Aa

Mỗi tháng, Vinachem gánh hàng trăm tỷ đồng lãi ngân hàng

Thứ Tư, 20/09/2017 - 13:30

Vinachem đang bê bết với khoản nợ khủng khiếp tại hơn 10 ngân hàng trong và ngoài nước. Nếu không xử lý xong nợ, không cơ cấu lại cách hoạt động, nếu thị trường phân bón không biến động khởi sắc, tương lai của tập đoàn này sẽ rất khó đoán định.

Trả trên dưới 176 tỷ đồng tiền lãi cho 16 ngân hàng mỗi tháng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có 23 công ty con và 13 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực: sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản và hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác mỏ… Hiện,18 công ty đã đưa cổ phiếu giao dịch lên sàn HOSE, HNX và UPCoM.

Đây là tập đoàn Nhà nước có nhiều năm thăng trầm. Từ một doanh nghiệp làm ăn có lãi trở thành con nợ của nhiều ngân hàng. Nguyên nhân chính là do các công ty con hoạt động trong ngành phân bón thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Mới đây, Vinachem công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2017. Báo cáo cho thấy, tính đến ngày 30/6/2017, tiền mặt tại tập đoàn còn khoảng gần 1.600 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền là 1.400 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 8.134 tỷ đồng, tăng khoảng 1.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, các khoản phải thu dài hạn tăng từ 35 tỷ đồng lên hơn 62 tỷ đồng. So với đầu năm 2017, hàng tồn kho của Vinachem giảm không đáng kể, từ 9.780 tỷ đồng xuống 9.279 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinachem đạt 21.480 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ doanh thu hoạt động tài chính hơn 145 tỷ đồng. Trong khi chi phí lãi vay đã hơn 1.057 tỷ đồng, ước tập đoàn phải chi khoảng 176 tỷ đồng/tháng cho lãi vay.

Phải chịu mức lãi vay "khủng" hàng tháng là lẽ hiển nhiên, bởi hiện Vinachem đang vay nợ hơn chục ngân hàng cả trong và ngoài nước. Cụ thể, tính đến hết ngày 30/6/2017, nợ phải trả của Vinachem là 38.137 tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm. Riêng khoản nợ vay của tập đoàn là 29.165 tỷ đồng. Trong đó 11.404 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 17.761 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Cụ thể, 4 ngân hàng cho Vinachem vay tới nhiều nghìn tỷ đồng là VDB (10.700 tỷ đồng), VietinBank (5.674 tỷ đồng), BIDV (5.441 tỷ đồng); Vietcombank (2.324 tỷ đồng). Ngoài ra, 12 ngân hàng khác cũng cho Vinachem vay tiền gồm HSBC (320 tỷ đồng), VIB (190 tỷ đồng), Agribank (179 tỷ đồng), Shinhan (167 tỷ đồng), MB (158 tỷ đồng), Standard Chartered (90 tỷ đồng), Eximbank (81 tỷ đồng), ACB (72 tỷ đồng), Hong Leong (57 tỷ đồng), HDBank (37 tỷ đồng), LienVietPostBank (26 tỷ đồng), ANZ (25 tỷ đồng), OCB (4 tỷ đồng).

Sau khi trừ các khoản chi phí, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vinachem đạt gần 48 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ 203 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ không có, lỗ gần 193 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát đạt hơn 240 tỷ đồng.

Mùa xuân bao giờ đến Vinachem? 

Nguyên nhân gây ra thua lỗ tại Vinachem chủ yếu đến từ 4 đơn vị thành viên là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP - Vinachem; CTCP DAP số 2 - Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Năm 2016 là giai đoạn thị trường phân bón đã bước vào bão hòa, cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã kéo giá phân đạm giảm sâu. Hàng không bán được, giá thị trường giảm sâu. Trong khi đó, hàng tháng, doanh nghiệp phải chịu gánh lãi vay lớn.

Sang năm nay, thị trường phân bón bắt đầu có những biến động tích cực, nhu cầu phân bón hồi phục nhờ sự vực dậy của ngành nông nghiệp; đồng thời giá phân bón, giá ure tăng mạnh hồi đầu năm.

Thêm vào đó với chính sách được kỳ vọng là đưa phân bón sang mặt hàng chịu thuế 0%, có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và cũng tạo sức cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu. Việc thắt chặt quản lý nhằm hạn chế nạn phân bón giả và nhập lậu trong năm 2017 sẽ góp phần tạo môi trường phát triển tốt cho doanh nghiệp. Với những kỳ vọng này, Vinachem sẽ có cơ hội xóa các khoản nợ tại ngân hàng, tiết kiệm các loại chi phí lãi vay,…

Tuy nhiên, trước hết bản thân doanh nghiệp cũng cần tăng mạnh nội lực. Bởi vì sự phát triển của doanh nghiệp khó bền vững nếu chỉ dựa dẫm, phụ thuộc vào tác nhân bên ngoài để phát triển.

Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020, sau khi cổ phần hóa, Vinachem sẽ giảm sở hữu vốn nhà nước xuống còn 51 - 65% vốn điều lệ, điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ bán 49% vốn tại Tập đoàn. Đồng thời, Vinachem cũng dự kiến phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược và tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại một phần nợ vay và cải thiện tình hình tài chính.

Dự kiến quý I hoặc quý II/2019, Tập đoàn sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng qua sở giao dịch chứng khoán, đồng thời bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Vinachem sẽ niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán vào quý IV/2019.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top