Aa

Mới chỉ giải quyết bề nổi của "tảng băng chìm"

Thứ Ba, 22/05/2018 - 20:31

"Chuyện mất nước là nhỏ, nhưng nếu việc nhỏ không giải quyết sẽ thành việc lớn. Mâu thuẫn, tranh chấp trong chung cư sẽ xuất hiện nhiều hơn", Ths. Luật sư Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt Nam nhận định về tình trạng đến hẹn lại... mất nước ở các chung cư.

Câu chuyện nước sạch phập phù, lúc có lúc không và mất nước thường không… hẹn trước khiến người dân không có kế hoạch dự phòng là tình trạng chung của nhiều khu chung cư giữa lòng Hà Nội. Và câu chuyện chung cư khát nước sẽ thành tiểu thuyết không hồi kết nếu như các đơn vị có trách nhiệm chỉ giải quyết phần ngọn, giống như bề nổi của tảng băng chìm.

Loanh quanh câu chuyện nguyên nhân và trách nhiệm

Chỉ trong vòng một tháng qua, nhiều chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội phải sống chung với chuyện mất nước, điển hình phải kể đến khu chung cư Mulberry Lane (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội); chung cư Thăng Long Tower (99 Mạc Thái Tổ, Cầu Giấy, Hà Nội) mất nước liên tục trong một tuần khiến người dân mệt mỏi. Thậm chí, gần đây nhất là câu chuyện của chung cư viện 103 Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) mất nước ròng rã suốt gần 1 tháng trời khiến người dân vô cùng bức xúc.

Cư dân chung cư viện 103 khốn khổ vì cảnh thiếu nước sinh hoạt ròng rã hàng tháng trời

Cư dân chung cư viện 103 khốn khổ vì cảnh thiếu nước sinh hoạt ròng rã hàng tháng trời

Nhìn một cách toàn diện, câu chuyện bất cập về cấp nước tại chung cư Hà Nội thời gian qua không chỉ còn cá biệt đối với riêng một tòa nhà, một khu đô thị. Không ít chuyên gia cho rằng, những bất cập về thiết kế kỹ thuật của tòa nhà chung cư cũng là nguyên nhân khiến lưu lượng nước vào bể ngầm không đủ phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.

Mặc dù, theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo mùa hè 2018 nắng nóng sẽ không quá gay gắt. Tuy nhiên, do lượng nước sử dụng ước tăng khoảng 6% so với năm trước nên một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao vẫn thường trực nỗi lo thiếu nước vào cao điểm mùa hè.

Nhận xét về việc thiết kế các tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó có hệ thống cấp nước sạch, Ths.KTS.Trần Thanh Ý - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đô thị chia sẻ với Reatimes, để phục vụ nhu cầu cho cuộc sống thì ngoài diện tích nhà ở thì phải kể đến nhu cầu điện, cấp nước, thông tin liên lạc, hạ tầng, giao thông.

Trước đây, khi xây dựng các khu chung cư, người ta phải tính toán đến nhu cầu sử dụng nước của người dân, ở chung cư cao cấp thì được cho phép sử dụng nhiều hơn tức là không những chỉ tắm vòi hoa sen mà còn được tắm bồn. Càng ở chung cư cao cấp, càng có nhu cầu cao hơn về tiện nghi sử dụng thì chủ đầu tư và thiết kế càng phải tính đến nhu cầu sử dụng nước bao nhiêu cho thực tế, phải tính toán số dân cư để biết dự báo số nước.

Nguyên nhất mất nước có thể là do không tính toán sát thực tế khiến chuyện mất nước quay vòng. Ngoài ra, một số chung cư trồng cây, trồng rau ở hành lang, mái nhà, ban công, nếu không ứng dụng công nghệ thì phải dùng nước sạch để tưới thủ công và chưa ai tính đến lượng nước tưới cây đó cũng vô tình làm thiếu nguồn nước sinh hoạt.

Ths. KTS.Trần Thanh Ý cho hay: “Trong thiết kế chung cư, nước từ bể bơi, nước sinh hoạt hay phòng cháy chữa cháy đều lấy từ một nguồn nước nhưng thiết kế các đường ống cung cấp riêng. Ví như một tòa nhà chung cư khoảng 20 tầng có bể chứa nước ngầm với dung tích khoảng 400m3 thì đã mất khoảng 100 - 200m3 nước cho phòng cháy chữa cháy, 100m3 trong bể chứa sẽ chia theo các đường ống để bơm lên tầng thượng và chảy vào đường ống mỗi căn hộ. Chuyện mất nước nếu kéo dài thì phải xem xét thiết kế bể chứa nước có đạt dung tích để cung cấp cho tòa nhà hay không? đường ống có vấn đề không? đồng hồ cấp nước có đạt tiêu chuẩn không?”.

