Aa

Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn không thay đổi so với trước khi xảy ra dịch bệnh?

Thứ Tư, 22/04/2020 - 06:00

Mặc dù các ngân hàng đua công bố gói tín dụng ưu đãi nhưng mặt bằng lãi suất cho vay, theo số liệu công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lại cho thấy sự khác biệt.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo thị trường tiền tệ tuần đến ngày 10/4/2020.

Báo cáo cho biết, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 - 7,4%/năm. Lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Về lãi suất cho vay, số liệu từ báo cáo cũng cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD trong khi đó phổ biến ở mức 3,0 - 6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5 - 6,0%/năm.

Như vậy, đối chiếu với các báo cáo về thị trường tiền tệ những tuần và những tháng trước, số liệu về mặt bằng lãi suất cho vay tuần vừa qua không có gì thay đổi. Điều này là khá bất ngờ bởi lẽ thời gian qua, nhất là từ đầu tháng 4/2020, các ngân hàng đã đồng loạt vào cuộc giảm lãi suất cho vay. Như lãnh đạo NHNN từng thông tin tại cuộc họp của cơ quan này với các ngân hàng thương mại hôm 31/3 cho thấy, có hơn 20 ngân hàng, chiếm khoảng 75% thị phần về tín dụng, đã cam kết giảm lãi suất ít nhất 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Ảnh minh họa.

Và như vậy cũng có thể liên tưởng tới 2 khả năng, một là số liệu của NHNN chưa cập nhật sát tình hình lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng thương mại, hai là các ngân hàng vẫn chưa giảm lãi suất, hoặc là mức giảm chưa đủ để tạo nên mặt bằng mới? 

Cần nhắc lại rằng, vấn đề hạ lãi suất đang được cả nền kinh tế chú ý vì NHNN đã có yêu cầu các ngân hàng thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (tại Thông tư 01 ngày 13/3) trong khi các ngân hàng cũng đã đồng loạt công bố về việc giảm mạnh lãi suất với các gói tín dụng ưu đãi triển khai từ đầu tháng 4 tới nay lên đến hơn 600.000 tỷ đồng. 

Tại báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tuần tới 10/4, NHNN cũng cho biết, theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 255.336 tỷ đồng, bình quân 51.067 tỷ đồng/ngày, giảm 3.389 tỷ đồng/ngày so với tuần 30/03 - 03/04/2020; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 125.938 tỷ đồng, bình quân 25.188 tỷ đồng/ngày, tăng  1.676 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (71% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (16% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 78% và 10%.

Về lãi suất, so với tuần trước đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần dao động nhẹ ở các kỳ hạn. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 2,78%/năm, 2,89%/năm và 3,64%/năm.

Còn đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng giảm ở các kì hạn chủ chốt so với mức lãi suất tuần trước. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt là 0,89%/năm, 0,85%/năm và 0,38%/năm xuống mức 0,49%/năm, 0,7%/năm và 1,42%/năm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top