Aa

Môi trường kinh doanh Việt Nam: Bước tụt hạng và câu hỏi dành cho các bộ trưởng

Thứ Tư, 30/10/2019 - 10:30

Môi trường kinh doanh Việt Nam đối mặt với những thách thức lớn từ chính các lĩnh vực đã từng tạo nên cải cách mạnh mẽ. Câu hỏi về trách nhiệm đang được đặt ra cho các bộ trưởng.

Cải cách chững lại?

“Tốc độ và chất lượng thực sự của các cải cách là điều phải nói vào lúc này”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trao đổi với phóng viên ngay sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2020.

Trong lần xếp hạng này, Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70). “Có nghĩa là các nền kinh tế khác đang đi nhanh và mạnh hơn chúng ta. Ngay trong số 5 chỉ tiêu tăng điểm của Việt Nam năm nay, WB cũng chỉ ghi nhận có 2 cải cách là nộp thuế và tiếp cận tín dụng”, ông Hiếu nói.

Nhưng, điều đáng nói không chỉ ở một vài điểm số. Nếu nhìn vào thứ hạng và những cải cách của môi trường kinh doanh Việt Nam trong bảng xếp hạng này 4 năm liên tục, kể từ năm 2016, các vấn đề dường như rõ ràng hơn. Cụ thể, năm 2016, có 3 chỉ số được ghi nhận cải cách, gồm bảo vệ nhà đầu tư; nộp thuế và bảo hiểm xã hội; giao dịch thương mại qua biên giới.

Năm 2017, có 5 chỉ số được ghi nhận cải cách, gồm tiếp cận điện năng; tiếp cận tín dụng; nộp thuế và bảo hiểm xã hội; giao dịch thương mại qua biên giới; giải quyết tranh chấp hợp đồng. Đây cũng là năm thứ hạng của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh tăng đột phá, từ 82 năm 2016 lên 68/190.

Năm 2018, số cải cách được ghi nhận lại là 3, gồm khởi sự kinh doanh, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp hợp đồng.

“Tôi đang nhìn thấy xu hướng cải cách chững lại. Cải cách tích cực nhất được ghi nhận vào năm 2017, trong giai đoạn từ 6/2016 đến 5/2017, sau đó giảm dần, nên điểm số dù có được cải thiện nhưng chậm, thứ hạng mỗi năm lại giảm 1 bậc”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận định sau khi phân tích chi tiết toàn bộ 10 chỉ tiêu mà WB sử dụng để xếp hạng môi trường kinh doanh.

Thậm chí, thực trạng này cũng đang được nhìn thấy trong bước thăng hạng lớn nhất toàn cầu của Việt Nam, tăng 10 bậc trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 4.0 năm 2019 mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố.

“Trong số 12 chỉ số trụ cột, có tới 8 chỉ số có thứ hạng thấp hoặc rất thấp. Thể chế đang đứng thứ 89/141, sau khi đã tăng 5 hạng so với lần công bố trước. Mức độ năng động trong kinh doanh dù tăng 12 bậc, vẫn đứng thứ 89/141…”, bà Thảo nói và gọi đây là những thách thức phải nhận diện kỹ càng.

Tư duy chia phần để quản

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ sự hứng khởi với thứ hạng mới của Việt Nam trên Bảng xếp hạng GCI 4.0 năm 2019, nhưng lại đặt nhiều câu hỏi về sự tụt hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng của WB.

“Xếp hạng của WEF đánh giá các vấn đề vĩ mô và chúng ta được ghi nhận cải cách. WB xếp hạng các cơ chế, chính sách và thực thi cụ thể, chúng ta giảm điểm. Đáng ra đây là việc dễ làm hơn, để có nhiều cải cách hơn, thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh…”, ông Bình đặt vấn đề.

Nhưng phần mà ông Bình coi là dễ hơn này dường như đang vướng quá nhiều rào cản, có thể thấy ngay trong các văn bản hiện hành. Đây là vấn đề mà bà Thảo đã phát hiện và đề cập nhiều lần.

“Tôi cũng không lý giải được tại sao cùng một sản phẩm nồi hơi, có cùng tiêu chuẩn TCVN 7704:2007 và QCVN 01-2008/BLĐTBXH, nhưng nếu có áp suất không quá 16 bar, thì việc kiểm định an toàn lao động thuộc quyền quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trên 16 bar thì do Bộ Công thương chịu trách nhiệm theo danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc Bộ Công thương. Tương tự, máy điều hòa nhiệt độ có công suất nhỏ hơn 90.000 BTU thì thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ; lớn hơn thì do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra trước khi thông quan”, bà Thảo nói.

Điều đáng nói là, nhiều văn bản quy định những nội dung kiểu như trên được ban hành trong 2 năm qua, ngay khi các nỗ lực cải cách, giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao.

Trong năm 2018, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội đã ban hành danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành của Bộ trong khi trước đó, bộ này không thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng vừa mở rộng yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với dây và cáp điện, thay vì dây bọc nhựa PVC có điện áp định danh đến và bằng 450/750V như trước…

“Có thể nhìn thấy, các văn bản được chia theo trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, trong khi đáng ra có thể chấp nhận các kết quả kiểm tra của nhau. Thực trạng này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có một cần trục tháp phải xin kiểm định của Bộ Xây dựng khi đưa cẩu đến công trình xây dựng; xin ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải khi vẫn thiết bị này nhưng sử dụng trong cảng hàng không, cảng thủy… Với tư duy chia phần này, khó khăn luôn dồn về doanh nghiệp”, bà Thảo phân tích.

Câu hỏi dành cho các bộ trưởng

TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế đã nhắc đến phiên bản năm 2020 mà Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng thực tế cải thiện chưa nhiều. Nếu muốn thay đổi thực sự thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu, phải có cách tiếp cận khác, vì có những cách đã tới hạn và cũng không thể chỉ trông mãi vào một vài chỉ số”, ông Cung khuyến nghị.

Nhìn vào những cải cách của Việt Nam được WB ghi nhận, có thể thấy sự lặp lại của tiếp cận điện năng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, khởi sự kinh doanh. “Chúng ta cần các bộ trưởng đều phải nói về cải cách, về nâng cao năng lực cạnh tranh, chứ không thể chỉ có một vài bộ trưởng như hiện tại. Thậm chí, có bộ lại có tiếng nói ngược với cải cách như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Không chỉ một bộ có động thái như vậy. Vấn đề ở đây vẫn là tư duy trong xây dựng và thực thi chính sách”, ông Cung nói.

Ở địa phương cũng đang nổi lên một vài nhân tố cải cách, nhưng chỉ xoay quanh vài nơi. Nhân tố mới xuất hiện ít, có thể thấy trong sự trở đi trở lại của các địa phương quen thuộc trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hàng năm.

“Câu hỏi là ai sẽ thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh nếu không phải là các bộ trưởng, các chủ tịch UBND các địa phương? Tôi còn nhớ, khi CIEM công bố thời gian thực hiện thủ tục thuế của doanh nghiệp lên tới gần 2.000 giờ vào năm 2005, Bộ Tài chính đã phản ứng rất mạnh, hỏi tôi ai cho phép làm vậy? 

Còn giờ, thuế là đơn vị đi đầu trong cải cách. Rõ ràng, các bộ trưởng, các chủ tịch tỉnh đóng vai trò quyết định trong thực thi chính sách của Chính phủ”, ông Cung thẳng thắn khi đưa cảnh báo rằng, nếu không có cách tiếp cận mới, sự trồi sụt trong thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ còn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top