Aa

Mùa nhân sinh

Thứ Hai, 18/03/2019 - 06:00

Và Dã quỳ ấy, cho đến khi tàn vẫn còn dâng cho con người cái đẹp, cả cái đẹp hình thể và cái đẹp tinh thần, cả cái sự dâng hiến và hy sinh cho đến cuối đời. Đời quỳ như ngắn như dài, sắc quỳ như mơ như thực, dáng quỳ như lơi lả như đoan nghiêm, và như một lời nhắn với bạn phương xa rằng: Vẫn còn đó những rạo rực đam mê của cái thuở lần đầu gặp quỳ, thấy quỳ, ngẩn ngơ trước nó để rồi bàng hoàng mê đắm...

 

Người ta hay đổ xô xem/ngắm quỳ viên mãn, lúc quỳ vàng nhất, no nê nhất, mướt mát nhất, mỡ màng nhất... Ấy là cái màu vàng đến hết cỡ, vàng như chỉ còn lần này là lần cuối, vàng đến mê dại, đến hết mình. Mười bông như một, tạo thành thảm, thành lớp, thành những vô hồi bất tận, thành những miên man không ngưng nghỉ trên cái nền bazan tạo thành những mảng màu mà những họa sĩ thiên tài cũng phải nghiêng mình thán phục.

Đấy là những bông to, bụ bẫm, viên mãn, xòe bung những cánh hoa điệu đà trước gió, trước nắng, trước cả những ánh mắt đắm say của du khách. Nó mang vẻ đẹp của rợn ngợp, của miên man, của tầng tầng lớp lớp, của những khối kết dính, mạnh khỏe và vững vàng chứ không mỏng manh cô độc.

Mà quên rằng, quỳ tàn cũng có vẻ đẹp của nó.

Mùa này, dã quỳ bắt đầu tàn.

Trước Tết, mơn man gió và nắng, dã quỳ bắt đầu thu lại, bắt đầu bớt đi cái dáng vươn xa, bắt đầu cho một chu trình mới.

Tàn tức là lá mướt xanh lên, những cánh hoa chuyển sang vàng sậm, vàng ung, vàng thỉu, vàng nẫu rồi vàng nục.

Và rụng xuống.

Cái nhụy vươn ra, hình như có quả. Vươn lên trời những khẳng khiu, những quằn quại, những níu vớt, những quằn quại kỷ hà, những ngúc ngắc khô khẳng cuối cùng, để khẳng định, để tồn tại, để vẫy lên cơn cuối cùng, rồi hóa thân vào đất, làm thức ăn cho đất, bắt đầu mọt vòng quay mới, cho tái sinh, cho sự sống...

Mà hoàng hôn Cao nguyên thì bầm thế. Mà chiều thì vơ vẩn thế. Mà mây thì cứ trắng và lang thang thế. Mà gió thì ma quái, thì lãng đãng, thì vô định, thì vẫn... gió thế.

Nó làm nên một chiều Cao nguyên hết sức ấn tượng, hết sức đặc biệt, hết sức hoang liêu nhưng cũng hết sức gần gụi. Nó vẽ nên trong ta những đổ vỡ nhưng ấm áp, những hao khuyết nhưng tự tin, những mất còn nhưng đầy đặn. Nó là một khắc của thời gian, một cành của sự sống. Nó chính là một vĩnh hằng của quy luật, thứ quy luật sinh tồn và phát triển, quy luật của sinh tử, của nhân ái, của cao thượng, vị tha, của hy sinh và cuộc sống, của tái sinh...

Lụi tàn...

Lụi tàn...

... Và tái sinh...

... Và tái sinh...

Thì phải có mùa quỳ tàn thì mới có mùa quỳ hoa chứ.

Và nó là quy luật, là cái đương nhiên, là điều phải thế.

Và, nó có vẻ đẹp của nó.

Tôi vẫn ao ước, nếu nhà mình giàu, có điều kiện, sẽ có một cái vườn với hàng rào là dã quỳ. Mùa mưa nó cứ xanh um thế, xanh cũng là một ẩn sắc của đẹp, cũng là một trạng huống của cảm xúc, rồi đến mùa khô, nó bung sắc trải mình ra ngay sát tầm mắt con người, thân thiện và gần gũi mà vẫn giữ được cái vẻ vời xa ẩn dụ.

Và mùa này, từ nhà nhìn ra, gặp những cành khô khẳng, những chùm quả khô xiên xiên trong chiều, ngược nắng trong sáng, im lặng trong đêm. Giữa lá xanh um, những chùm, những cành khô đét nâu đen ấy, nó gợi vô cùng, nó bắt ta nghĩ rất nhiều điều, và cái chính là, nó khiến ta phải náo động. Náo động là một trạng huống của tồn tại, của tư duy, của trách nhiệm con người trước cuộc đời. Tôi đã gặp một ngôi nhà như thế ở một ngõ nhỏ nào đó trong thành phố Pleiku.

Cái bờ rào đá rất đẹp bày ra các ô trống như những cửa sổ, bên trong ấy là dã quỳ. Những bông quỳ thấp thoảng bên những ô cửa sổ đá ấy khiến khách bộ hành đang đi phía ngoài hàng rào, đang xuống xuống lên lên với cái ngoắt nghéo rất đặc trưng Pleku, chợt sững lại. Cái đẹp vừa hun hút vừa kiềm chế, vừa mưng mở tròn đầy vừa khiến bất giác kiễng chân nuối tiếc. Ơ, thế chả là một đặc trưng Pleiku ư?

Và, tôi đã gõ những dòng này trong một tinh sương tháng xuân giữa những khô khẳng như thế trên ban công nhà mình nhìn sang ô đất trống đối diện, chỉ mong chạm được vào, một chút thôi, cái bí ẩn truyền đời của dã quỳ, để hiểu, để cảm thông, để chia sẻ cái sức lan tỏa, sự luân chuyển hồi sinh của dã quỳ, để thấy rằng, té ra, cho dẫu đến lúc khô đi, chuẩn bị mất đi, dã quỳ vẫn còn đẹp. Nó vẫn vươn lên, luôn luôn vươn lên để khẳng định rằng, trên cuộc đời này, còn có một vẻ đẹp của dã quỳ góp vào. Và Dã quỳ ấy, cho đến khi tàn vẫn còn dâng cho con người cái đẹp, cả cái đẹp hình thể và cái đẹp tinh thần, cả cái sự dâng hiến và hy sinh cho đến cuối đời.

Đời quỳ như ngắn như dài, sắc quỳ như mơ như thực, dáng quỳ như lơi lả như đoan nghiêm, và như một lời nhắn với bạn phương xa rằng: Vẫn còn đó những rạo rực đam mê của cái thuở lần đầu gặp quỳ, thấy quỳ, ngẩn ngơ trước nó để rồi bàng hoàng mê đắm, rằng là quỳ hay nắng, gió và cao nguyên này sinh ra những đuôi mắt buồn và mênh mang làm vậy, cứ muốn vẽ lên đấy những mềm mại ngón út, những mê hoặc đôi môi, và cái nỗi nhớ khắc khoải ngày đêm như bắt nguồn từ đấy...

Quỳ tàn, nhưng lại không tàn, là bởi, nó vẫn dâng cho con người những ý nghĩa nhân sinh, những nét đẹp tự nhiên vẽ lên trời Cao nguyên mùa khô khát này, mùa chuẩn bị đón những cơn mưa...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top