Aa

Mạng xã hội như hãng hàng không

Thứ Bảy, 21/09/2019 - 16:29

Tuần này, "rổn rảng nhất" là chuyện ra mắt mạng xã hội Lotus ở ta, được quảng cáo là thuần Việt, thấy công bố được đầu tư nhiều tiền nhất, những 1.200 tỷ đồng. Lãnh đạo đến dự phát biểu cũng bày tỏ kỳ vọng nhất…

Cách đây hơn 2 tháng (23/7), "rổn rảng" ít hơn chút, là lễ ra mắt, cũng một mạng xã hội của người Việt, mang tên Gapo, với số tiền đầu tư ít hơn, đâu như là 500 tỷ đồng. Trước đó nữa, vào tháng 6, một mạng xã hội có tên là Hahalolo trình làng. Những người chủ trì tuyên bố là sẽ cạnh tranh trực tiếp với Facebook, sẽ đạt 2 tỷ người dùng vào năm 2024 và sẽ lên sàn chứng khoán tại Mỹ năm 2025…

Từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2019, sẽ có ít nhất 5 mạng xã hội "Made in Vietnam" ra đời.

Bây giờ, chắc nhiều người không còn nhớ hết tên các mạng xã hội của người Việt đã ra đời, như: Zingme, Yume.vn, Tamtay.vn, Zalo.vn, Go.vn, Biztime… Nhưng câu chuyện "vừa khai sinh đã khai tử" thì vẫn thời sự. Cụ thể là Hahalolo bị phát hiện hoạt động mô hình ví điện tử chưa xin cấp phép, Gapo ngừng hoạt động với lý do quá tải, Biztime thì giống hệt giao diện của Facebook…

Tôi là người không bi quan, cũng không lạc quan tếu. Ngay sau khi ra mắt, cái mạng Lotus "rổn rảng nhất" ấy đã được chỉ ra bao nhiêu cái hạn chế, những người chủ trì mạng này đã nhận ngay ra những "lỗ hổng" của mình, thì tôi vẫn cho rằng, thời nay, các mạng xã hội mới ra đời thì cũng như… những hãng hàng không ra đời ở ta thôi.

Có thể ban đầu bị phê phán, bị soi xét tỉ mỉ, nhưng với thời gian, thêm nhiều hãng bay vẫn là tốt hơn cho người bay lựa chọn. Theo thời gian, có khối hãng đã biến mất, đã phá sản, nhưng có những hãng đã tồn tại, ít nhiều thì vẫn có người lựa chọn để bay, và dần ít đi những phàn nàn. Rồi lại thấy thêm các hãng nữa đang thành lập, sắp thành lập… càng mừng.

Mạng xã hội của người Việt, thì cũng như xe máy, ôtô sản xuất tại Việt Nam. Mới ra đời cũng đầy nghi ngờ, phán xét, bóc phốt, đến giờ có những cái tên đã biến mất vô tăm tích, nhưng cũng đã thấy nhiều xe máy, ô tô Việt chạy trên đường phố dày đặc phương tiện giao thông rồi.

Tôi là một người tiêu dùng không bảo thủ, cũng không xốc nổi. Tôi chậm chạp tiếp nhận, nhưng khi thấy ổn thì khó bỏ đi. Tôi nằm trong số đông nhất những người tiêu dùng thời nay. Khi Facebook phát triển, tôi không phát sốt lên, nhưng rồi có người bạn bảo hay lắm, lập tài khoản cho tôi và tôi… từ từ dùng, càng ngày càng thấy ổn và chưa có ý định tìm cái khác thay thế. Việc nhắn tin và trò chuyện với mọi người qua mạng Zalo cũng y như thế và giờ đang vẫn rất ổn.

Cái gì phát kiến sau, đi sau, phải chiếm lĩnh sau, dù ở ngay trên đất nước xứ sở của mình, thì đều có những thế mạnh và cũng vô cùng khó khăn. Để có thể thành công và đứng vững được, là không thể dễ dàng.

