Aa

Mua nước của sông Đuống, nhiều công ty nước tại Hà Nội đối diện nguy cơ phá sản?

Thứ Hai, 18/11/2019 - 17:12

Trước việc, UBND Hà Nội đồng ý cho Công ty Nước mặt Sông Đuống bán 10.246 đồng/m3 nước, những công ty phải mua nước từ nhà máy sông Đuống đối diện nguy cơ thua lỗ nặng nề vì mua nước giá cao xong bán lại với giá thấp.

Hình ảnh nhà máy nước mặt sông Đuống

Năm 2019, năm đầu tiên Nhà máy Nước mặt Sông Đuống bán, phân phối nước sạch ở Hà Nội với lưu lượng hơn 100.000m3/ngày đêm. Và để mua nguồn nước của đơn vị này, liên ngành thành phố đã trình UBND TP. Hà Nội phương án cấp bù gần 200 tỷ đồng cho phần chênh lệch giá bán buôn.

Tháng 7/2017, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký văn bản quy định giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Việc chấp thuận tạm tính giá cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống trên cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của UBND TP. Hà Nội đang áp dụng. Thậm chí giá ấy còn cao hơn giá bán bình quân của các đơn vị kinh doanh nước sạch và cao hơn cả giá thực thu sau khi trừ chi phí khấu hao.

Trước việc phải mua nước giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ khiến cho các công ty cung cấp nước sạch tại Hà Nội đối diện nguy cơ thua lỗ nặng nề, nếu không có phương án bù thì rất dễ dẫn đến phá sản.

Trong đề xuất gửi UBND TP. Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm tháng 10/2018, giá bán nước bình quân đến khách hàng là 9.761,28 đồng chưa bao gồm thuế GTGT và phí bảo vệ môi trường. Chỉ tiêu lợi nhuận mà UBND TP. Hà Nội giao cho đơn vị này trong năm 2018 là 216 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội phải mua nước từ nguồn nước mặt Sông Đuống thì sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Cụ thể, căn cứ theo tính toán của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, nếu phải mua nước mặt Sông Đuống thì chẳng những không lãi mà còn đối diện với việc sẽ lỗ 192,4 tỷ đồng/năm. Trong trường hợp không được bù khoản chênh lệch này thì công ty sẽ đối diện nguy cơ phá sản.

Cùng cảnh ngộ này, Công ty Cổ phẩn Nước sạch số 2 Hà Nội, nếu phải mua nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 thì đơn vị này sẽ đối diện với nguy cơ lỗ mỗi năm khoảng trên 58 tỷ đồng. Phía Công ty này cũng khẳng định, nếu phải mua nước với giá trên thì công ty không thể đảm bảo nguồn tài chính, nguồn tiền trả lương, bảo hiểm…

Hình ảnh lãnh đạo TP. Hà Nôị, lãnh đạo VCCI tham dự lễ khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1

Trong khi việc mua bán nước từ các đơn vị vẫn còn chưa thống nhất thì UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty Nước mặt Sông Đuống, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội thống nhất tổ chức việc phát nước thương mại từ ngày 10/1/2019.

Về việc Hà Nội chấp thuận mức giá bán nước rất cao cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng khẳng định, giá bán buôn của Nhà máy Sông Đuống cho Công ty Nước sạch Hà Nội cao hơn giá bán lẻ nước sạch do UBND TP. Hà Nội ban hành là không phù hợp với quy định của pháp luật.

“Theo Nghị định 117, giá bán buôn nước sạch không được vượt hơn giá bán lẻ hiện hành. Đây chính là mức cao bất hợp lý không được phép, vượt chuẩn pháp luật”, ông Thoả nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, vấn đề lựa chọn quyết định nhà đầu tư và xử lý các chính sách liên quan đến đầu tư không đúng ngay từ đầu và cốt lõi là chọn nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Bởi một dự án mà vốn chủ 20%, vốn vay 80% thì chi phí lãi vay – một khoản chi phí hình thành mức giá – đẩy mức giá cao bất hợp lý là đúng.

“Chúng ta thực hiện đúng, tính đủ nhưng quan trọng là phải gắn liền với “hợp lý, hợp lệ” chứ không phải tính đủ cả những chi phí mà ta biết là không hợp lệ. Mặt khác, khi quyết định đầu tư về giá nước thì Nhà nước đã có quy định là giá bán buôn không được vượt giá bán lẻ thì người duyệt phương án đầu tư phải xử lý hợp lý nguyên tắc này ngay từ đầu”, ông Thoả nêu quan điểm.

Trong khi đó, với việc các công ty phải mua nước mặt Sông Đuống dường như đang dẫn đến tình trạng “lấn làn” trong quy hoạch cung cấp nước tại Hà Nội mà đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 thì phạm vi cấp nước của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống gồm: Khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai), đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề. Ngoài ra còn cấp nước cho một số khu vực của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.

Trong khi đó, hiện tại, việc cung cấp nước của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đang có dấu hiệu lấn sang vùng quy hoạch của nhà máy khác. Đơn cử như việc UBND TP. Hà Nội đồng ý cho phía Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống xây dựng tuyến ống truyền dẫn DN800 nằm trên tuyến đường 70 đoạn từ Quốc lộ 1A đến Cầu Bươu – Hà Đông thuộc huyện Thanh Trì. Điều đáng nói là khu vực này vốn nằm trong quy hoạch do nhà máy nước Sông Đà cung cấp vì thuộc khu vực Đô thị trung tâm phía Tây Nam Hà Nội.

Trước việc đồng ý giá bán nước cao hơn cả giá bán lẻ, đồng ý cho xây dựng đường ống lấn sang vùng quy hoạch của đơn vị khác, dư luận đặt câu hỏi về những “ưu ái lạ” mà phía UBND TP. Hà Nội dành cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống không hiểu để nhằm mục đích gì khi mà người dân phải mua nước giá cao mà ngân sách nhà nước thì có nguy cơ phải bù tiền cho các công ty cung ứng nếu không muốn rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí là phá sản…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top