Nói về quan điểm của mình, Ths. Luật sư Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt nhấn mạnh: “Tôi khẳng định đầu tiên là trách nhiệm của các đơn vị cấp nước cho người dân đã không thông báo kịp thời. Trường hợp thứ nhất, khi thông báo không kịp thời thì đồng nghĩa với ban quản trị, ban quản lý sẽ không được biết.

Trường hợp thứ 2 là các đơn vị cung cấp về nước đã thông báo kế hoạch là sẽ mất nước hay hỏng đường nước của thành phố cấp cho chung cư. Mà ban quản lý, B không thông báo cho bà con thì đây là trách nhiệm của ban quản trị, ban quản lý ”.

Theo ông Tuấn phân tích, có một tình trạng nữa ở một số dự án như bán đảo Linh Đàm, hệ thống nước do cơ sở hạ tầng ngày xưa là HUD trực tiếp mua từ thành phố về rồi cung cấp cho toàn bộ bán đảo. Việc cung cấp, bao thầu như vậy thì ông sẽ độc quyền. Giá cả theo khung giá nhà nước không đổi nhưng thất thoát nước ông chịu. Mặc dù đường ống nước xuống cấp bao nhiêu năm rồi gây thất thoát. Tiền nước có thể là 10 đồng nhưng thất thoát 6 đồng rồi... gây bức xúc cho dân. Chung cư HH của ông Lê Thanh Thản phải bỏ tiền ra đấu nối dự án nước của thành phố cấp về cho chứ không qua đường nước của ông tổng HUDS Linh Đàm nữa..

Bao giờ quyết liệt xử phạt sai phạm?

Theo các chuyên gia quy hoạch phân tích, câu chuyện về nước sạch cho khu chung cư, đặc biệt với những khu được hình thành từ nền móng những khu tập thể cũ đòi hỏi phải được đánh giá và giải quyết một cách tổng thể hệ thống cấp nước sao cho phù hợp với hiện tại. Đáng chú ý, những bất cập trong quản lý đô thị hiện nay, khi nhiều nhà cao tầng được cấp phép xây dựng trong nội đô, dẫn đến chất tải hạ tầng kỹ thuật - xã hội bắt buộc phải có những giải pháp đồng bộ từ nguồn cung cấp nước tới mỗi công trình.

Cụ thể hơn là Hà Nội phải giải quyết tận gốc vấn đề từ khâu quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm “sức tải” cho nhu cầu cuộc sống người dân mới cấp phép xây dựng. Hạn chế điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt điều chỉnh quy hoạch tăng chiều cao công trình hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhà ở. Phải chăng cũng đã đến lúc cần phải nhìn lại cơ chế “xin – cho”, “phạt cho tồn tại” để đảm bảo lợi ích của dân được đặt hàng đầu. Có lẽ vậy, câu chuyện “khát” nước không còn khiến người dân Thủ đô e ngại thêm nữa.

Dưới góc nhìn của người thiết kế, Ths. KTS.Trần Thanh Ý chia sẻ giải pháp: “Ở các nước họ dùng công nghệ tái sử dụng nước thải ví dụ trong quá trình sử dụng người ta quy định nước nào là nước bẩn như nước phòng tắm, phòng vệ sinh gọi là nước xám phải qua hệ thống xử lý mới chảy ra hệ thống chung, còn nước rửa rau có thể chảy ra khu trồng rau, tưới cây, đó là cách tiết kiệm nguồn tài nguyên nước nói chung, giảm thiểu mất nguồn nước chung cư”.

Ở góc nhìn khác, Ths. Luật sư Nguyễn Minh Tuấn cho hay: “Giải pháp cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch đảm bảo cung cấp nước cho chủ sở hữu căn hộ đặc biệt là trong mùa hè tới đây. Tăng cường các biện pháp, đặc biệt là các ban quản trị phải tìm được ban quản lý uy tín, trách nhiệm, đừng ham rẻ quá. Những đơn vị quản lý mới thành lập 1 - 2 năm kiếm tiền bù lỗ thì không ăn thua, thiếu kinh nghiệm, uy tín để xử lý các vấn đề khi xảy ra sự cố". 

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng kiến nghị các đơn vị quản lý, vận hành chung cư cần nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa để đảm bảo chất lượng sống cho cư dân. “Chuyện mất nước là việc nhỏ. Nhưng nếu việc nhỏ không giải quyết thành việc lớn. Mâu thuẫn, tranh chấp trong chung cư sẽ xuất hiện nhiều hơn. Ở đây, vấn đề là kỹ năng mềm trong cách thức giao tiếp. Dịch vụ là làm dâu trăm họ, phải nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp của các đơn vị quản lý vận hành!” - ông Tuấn nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top