Tôi nhớ câu chuyện nhà tư sản Bạch Thái Bưởi trở thành "Vua tàu thủy đất Bắc". Ngày ấy, ông quyết tâm mua tàu, đóng tầu thủy để chở khách là dân mình trên các tuyến đường sông, đường biển. Ông phải cạnh tranh một cách đàng hoàng và rất khốc liệt với những đội tàu của người Pháp và Hoa kiều. Ông không nói xấu đối thủ, ông chỉ kêu gọi người Việt đi tàu của người Việt ta. Ông hứa là tàu người Việt sẽ không kém cỏi gì cả.

Các chủ thuyền người Hoa sừng sỏ, điên tiết, muốn "bóp chết" ngay ông. Ông hạ giá vé tàu, người Hoa lập tức hạ giá sâu hơn. Ông phục vụ miễn phí nước chè, nước vối cho khách đi tàu, thì người Hoa cũng phục vụ chu đáo hơn. Cuối cùng, ông tìm ra một cái "độc đáo" hơn cả, cho đội hát chèo lên tàu, phát những cái quạt bằng mo cau để quạt mát và hát, diễn chèo cho khách xem. Đến đoạn này thì các chủ tàu người Hoa chịu thua, chả nhẽ lại cho gái Hoa tập rồi hát chèo hay biểu diễn Kinh kịch…

Cùng với đó, Bạch Thái Bưởi cho người đi khắp nơi dán những thông cáo về chương trình của mình, lên cả báo chí để nói cho dân ta biết, mình có tâm nguyện là người Việt muốn phục vụ người Việt trên đất Việt, mình còn nhỏ bé lắm nên mong mỏi mọi người Việt ủng hộ mình.

Tuyệt nhiên, không thấy ông nói xấu tàu Pháp, tàu Hoa, cũng không khoe mình mạnh lực lắm tiền, mình muốn vươn lên thành trùm, thành vua… Cứ thế, mà ông thành công dần. Ông cạnh tranh với đối thủ ngoại quốc thành công trong sự mến phục của dân ta, ông thành nhà tư sản dân tộc, là niềm tự hào của người Việt…

Mạng xã hội của người Việt chắc còn gian nan, con đường đến thành công chắc chắn không dễ dàng, mặc dù không bị các đối thủ nước ngoài quyết "bóp chết" trong cạnh tranh như thời xưa của Bạch Thái Bưởi.

Nói thật, nghe những gì từ lễ ra mắt mấy mạng xã hội vừa qua, tôi cứ thấy "gờn gợn", cứ thấy "nổ" đùng đoàng sao sao ấy. Nào là chiếm lĩnh, thu hút người dùng, nào là tỏa sáng giá trị, nào là đầu tư lớn và nhanh thu hồi… Cùng với đó là thái độ phê phán đối thủ phải cạnh tranh không tiếc lời, những là khó kiểm soát họ cả về nội dung, bí mật dữ liệu, rồi tố họ có vấn đề về thu phí, về nộp thuế…

Làm mạng xã hội thì phải tìm hiểu lịch sử của mạng xã hội mà học. Phải biết tại sao Facebook phát triển? Hành trình ấy như thế nào? Họ đã lan tỏa, tạo nên cảm giác tin cậy ở người dùng ra sao? Thấm cho kỹ những điều ấy để tìm lấy cái bí quyết riêng của mình mà đàng hoàng và sòng phẳng cạnh tranh với họ thì mới hy vọng ăn thua được. Cứ "nổ" rầm rầm thì chỉ tạo nên được sự chú ý ban đầu một thời gian ngắn thôi, chả đi đường dài được.

Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, khi khởi nghiệp là xác định mình đang thực hiện sứ mệnh cung cấp Internet cho mọi người trên thế giới, với triết lý chia sẻ cùng các nhà đầu tư của mình: "Chúng ta không tạo nên dịch vụ để kiếm tiền, chúng ta kiếm tiền để phát triển dịch vụ tốt hơn".

Bây giờ, vẫn chưa thể chỉ ra được một triết lý nào khác mà hay hơn như thế!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top