Aa

Mỏi mòn ngóng hành lang pháp lý condotel

Thứ Năm, 13/02/2020 - 14:46

“Cần phải cho condotel có chế độ sử dụng đất lâu dài như đất ở và coi đó là điều kiện tiên quyết để “cứu vớt” thị trường này", GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

Condotel: Phận “bảy nổi ba chìm”

Kể từ khi xuất hiện đến thời điểm hiện tại, “tên gọi” của condotel vẫn trở thành nỗi niềm đầy trăn trở và đau đáu. Năm 2014, hình thức condotel du nhập vào Việt Nam. Cùng với nhịp lên của thị trường bất động sản, condotel đã trở thành “đứa con lai” đầy ưu việt. Đánh đúng vào tâm lý thị trường nghỉ dưỡng, có thể tích hợp khả năng trải nghiệm đa thế hệ, vừa nghỉ dưỡng như sống trọn trong căn nhà của chính mình, condotel đã tạo ra sứt hút dòng vốn khổng lồ.

Nhắc đến sự sôi động của thị trường bất động sản trong giai đoạn phục hồi chắc chắn không thể không nhắc đến màn chào sân đầy ngoạn mục và ấn tượng của phân khúc “con lai” này. Thống kê của các tổ chức nghiên cứu bất động sản thời điểm đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng của condotel là phi mã. 

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), chỉ tính riêng Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Hạ Long, trong giai đoạn 2015 - 2018 đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường. Thời điểm đó, nguồn cung này được so sánh tương đương với tổng lượng sản phẩm đất nền - một sản phẩm đầu tư truyền thống tung ra trong vòng 10 năm vừa qua.

Condotel vẫn đợi chờ hành lang pháp lý. (Ảnh minh họa)

Tốc độ tăng trưởng đầy rực rỡ như vậy! Khả năng thanh khoản và hút dòng tiền tốt như vậy! Nhưng, đứa con lai condotel vẫn chưa một lần được “điểm mặt đặt tên” rõ ràng. Đã 5 năm trôi qua, các cuộc họp và chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đi với tốc độ chậm đến nỗi… mãi chưa “khai sinh” ra hành lang pháp lý cho loại hình này.

Để rồi, những hệ lụy của nó liên tục nổ ra. Đình đám nhất là năm 2019, thương vụ phá vỡ cam kết condotel trong Cocobay Đà Nẵng khiến thị trường dậy sóng. Những e ngại về sự đổ vỡ domino là hoàn toàn tất yếu. Chưa kể, các tranh chấp liên quan đến tính pháp lý như quyền sở hữu căn hộ giữa chủ đầu tư và khách hàng đã xảy ra. Tâm lý e ngại đầu tư đã diễn ra thường xuyên. 

Bức tranh ảm đạm về condotel

Nếu như năm 2019, những nhận định về condotel vẫn còn mang gam màu hi vọng thì bước sang năm 2020, loại hình này dường như trở thành “điểm đen” có thể tạo ra nguy cơ vỡ trận của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Theo thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), từ qúy III/2018, lượng giao dịch condotel bắt đầu giảm mạnh. Cụ thể, trong qúy III/2018, hầu hết các vùng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.

Sang đến năm 2019, cơn thoái trào condotel vẫn tiếp diễn. Thống kê của VARs cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn cung condotel trên cả nước đạt 11.855 căn, tuy nhiên lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 2.967 căn.

Tính đến nay, con số tồn đọng của condotel lên tới hàng vạn căn. Điều gì sẽ xảy ra với thị trường nếu nguồn lực bất động sản đang bị “đóng băng” tại phân khúc condotel. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã rót vào phân khúc này. Vốn của chủ đầu tư, vốn của người dân và hơn hết là niềm tin vào thị trường đã dường như thu hẹp lại khoảng cách.

Cần phải nhắc lại, tại Diễn đàn thường niên Bất động sản năm 2019, các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang tiềm ẩn những dấu hiệu của rủi ro. Lo ngại về đổ vỡ năm 2011 - 2013 hoàn toàn có thể được đặt ra. Tuy nhiên, điểm khác biệt đó là ở giai đoạn trước, thị trường mất niềm tin. Và năm 2020, niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn.

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, condotel, đã 5 năm trôi qua mà vẫn chưa có bất kỳ một pháp lý ban hành nào cho loại hình này. Sự kỳ vọng nối tiếp qua các năm đã dần tan biến bởi sự “án binh bất động” của Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan quản lý được Thủ tướng giao phải có quy chế rõ chế độ sử dụng đất đai của loại hình condotel. Trước đó vào năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Luật Đất đai, trong đó có nội dung làm rõ tính pháp lý cho condotel. Nhưng từng đó vẫn chưa đủ để tạo ra hệ thống pháp lý thực sự rõ ràng cho condotel.

Cũng tại Diễn đàn Bất động sản thường niên 2019, đại diện của Tổng cục Quản lý đất đai  (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Chậm nhất cuối năm nay Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn việc cấp sổ cho căn hộ condotel”.

Hiện tại là tháng 2/2020 nhưng hành lang pháp lý cho condotel vẫn còn bỏ ngỏ. Sự thất hứa và chậm trễ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang khiến niềm tin của nhà đầu tư đổ vỡ, sự kỳ vọng vào thị trường cũng tan thành mây khói. Sự phát triển méo mó của thị trường đang tiếp tục diễn ra. 

Và điều gì sẽ xảy ra nếu niềm tin trên thị trường mất? 

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng nhiều lần nhấn mạnh: “Cần phải cho condotel có chế độ sử dụng đất lâu dài như đất ở và coi đó là điều kiện tiên quyết để “cứu vớt” thị trường này”. Nếu không… điểm rơi của thị trường sẽ chạm đáy hình sin.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top