Aa

Mua nhà như thế nào để tránh rủi ro?

Thứ Sáu, 05/07/2019 - 14:00

Mua nhà như thế nào để tránh rủi ro?; Dự án KDC Phú Xuân - Nhà Bè: Công ty Hồng Lĩnh đền bù rẻ mạt, môi giới bán gấp 180 lần... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Mua nhà như thế nào để tránh rủi ro?

Tâm lý khách hàng bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố về pháp lý được họ đặt lên hàng đầu, đặc biệt đối với những người mua ở thực.

Để giảm thiểu tối đa tình trạng rủi ro, rất nhiều khách hàng đã có xu hướng tìm đến những dự án đã hoàn thiện để thực hiện giao dịch với chủ đầu tư. Một dự án được thực hiện bởi chủ đầu tư có uy tín sẽ đảm bảo tiến độ dự án, bàn giao nhà đúng hẹn, vận hành tòa nhà theo đúng cam kết đã ký với khách hàng.

Ngoài ra, tại những dự án đã vận hành, người mua nhà cũng sẽ dễ dàng tìm hiểu dự án qua nguồn thông tin được cư dân đang sinh sống tại đó cung cấp. Từ chất lượng nhà ở, các mẫu thiết kế, quá trình vận hành hàng ngày, đến độ đáng tin cậy của hệ thống phòng cháy chữa cháy... tất cả đều được chứng thực một cách dễ dàng.

Đó là lý do, nhiều người mua nhà hiện nay có xu hướng tìm kiếm các căn hộ sắp bàn giao hoặc đã bàn giao vào ở. Những dự án cư dân đã vào ở, các căn còn lại NĐT bán ra ghi nhận sức hấp thụ cao và giá cũng chênh đáng kể so với thời điểm làm xong móng bán.

Xem chi tiết tại đây

Dự án KDC Phú Xuân - Nhà Bè: Công ty Hồng Lĩnh đền bù rẻ mạt, môi giới bán gấp 180 lần

Khi làm dự án Khu dân cư Phú Xuân - Nhà Bè, chủ đầu tư là Công ty Hồng Lĩnh đền bù người dân với mức giá 175.000 đồng/m2. Đến nay, thời gian đã qua 20 năm, dự án trên vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thiện hạ tầng, thậm chí đường đi của dự án vẫn ngập đất đá. Nhưng Công ty Hồng Lĩnh đã tổ chức phân lô, bán nền xong tại dự án trên.

Qua lời giới thiệu, phóng viên đã tìm đến môi giới của dự án trên. Theo một môi giới tên H. quảng cáo, dự án Khu dân cư Phú Xuân - Nhà Bè của Công ty Hồng Lĩnh có diện tích khoảng 20ha, được quy hoạch xây dựng 341 căn nhà liên kề, 279 căn biệt thự. Tuy nhiên, dự án trên đã được bán xong cho khách hàng cách đây nhiều năm. Hiện tại, chỉ còn những lô đất do khách ký gửi. Giá hiện tại trung bình được môi giới này đưa ra là khoảng 26 triệu đồng/m2.

Chia sẻ thêm với phóng viên, môi giới này cũng cho biết, mặc dù dự án đã triển khai nhiều năm nhưng hiện trạng mới xây được một trường tiểu học ở bên cạnh. Hạ tầng như đường, điện vẫn chưa hoàn thiện. Đất cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cũng theo tìm hiểu của PV Reatimes, hiện nay trên một số trang rao bán bất động sản, dự án Khu dân cư Phú Xuân - Nhà Bè của Công ty Hồng Lĩnh đang được rao bán với giá từ 18 - 32 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Tức là, giá bán được môi giới đẩy lên gấp khoảng 180 lần giá trị đền bù mà Công ty Hồng Lĩnh đã trả cho người dân.

Xem chi tiết tại đây

Tìm đâu thuốc chữa tận gốc căn bệnh sốt đất?

Trong 6 tháng đầu năm nay, cơn sốt đất lan nhanh từ thành phố lớn về nông thôn, từ khắp các miền Bắc - Trung - Nam. Điểm lại phải nhắc đến tại Hà Nội, thông tin xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 khiến giá đất thổ cư, đất nền các huyện này tăng nóng 20 - 30%, thậm chí nhiều khu vực tăng 70 - 100% chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2019.

Nhận định về tình trạng sốt nóng xảy ra tại Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận… GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết để cắt cơn sốt, các địa phương đã phải sử dụng mệnh lệnh hành chính cấm giao dịch, cấm chuyển đổi mục đích sử dụng trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch.

