Aa

Ma trận giăng bẫy bất động sản: Những cơn sốt ảo thống trị thị trường

Thứ Ba, 27/11/2018 - 06:01

Tạo “sóng” bằng cách tung thông tin thất thiệt, “tô hồng” quy hoạch, thậm chí giả chữ ký của lãnh đạo thành phố là những sự việc đang diễn ra tại Đà Nẵng và khu vực lân cận.

Cảnh nhộn nhịp, tấp nập tại Hòa Liên khi xảy ra sốt đất

Cảnh nhộn nhịp, tấp nập tại Hòa Liên khi xảy ra sốt đất

Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, đất nền tại khu vực Hòa Xuân và khu đô thị Nam Việt Á bỗng “sốt” nóng thất thường. Môi giới, nhà đầu tư đua nhau đổ về khu vực này, kéo theo đó giá đất “nhảy” lên từng ngày.

Tung tin thất thiệt

Nguyên nhân của hiện tượng này là trên mạng xã hội lan truyền văn bản do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký đồng ý chủ trương xây cầu nối khu đô thị Nam cầu Tuyên Sơn cuối đường Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn) sang khu đô thị sinh thái Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ).

Một môi giới tại khu vực này cho biết, giá đất nền tại đây càng “nóng” khi xuất hiện thêm văn bản được cho là của một Tập đoàn ký ngày 23/10 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích những lợi ích về việc xây cầu nối đường Bùi Tá Hán đến khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân. Phần cuối, văn bản này đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo UBND TP Đà Nẵng bố trí kế hoạch vốn ngân sách để xây dựng công trình. Trong trường hợp thành phố chưa bố trí vốn đầu tư thì đơn vị này tham gia tạm ứng trước, thành phố hoàn trả sau.

"Liên tiếp hai văn bản được tung ra cách nhau chỉ trong 1 tuần nên giá đất tại khu vực này liên tục tăng chóng mặt và dù đã có khẳng định của lãnh đạo UBND TP đây là văn bản giả mạo nhưng không vì thế mà giá đất tại đây đi xuống” - vị này cho biết.

Khu vực đươc môi giới cho rằng sẽ xây cầu và văn bản giả mạo chữ ký của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tạo sốt đất ảo

Khu vực đươc môi giới cho rằng sẽ xây cầu và văn bản giả mạo chữ ký của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tạo sốt đất ảo

Trước đó, vào đầu tháng 10/2018, giá nền đất tái định cư ở Hòa Liên, Hòa Vang, TP Đà Nẵng bỗng dưng tăng chóng mặt khiến nhiều người dân, nhà đầu tư đổ xô đi mua. Chỉ trong vài ngày, giá đất nền, đất phân lô dọc các trục đường 5,5 m và 7,5 m đẩy lên 1,2 tỷ đến 1,6 tỷ/lô so với mức từ 700 đến 800 triệu đồng/nền trước đây.

Chị Nhân – một môi giới tại đây nhớ lại: Khi đó, dòng người liên tục kéo về Hòa Liên để mua đất và nhiều người phải chen lấn, giành giật nhau dù đất tại đây còn rất nhiều. “Làm trong nghề nên tôi được biết, các cò đất trước đó ra thông báo ngầm với nhau về việc chuẩn bị dàn quân để tạo cơn sốt, đóng giả làm khách hàng, ký kết hợp đồng giao dịch giả và sau đó là hoạt động sang tay nhau mảnh đất mới mua để hưởng lợi. Chỉ có người mua cuối cùng là thiệt””.

Những nạn nhân đầu tiên

Anh Đặng Giang – một công chức tại Đà Nẵng kể lại câu chuyện của hàng xóm nhà mình khi tham gia vào cơn sốt đất tại Hòa Liên vào đầu tháng 10/2018.

Chuyện là, hai vợ chồng người hàng xóm này sau nhiều năm tích cóp được 600 triệu đồng. Có tiền, thấy mọi người nói chuyện đất Hòa Liên đang sốt nên chị vợ cũng lên tìm hiểu. Được môi giới giới thiệu về một “cặp” với mức giá 2,9 tỷ đồng cùng nhiều lời “tô hồng” về tương lai nên chị lưỡng lự xuống tiền đặt cọc. Liền lúc đó, một người xuất hiện thấy “cặp” đất đẹp quá, định mua lại nhưng nghe nói chị đã mua rồi nên đề nghị chị bán lại cho mình với giá chênh 100 triệu/lô cùng điều kiện phải sang tên chính chủ của chị.

Thấy “dễ ăn” chị đặt cọc 2 lô đất nói trên đồng thời về “vay nóng, vay nguội” thêm 2,4 tỷ đồng nữa để làm thủ tục sang tên “cặp” đất nói trên. Tuy nhiên, sau khi sang tên gọi lại người đã đề nghị mua thì người này không bắt máy. “Qua cơn sốt, đất Hòa Liên rớt giá khoảng 200 triệu/lô nhưng hàng không bán ra được nên gia đình chị mỗi ngày phải trả 2 triệu cho khoảng vay nóng, vay nguội để đầu tư “cặp” đất nói trên” - anh Giang kể.

Nói về những cơn sốt ảo thống trị thị trường thời gian qua, ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản cho biết: Những ai tham gia sớm, rút khỏi thị trường sớm thì thu được nhiều tiền, nhiều gia đình giàu lên rất nhanh còn ai tham gia muộn và chưa kịp rút ra khỏi thị trường thì đổ vỡ, lâm nợ, thậm chí là phá sản. “Nên mỗi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định, không nên đầu tư theo kiểu phong trào sẽ dễ nhận rủi ro”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top