Aa

Mâu thuẫn của buýt nhanh BRT

Thứ Năm, 12/01/2017 - 03:43

Câu chuyện về buýt nhanh ở Hà Nội gần đây khiến tôi nhớ mình từng hai lần thi trượt bằng lái xe ôtô ở Thụy Sĩ vì xe buýt.

Một lần phải rẽ phải mà làn ưu tiên xe buýt là bên phải, thấy đằng trước nhiều ôtô, làn buýt không có xe, tôi chuyển sang làn buýt trước khi kết thúc vạch phân cách vài mét để chuẩn bị rẽ sớm một chút, thế là bị đánh trượt. Thói quen suy nghĩ “đơn giản” khi tham gia giao thông như ở Việt Nam của tôi còn cần thời gian để sửa.

Lần thi khác, tôi phải lái xe qua một con đường có hệ thống đèn nhưng nhiều lần đi qua tôi chỉ thấy nhấp nháy vàng, chưa lần nào thấy bật đỏ. Bỗng nhiên hôm thi nó không nháy nữa rồi chuyển sang đèn đỏ khá nhanh làm tôi phải phanh gấp. Lại trượt tiếp. Thì ra có chiếc buýt từ phía xa sắp đến thì hệ thống đèn đỏ mới hoạt động. Ở đây xe buýt được chủ động điều khiển tốc độ đèn xanh đỏ.

Về sau khi đã có bằng lái xe, thỉnh thoảng gặp một chiếc xe buýt đi ngược chiều muốn rẽ trái, dù xe mình được ưu tiên, tôi vẫn đi chậm lại nháy đèn nhường xe buýt rẽ trước như bao người dân ở đây, vì làm như vậy, tôi hiểu mình không chỉ nhường một chiếc xe, mà đang tôn trọng hàng chục con người trên đó cần đến bến đúng giờ.

Bạn bè tôi từ Pháp, Mỹ sang chơi Thụy Sĩ ít nhiều đều bị dính hoá đơn phạt vì vi phạm giao thông, đều là phạt “nguội”.

Camera tự động chụp hình biển số lúc mình quá tốc độ hay vượt đèn, gửi hoá đơn về địa chỉ nhà. Có bạn từ Mỹ sang tháng đầu dính đến 3 - 4 cái hoá đơn. Có những lỗi không phải dễ thích nghi dù lái xe lâu năm. Camera bắn tốc độ và vượt đèn đỏ bị “mang tiếng” là máy kiếm tiền của Thụy Sĩ. Ví dụ năm 2009 riêng Geneve thu 15,8 triệu franc qua gần 160.000 hoá đơn bắn tốc độ tự động.

Với chính sách khắt khe với phương tiện cá nhân, khuyến khích mọi người dùng phương tiện công cộng, năm 2014 Thụy Sĩ vẫn giữ kỷ lục thế giới về số km sử dụng phương tiện công cộng của người dân với 2303 km/ người/ năm. Theo sau là Nhật Bản với 1912 km, Pháp 1301 km…

Hệ thống buýt nhanh BRT vừa đưa vào hoạt động ở Hà Nội.

Hệ thống buýt nhanh BRT vừa hoạt động chính thức ở Hà Nội.

Mấy ngày nay, tôi vẫn thấy những phàn nàn về sự chậm trễ của buýt nhanh ở Hà Nội, vẫn còn nhiều người dân, thậm chí xe biển xanh đi lấn làn xe buýt, hay còn những suy nghĩ “đơn giản” như: “Xe buýt có đỗ trước cửa nhà tôi như xe máy không?”.

Nhưng những câu chuyện lấn làn, tạt đầu xe buýt nhanh, theo các tường thuật, đang có xu hướng giảm, khi việc cương quyết xử phạt bắt đầu được thực hiện. Trên trục đường của tuyến xe buýt nhanh bây giờ, xe hơi và xe máy bắt đầu có thói quen đi đúng làn quy định.

Nó sẽ buộc phải trở thành một bước khởi đầu quyết liệt để tạo ra cả một hệ sinh thái nghiêm khắc như những gì tôi đã thấy ở các quốc gia phát triển.

Một tuyến xe buýt nhanh (và sắp tới sẽ thêm các tuyến khác) sẽ là tiền đề cho rất nhiều thứ: một cuộc truyền thông sâu rộng về phương tiện công cộng; một cuộc tranh luận lớn trên quy mô xã hội để bật ra ý thức của người dân; các chế tài xử phạt cho việc lấn làn cũng sẽ phải hoàn thiện hơn, không chỉ cho tuyến buýt nhanh. Trước tình trạng hỗn độn trong vận hành xe buýt nhanh những ngày đầu, nhiều người muốn có thêm công nghệ, như là camera hành trình cho xe buýt nhanh, CCTV, để quản lý và xử phạt trên làn đường này...

Từ tuyến xe buýt nhanh này, tôi hy vọng tạo ra một “hệ sinh thái” góp phần vào sự phát triển của thủ đô: Người dân sẽ có ý thức với giao thông hơn, công an giao thông sẽ nghiêm khắc, minh bạch hơn, cơ sở hạ tầng cho giao thông xây dựng sẽ hợp lý và tử tế hơn, công nghệ sẽ áp dụng nhiều hơn cho giao thông quy hoạch, quản lý hành chính sẽ giản tiện, hiệu quả hơn trong việc xử lý vi phạm giao thông.

Cuộc thử nghiệm có vẻ đầy xung đột này chắc chắn sẽ còn tạo ra nhiều hệ quả, nhiều tranh luận nữa. Nhưng nếu chỉ có phương tiện cá nhân, thì giao thông vĩnh viễn là một cuộc thỏa hiệp khổng lồ. Nhiều người nước ngoài tới Việt Nam khó có thể hiểu nổi, tại sao phương tiện giao thông của chúng ta di chuyển linh hoạt, lắt léo và vô tổ chức như thế mà vẫn tránh được nhau, tránh được người đi bộ. Có lẽ vì chúng ta "giỏi" trong thỏa hiệp khi đi trên đường, tìm cho mình một lối thoát trước mắt mà không nhận ra một khối tắc khổng lồ trong tương lai.

Mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn là tiền đề cho sự phát triển, chứ không phải sự thỏa hiệp. Tôi tin nếu chúng ta ngừng thoả hiệp với văn hoá giao thông "vô tổ chức", Hà Nội sẽ giữ được tuyến buýt nhanh hoạt động trôi chảy, đúng giờ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top