Aa

Môi trường kinh doanh Việt Nam: Tăng điểm nhưng lại tụt bậc

Thứ Năm, 24/10/2019 - 17:07

Tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 vừa được công bố bởi World Bank, Việt Nam đạt 69,8 điểm trên 100, tụt một bậc xuống thứ 70 trong số 190 nền kinh tế được đánh giá.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020, điểm môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng từ 68,6 điểm của năm ngoái lên 69,8 trong báo cáo năm nay. Tuy nhiên, thứ hạng của Việt nam lại tụt một bậc, từ 69/190 của năm ngoái xuống thứ 70/190. 

Trong khảo sát năm nay, World Bank chấm điểm và xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm: Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán. 2 tiêu chí khác là Thuê nhân công và Hợp đồng với Chính phủ cũng được nghiên cứu nhưng không dùng để chấm điểm.

Đối với Việt Nam, những lĩnh vực được World Bank đánh giá có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Vay vốn và Nộp thuế. Hầu hết lĩnh vực đều tăng điểm so với năm ngoái. Có thứ hạng cao nhất là Xin giấy phép Xây dựng (xếp thứ 25) và thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (xếp thứ 122).

Ngoài ra, World Bank cũng đánh giá cao việc nâng cấp hạ tầng thông tin của Tổng cục Thuế Việt Nam, giúp doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng hơn. Việt Nam cũng được đánh giá cải thiện ở chỉ số tiếp cận tín dụng.  

Tại Báo cáo, World Bank đã nghiên cứu đối tượng tiêu chuẩn là một công ty TNHH tại TP.HCM. Theo đó, tổng số thủ tục hành chính công ty này phải thực hiện khi thành lập doanh nghiệp là 8. Con số này cao hơn trung bình khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (6,5).

Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam nằm ở khoảng giữa. Xếp trên là Singapore (2), Malaysia (12) và Thái Lan (21) và Brunei (66).

Đứng vị trí số một năm nay vẫn là New Zealand. Theo sau là Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Đan Mạch và Hàn Quốc. Mỹ giữ vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng này.

Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu của World Bank, trong năm qua, các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã tiến hành 33 chương trình cải cách về môi trường kinh doanh. Dù nhiều nền kinh tế trong khu vực được đánh giá có môi trường thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ so với mặt bằng chung thế giới, nhưng xét về tổng thể tốc độ cải cách đang chậm lại. Số cải cách trong khu vực đã giảm đi 10 cải cách trong vòng 12 tháng qua tính đến ngày 1/5 và chưa tới một nửa số nền kinh tế (12 trên 25) có thực hiện cải cách.

Trung Quốc và Ấn Độ vẫn nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tiến hành nhiều cải cách nhất trong năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh. Tám nền kinh tế khác trong danh sách cải thiện môi trường kinh doanh tích cực nhất là Saudi Arabia, Jordan, Togo, Bahrain, Tajikistan, Pakistan, Kuwait và Nigeria.

Tuy nhiên, World Bank cho rằng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn còn ghi nhận nhiều yếu kém trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp và giao dịch thương mại xuyên biên giới. Các chỉ số này cho thấy khoảng cách khác biệt lớn giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Bà Rita Ramalho - một trong các tác giả của báo cáo nhận định: Gỡ bỏ rào cản kinh doanh là biện pháp tích cực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cải cách liên tục là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân.

"Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này và kết quả cho thấy có mối liên hệ giữa đơn giản hóa, cải thiện quy định kinh doanh và tốc độ tăng trưởng cao. Dù vậy, đây chỉ là một trong các biện pháp và không thể giải quyết mọi vấn đề", bà Rita Ramalho cho hay.

Báo cáo cũng cho rằng điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn có thể đẩy cao mức độ khởi nghiệp, từ đó làm tăng cơ hội nghề nghiệp, nguồn thu thuế của chính phủ và thu nhập của người dân. Việc này sẽ hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, vốn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 3% năm nay - thấp nhất hơn 10 năm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top