rất chắc. Cuối cùng ông phải đập cái hũ ra. Khi chiếc hũ sành bị đập vỡ, ông bàng hoàng khi thấy những thỏi vàng. Lúc này, ông mới hoàn toàn tin chuyện hồn ma là có thật. Mấy ngày sau, ông sắm một mâm lễ và ra mộ cụ bà ăn mày thắp hương khấn vái: “Tôi xin đa tạ lòng tốt của cụ. Tôi vốn không ham vàng ham bạc, nếu cụ thương tôi thì xin cụ cho con trai tôi một mụn con trai để lấy người nối dõi tổ tông”.

Từ sau khi tìm thấy hũ vàng, ông Dụ không bao giờ gặp lại hồn ma bà cụ nữa. Người con trai ông Dụ lấy vợ đã nhiều năm nhưng không có con. Sau khi làm lễ tạ, ông Dụ đem tất cả số vàng trong hũ ra gò sông chôn. Một năm sau, con dâu ông có thai và sinh đôi hai đứa con trai. Ông Dụ vô cùng hạnh phúc. Ông nghĩ đến một ngày nào đó sẽ phải mang chuyện hồn ma bà cụ ăn mày kể lại cho con cháu nghe. Với ông, đó là một bài học về lẽ làm người. Ông nhận thấy là ông không hề ốm đau gì kể từ chôn đi số vàng. Ông mạnh khỏe như trai tráng. Cuộc sống nhà ông mỗi ngày một khá lên. Hai đứa cháu trai của ông khỏe mạnh, ngoan ngoãn và thông minh. Ông Dụ  sống trong hạnh phúc với con cháu cho tới 99 tuổi thì mất. Một buổi chiều, ông nằm trên chiếc chõng tre kê ở hiên nhà hóng gió và ngủ giấc vĩnh viễn.

Sau ngày ông Dụ mất, người con trai kể cho vợ nghe là ông đã nói cho anh ta nghe về chuyện hồn ma bà cụ ăn mày cũng như chuyện hũ vàng chôn ở gò sông nhưng không nói nơi chôn cụ thể. Người con trai đã nhiều lần gặng hỏi nhưng ông Dụ chỉ bảo: “Hai đứa con trai của con là hai hũ vàng lớn nhất. Hãy chăm sóc chúng nó chứ đừng để tâm đến cái hũ sành kia làm gì...”. Người con dâu nghe được câu chuyện, đã đi kể cho hết người này đến người khác. Chỉ ít sau, câu chuyện về hồn ma bà cụ ăn mày và hũ vàng được cả làng tôi và những làng lân cận đều biết. Thế là cuộc săn tìm hũ vàng bắt đầu. Người ta càng tin có hũ vàng vì khi tìm hũ vàng họ đào thấy cái vại sành đựng hài cốt bà cụ ăn mày đúng như trong lời kể. Thế nhưng, họ đào tung cả cái gò sông ra vẫn không tìm thấy vàng. Một thời, người ta đồn đại là có người tìm thấy số vàng đó, nhưng chẳng biết cụ thể là ai.

Cho đến tận ngày nay, thi thoảng vẫn có người dùng cái thuốn sắt đi dò tìm số vàng ấy...



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top