Aa

Môi giới tranh nhau “bán trộm” dự án tỷ USD

Thứ Hai, 27/08/2018 - 14:01

Môi giới tranh nhau “bán trộm” dự án tỷ USD; Hai thương vụ The EverRich "cứu" Phát Đạt như thế nào?; Trong vòng 2 năm, TP.HCM phát hiện hơn 7.300 công trình vi phạm trật tự xây dựng;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Môi giới tranh nhau “bán trộm” dự án tỷ USD

Áp lực cạnh tranh tìm khách hàng của môi giới đang ngày càng tăng.

Áp lực cạnh tranh tìm khách hàng của môi giới đang ngày càng tăng.

Một dự án khủng của Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (Thái Sơn Long An), tại tỉnh Long An, quy mô 267 ha, cũng rơi vào tình trạng bị môi giới “bán trộm”. Theo thông tin từ chủ đầu tư, một số đơn vị môi giới nhà đất, cá nhân môi giới tự do đã tổ chức phát tờ rơi, dẫn dụ và nhận tiền đặt cọc khách hàng.

Tuy nhiên, Thái Sơn Long An khẳng định dự án Khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp (267 ha) nêu trên vẫn đang trong giai đoạn triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với phần đã hoàn tất bồi thường và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Vì vậy, Thái Sơn Long An chưa triển khai bán hàng và chưa chính thức rao bán trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào. Đồng thời, Thái Sơn Long An cũng chưa ký kết với bất kỳ công ty, đơn vị nào để phân phối các sản phẩm của dự án.

Doanh nghiệp này cũng cho rằng việc một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin dự án của Thái Sơn Long An để quảng cáo không đúng sự thật là vi phạm pháp luật, gây hoang mang cho khách hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của chủ đầu tư.

Xem chi tiết tại đây.

Trong vòng 2 năm, TP.HCM phát hiện hơn 7.300 công trình vi phạm trật tự xây dựng

Theo báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019 của Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã kiểm tra 269.706 lượt, phát hiện 7.360 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.

Cũng trong thời gian này, các đơn vị liên quan đã thi hành 5.199 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 70 tỷ đồng, đồng thời thực hiện 104 quyết định khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng.

Điển hình là dự án chung cư cao tầng ký hiệu Lô CT, có tên thương mại là dự án Thủ Thiêm Dragon ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM do Công ty Cổ phần ThuThiemGroup làm chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án là Công ty TNHH Xây dựng An Phong, đơn vị phát triển dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Rio Land.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường bất động sản liền thổ, “sóng ngầm” với dự án tốt

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM đã xuất hiện xu hướng đầu tư mới. Làn sóng đổ xô kéo nhau đi “săn” đất nền tại các điểm nóng như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ… đã thoái trào. Những khu vực xa trung tâm, thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng dịch vụ, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng thật đã xuất hiện tình trạng giới đầu cơ xả hàng, giá cũng đi xuống.

Trong khi nhà đầu tư rút khỏi bất động sản đầu cơ, thì dòng tiền lại đang có xu hướng chảy mạnh vào các dự án bất động sản liền thổ tốt, có giá trị sử dụng cao. Đơn cử, tuần qua, Công ty cổ phần DRH Holdings công bố dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ y tế Symbio Garden (quận 9, TP.HCM) đã thu hút hàng trăm khách hàng và chỉ trong một buổi sáng, toàn bộ sản phẩm được công bố đã được khách đăng ký.

Có mặt tại buổi lễ công bố, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, khá nhiều khách hàng tiếc nuối do không tiếp cận được sản phẩm vì biết thông tin muộn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lý do khiến dự án này có sức hút lớn là vì có vị trí liền kề với Bệnh viện Ung bướu 2 (TP.HCM), có nguồn cung hạn chế chỉ với 139 căn shophouse, được xây dựng trên khu đất rộng 3,47 ha, với mật độ xây dựng chỉ 28%, được chủ đầu tư định vị là mô hình đô thị gắn kết các tiện nghi dịch vụ y tế, nên thu hút phần lớn khách hàng làm trong ngành y tế.

Tương tự, tại Dự án Khu đô thị Vạn Phúc Resideces ở quận Thủ Đức, theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, mặc dù thị trường đang rơi vào thời điểm tháng Ngâu (tháng kiêng kỵ với dân kinh doanh địa ốc), song lượng khách quan tâm tìm hiểu và mua sản phẩm tại dự án này vẫn tăng mạnh hơn so với trước đó. Với mức giá bán trung bình trên 10 tỷ đồng/căn nhà phố, nhưng sản phẩm của dự án tung ra đến đâu, khách hàng mua đến đó.

Xem chi tiết tại đây.

Nhiều chủ đầu tư "lờ" trang bị hệ thống PCCC

Ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, hiện nay số lượng chung cư cao tầng được xây dựng trên cả nước xấp xỉ 3.000 tòa. Quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều chung cư cao tầng có hệ thống PCCC nhưng chỉ mang tính hình thức, khi xảy ra sự cố hệ thống này không sử dụng được. Chưa kể, nhiều tòa nhà chung cư lối thoát nạn đã bị bịt để sử dụng những mục đích khác nhau dẫn việc thoát nạn gặp nhiều khó khăn.

Một số chủ đầu tư cố tình cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu cho PCCC.

Một số chủ đầu tư cố tình cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu cho PCCC.