Đến nay, các cơn sốt này đã lắng xuống và các địa phương đã dừng việc áp dụng các biện pháp hành chính nói trên. Đặc biệt, một số huyện tại Hà Nội, Đà Nẵng… đã xảy ra các cơn sốt hồi đầu năm 2019 với tin đồn tung ra là sẽ được quy hoạch lên quận trong năm tới. Trên báo chí cũng khẳng định, các tin đồn này là do giới đầu cơ tung ra để tạo sốt đất giả, thông qua những giao dịch giả có giá cao. Các tổ chức môi giới đã chứng minh bằng dữ liệu rằng số lượng giao dịch bất động sản gần như không tăng, giá đất cao chỉ là tin đồn.

Ông Võ cũng cho biết, sốt đất trong thời gian vừa qua chủ yếu là sốt đất nền liên quan tới cơ chế “chia lô bán nền” đã được Nhà nước điều chỉnh khá nhiều lần. Trong giai đoạn 2004 - 2007, Nhà nước hoàn toàn cấm chia lô bán nền tại đô thị. Sau đó, việc cấm chỉ áp dụng cho các đô thị loại 3 trở lên và hiện nay cho phép nới rộng cơ chế này theo quyết định của UBND cấp tỉnh.

Xem chi tiết tại đây

 

Bất động sản Hà Nội: Gỡ khó cho đô thị vệ tinh phát triển

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã nảy sinh hàng loạt vấn đề cần giải quyết tại các đô thị lớn. Tình trạng tắc đường, ngập nước, ô nhiễm, không gian sống ngột ngạt đang là những vấn đề mà các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM đang mắc phải.

Đô thị vệ tinh nói cho cùng là nơi bảo đảm cho mỗi người dân có nhà ở gắn với nơi việc làm; dịch vụ công, trường học, bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi... đầy đủ và hiện đại. Ngoài ra, việc kết nối giao thông từ đô thị vệ tinh đến “vùng lõi” đảm bảo thông suốt nhằm tăng cường tính liên kết, giao lưu, hợp tác. Khi đô thị vệ tinh đầy đủ các tiện ích và hấp dẫn bằng hoặc hơn “vùng lõi”, thì sẽ thu hút người dân về sinh sống, từ đó làm giảm tải cho khu vực trung tâm.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, trừ Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất, được nhiều cơ chế nhất đang dần định hình, còn lại các khu đô thị khác chủ yếu quy hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy.

Theo quy hoạch, đô thị Hòa Lạc có diện tích 17.294 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600.000 người, được chia làm 4 phân khu chuyên biệt là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Đại học Quốc gia, Khu đô thị sinh thái và Khu tổ hợp y tế phía Nam. Tuy nhiên, tại đây mới chỉ có Đại học FPT, một số cơ sở nghiên cứu, còn các phân khu khác vẫn gần như bỏ không sau nhiều năm quy hoạch.

Xem chi tiết tại đây

Nguy cơ thất thoát tài sản nếu giao "cơ chế đặc thù" cứu trụ sở Bộ Ngoại giao

Về vấn đề Bộ Ngoại giao xin cơ chế đặc thù xây dựng tiếp trụ sở hơn 4.000 tỷ đồng đang chậm tiến độ trên, Bộ Xây dựng cho rằng, việc lập một dự án mới để thi công tiếp trụ sở chỉ xử lý tình huống chưa giải quyết triệt để các vướng mắc dự án. Nếu áp dụng cơ chế đặc thù cho tất cả các hợp đồng xây lắp, thiết bị thuộc dự án như đề xuất của Bộ Ngoại giao sẽ dẫn tới bất cập trong quản lý dự án, chi phí đầu tư xây dựng, gây thất thoát, lãng phí tài sản, giảm hiệu quả đầu tư.

Theo Bộ Xây dựng, việc quyết toán các gói thầu thi công dở dang để lập dự án mới không phù hợp với quy định pháp luật. Việc chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng tại dự án cũng không đơn giản vì sẽ khó phân định trách nhiệm bảo hành, bảo trì công trình xây dựng dở dang.

Ngoài ra, việc đổi nhà thầu thi công dự án dẫn tới phải tổ chức lựa chọn lại nhà thầu mới sẽ kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư. Bộ Xây dựng cũng cho biết, để gỡ vướng cho trụ sở nghìn tỉ dở dang, Ban quản lý dự án - Bộ Ngoại giao cần xác định lại kế hoạch tổng thể triển khai tiếp dự án, và tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top