Aa

Một viên gạch nung có thể tích trữ điện, giải pháp năng lượng cho tương lai

Thứ Hai, 18/09/2017 - 06:30

Một nhóm nghiên cứu đến từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đưa ra ý tưởng "lạ lùng" về việc sử dụng công nghệ gạch nung cổ để tích trữ năng lượng.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích kỹ thuật nung gạch cổ để tìm ra cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Trong đó, gạch nung (gạch được làm từ đất sét sau đó đốt ở nhiệt độ 1.600 độ C) đã ra đời từ cách đây hơn 3 nghìn năm, từ thời kỳ Hittites.

Các nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng ở những nơi có nguồn điện dồi dào khi sử dụng năng lượng gió hoặc năng lượng điện mặt trời thì lượng điện không được tiêu thụ hết có thể chuyển hóa thành năng lượng nhiệt, sau đó được tích trữ lại trong những viên gạch nung trong thời gian lâu dài hơn.

Sâu xa hơn, họ cũng muốn tìm hiểu kỹ lưỡng về công nghê cổ này để tạo ra được nguồn năng lượng không CO2 - thứ có thể cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch trong thị trường năng lượng. Theo các nhà nghiên cứu, giá thành của năng lượng gió và năng lượng điện mặt trời đều khá rẻ và đang tiến dần đến mức hoàn toàn miễn phí. Trong khi đó, nhu cầu tích trữ năng lượng sạch của các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ là rất lớn.

Từ đó, họ đã sáng chế ra hệ thống Tích trữ năng lượng nhiệt trong gạch nung (FIRES). Giá thành của nó chỉ bằng 1/10, thậm chí là 1/40 chi phí của những hệ thống thuỷ điện hay là những cục pin trữ điện. Hệ thống hoạt động như sau: một thiết bị chuyên dụng để chuyển hóa điện năng chưa được sử dụng hết thành nhiệt năng, sau đó được tích trữ trong các viên gạch nung hình khối lớn.

Nếu những viên gạch này được bọc trong một lớp vỏ bọc đặc biệt thì chúng có thể trữ điện trong một khoảng thời gian dài hơn nữa. Khi cần sử dụng. chúng ta có hai lựa chọn là sử dụng luôn ở dạng nhiệt năng cho các quy trình sản xuất công nghiệp hoặc chuyển hóa nó lại thành dạng điện năng để sử dụng.

Regis Matzie, một nhân viên của Văn phòng Công nghệ Chuyên gia điện năng, đã chia sẻ với MIT về vấn đề định giá điện của Mỹ: “Thị trường điện ngày nay đang có giá thành khá rẻ và sẽ còn rẻ hơn nữa khi năng lượng tái tạo ngày một phủ rộng trên mạng lưới điện quốc gia". Matzie cho rằng đây có thể chính là một giải pháp sáng tạo, tuy nhiên vẫn phải kiểm tra tính khả thi của nó.

Nghiên cứu trên của MIT đã được công bố trên tờ The Electricity Journal vào cuối tháng 8 vừa qua. Dự kiến, các mô hình dự trữ điện như thế này sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top