Tại Hà Nội, hàng loạt chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC đã được nêu tên như Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) của Tổng Công ty Viglacera với các tòa C13; C14; C15; C16 A và B; tòa D1; D2; D3; D4. Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị HUD gồm các tòa chung cư tại Khu đô thị Văn Quán-Vạn Phúc (phường Phúc La, quận Hà Đông) như: Tòa CT1 A và B; CT2 A và B; CT3 A và B; CT7 A và B; loạt chung cư Việt Hưng (quận Long Biên) gồm: GH3-GH4; GH5-GH6.

Công ty Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1) với 5 tòa nhà vi phạm gồm: CT1A, CT1B, CT2A, CT2B – Khu đô thị mới Nghĩa Đô và dự án 2.6 Lê Văn Lương...

Tiến sĩ Nguyễn Đức Việt - Trưởng khoa Phòng cháy, Đại học Phòng Cháy Chữa Cháy cho biết, nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, vi phạm trên đến từ phía khách quan và chủ quan.

Xem chi tiết tại đây.

Nhiều khách sạn, biệt thự trung tâm TP.HCM được cấp phép xây dựng sai

Kết luận thanh tra về phòng chống tham nhũng trong công tác cấp giấy phép xây dựng (GPXD) trên địa bàn mới đây, UBDN quận 1 cho biết đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc tham mưu cấp phép cho nhiều biệt thự, khách sạn nằm trên mặt tiền đường lớn.

Trong đó, Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 1 đã tham mưu cấp GPXD tăng số tầng không đúng quy định cho 5 trường hợp như: công trình sửa chữa, cải tạo biệt thự số 90/88A Nguyễn Đình Chiểu (3 tầng), tăng một lầu; khách sạn số 9-11-13 Lưu Văn Lang (8 tầng), tăng một tầng so với quy định...

Đơn vị này cũng bị cho là tham mưu cấp giấy phép tăng chiều cao cho 7 công trình ở trung tâm thành phố (từ 1,6 đến 5 m) chưa bảo đảm quy chuẩn của Bộ Xây dựng; một số công trình tăng độ vươn ban công, tăng mật độ xây dựng, bố trí ram dốc xuống tầng hầm ranh lộ giới không đúng quy định...

Kết quả thanh tra cũng chỉ ra hai trường hợp Phòng QLĐT tham mưu không đúng quy định về điều kiện ưu tiên tăng hệ số sử dụng đất: công trình số 41 Nam Kỳ Khởi Nghĩa tăng từ 4.0 lên 5.36 (tương đương hơn 195 m2 sàn); công trình 157 Lê Thánh Tôn tăng từ 3.0 lên 3.77 (tương đương 58,67 m2 sàn).

Hai công trình khác được tăng hệ số sử dụng đất so với chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc là số 17 Nguyễn Trãi và 104/8 Mai Thị Lựu.

Ngoài ra, Phòng QLĐT quận 1 cũng bị xác định tham mưu cấp GPXD công trình có tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng (không đúng quy định) tại số 33 Phùng Khắc Khoan.

Xem chi tiết tại đây.

Hai thương vụ The EverRich "cứu" Phát Đạt như thế nào?

Giữa năm 2017, thị trường địa ốc xôn xao trước thông tin CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) tiến hành thanh lý và bồi thường 20% giá trị hợp đồng cho khách hàng mua căn hộ tại dự án The EverRich 2 ở Quận 7, TP.HCM.

Nguyên do được đưa ra là bởi dự án có sự thay đổi, điều chỉnh. Dù vậy, việc Phát Đạt nhanh chóng chi hàng trăm tỷ đồng bồi hoàn cho khách hàng khiến lý do này không mấy thuyết phục và kéo theo nhiều đồn đoán.

Tới cuối năm, thông tin chính thức được đưa ra. Hội đồng quản trị Phát Đạt ngày 24/11/2017 có Quyết định chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án The EverRich 2 và The EverRich 3.

Dự án The EverRich 2 nhìn từ cầu Phú Mỹ. Ảnh: Nghi Điền.

Dự án The EverRich 2 nhìn từ cầu Phú Mỹ. Ảnh: Nghi Điền.

Tới đó, ngày 26/12, Phát Đạt ký đồng thời hai hợp đồng hợp tác đầu tư, với Công ty TNHH Đầu tư Big Gain ở dự án The EverRich 2 và với Công ty TNHH Dynamic Innovation ở dự án The EverRich 3. Theo điều khoản, hai đối tác này có thể mua tới 99% lợi ích dự án khi các khu đất trên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi ký hợp đồng, bộ đôi nhà đầu tư "bí ẩn" đã lập tức chuyển cho Phát Đạt hơn 6.000 tỷ đồng và chỉ trong vài ngày cuối năm, Phát Đạt đã phân bổ toàn bộ số tiền trên để trả nợ trái phiếu, lãi vay, góp vốn đầu tư, hợp tác kinh doanh...

Trên thực tế, từ thời điểm đầu năm 2017, đã xuất hiện thông tin Phát Đạt sẽ chuyển nhượng hai dự án The EverRich để lấy tiền trả nợ Đông Á Bank. Tin đồn này xuất hiện sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) cuối năm 2016 khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Phương Bình - cựu TGĐ Đông Á Bank, đồng thời khởi tố vụ án hình sự tại ngân hàng này.

Dòng sự kiện diễn ra cho thấy tin đồn đã nhanh chóng trở thành sự thật.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top