Aa

Môi trường - Quá sợ, nhưng đừng sợ quá!

Thứ Hai, 24/07/2017 - 20:35

Vụ làm ô nhiễm môi trường mang tên “Formosa” đã khiến nhiều người sợ hãi, không chỉ ở tầng những người hiểu biết đôi chút về tác hại của nó, ở những người cầm cân nảy mực để phê duyệt nó mà càng khủng khiếp với những người ngư dân quê mùa đã phải trả giá vì nó. Nỗi ám ảnh ấy thật khó phai mờ theo thời gian.

Nỗi ám ảnh Formosa. Ảnh minh họa

Nỗi ám ảnh Formosa. Ảnh minh họa

Nghi ngờ, ấy là tâm trạng thường trực của hàng chục triệu người dân Việt Nam hiện nay mỗi khi động đến cụm từ “rác thải”, “nhà máy ven biển”, “ô nhiễm môi trường”… Nghi ngờ từ khi hình thành ý tưởng bất cứ dự án nào, rồi khi được phê duyệt, đến quá trình tư vấn, thi công, giám sát, nghiệm thu, và ngay cả đến khi vận hành.

Nay đến vụ việc của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận. Thực ra, đây chỉ là 1 trong 4 nhà máy nhiệt điện được xây dựng tại Vĩnh Tân với số vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng. Một số nhà máy ở đây đã phát điện nhưng đến bây giờ, vấn đề “ô nhiễm môi trường” mới trào dâng như nước vỡ bờ trên truyền thông. Tại sao vậy?

Câu trả lời cũng dễ hiểu, vì một sự kiện ở đây đã động đến tất cả những cụm từ nhạy cảm, như “rác thải”, “nhà máy ven biển”, “ô nhiễm môi trường”, “khu sinh thái biển độc nhất vô nhị”… Lẽ tất nhiên, bóng ma ám ảnh đâu đó lại xuất hiện trong tâm trí của nhiều người. Và cũng là lẽ tất nhiên, mọi nghi ngờ trở nên đậm nét hơn.

Câu chuyện ban đầu cũng không phức tạp lắm. Theo thiết kế được phê duyệt, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1) phải nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dụng với khối lượng ban đầu ước tính khoảng 1,5 triệu mét khối gồm bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi…

Theo tính toán, với khối lượng nạo vét lớn như vậy, nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại địa phương phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện. Đồng thời, việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường, không đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội. Vì vậy, Công ty có văn bản xin các cấp có thẩm quyền cho phép được “dịch chuyển” khối lượng nạo vét này ra xa ngoài khơi, cách nơi cũ khoảng 12km.

Sau khi thẩm định hồ sơ, lấy ý kiến nhiều bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm hơn 918.500 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10/2017.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, khối lượng trên không thể đổ lên đất liền vì có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường.

Đến đây, bài toán dường như chỉ có một đáp số, không chứa trên đất liền được, chắc chắn cũng không thể treo lơ lửng trên không được, vậy thì đành cho nó trở về đúng “quê hương” của nó là biển cả, chứ biết làm sao bây giờ?

Thế mà tại sao nhiều ý kiến lại cứ ầm ầm phản đối? Phải chăng vì ta kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế? Phải chăng bài học ở Formosa đã khiến cho nhiều ngòi bút run rẩy?

Ta hãy thử nhìn ở một góc độ khác.

Khi xây dựng chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, việc hình thành một trung tâm nhiệt điện gồm 4 nhà máy ở Vĩnh Tân đã được các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa trung ương và địa phương, giữa kinh tế và môi trường… Chất thải của nhà máy nhiệt điện như xỉ than, khói bụi, khí độc như thế nào và các phương án xử lý ra sao thì cũng đã được lường trước. Cái giá chấp nhận phải trả hiện nay đã, đang đang và sẽ tiếp tục. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được đầu tư. Vì vậy, việc bùn cát ở Vĩnh Tân 1 chỉ tựa như “định vị” chiếc cúc trên cả bộ quần áo đã may sắp xong. Cho nên, cách tư duy bàn về sự kiện này nên theo hướng “mở” chứ không nên đóng chặt, tựa như “hắt nước đổ đi”.

Chẳng hạn, khi quyết định xây dựng Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, người ta đã biết khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau phải trả giá như thế nào.

Hòn Cau là một đảo nhỏ, cách đất liền chưa đầy 10 km. Toàn bộ diện tích của Khu bảo tồn biển Hòn Cau rộng khoảng 12.500 ha. Thế nhưng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cảng chuyên dùng Vĩnh Tân (tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải 30.000-200.000 tấn) đã xây khu lấn biển chồng lấn lên khu bảo tồn biển đến hơn 1.000ha. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận phải đề nghị Bộ NN&PTNT giảm diện tích khu bảo tồn biển hơn 1.000 ha.

Nay bãi đổ thải chỉ khoảng 36ha, nằm ngoài khu bảo tồn, cách đảo Hòn Cau tới 8km, vậy sự trả giá có quá lớn đến mức khiến nhiều người phải sợ hãi không?

Hơn nữa, theo quan điểm của Bộ TN&MT, đây không phải chất thải mà là vật liệu thu được sau quá trình nạo vét vũng quay tàu, phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Trong đó 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích... Loại vật, chất này bản chất đã nằm ở biển và nay được đưa lên để chuyển đi chỗ khác. Nó không chứa chất độc hại hay phóng xạ vượt chuẩn Việt Nam.

Vì vậy, hãy để cho các nhà khoa học vào cuộc, để cho các chuyên gia phân tích cái được cái mất và tìm ra phương án ít xấu nhất, giá phải trả thấp nhất.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay quả thật quá đáng sợ, nhưng có lẽ không nên vì sợ quá mà không dám làm gì vì sự phát triển lâu dài của đất nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top